Tại buổi làm việc của Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với Bộ Công Thương vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có bản báo cáo tổng hợp về “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, từ thực tiễn Bộ Công Thương.
Cụ thể, qua nhiều năm kiên trì thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo chủ trương của Đảng, công nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020.
Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỉ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao. Đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn có tiềm năng vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.
Năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể - Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”.
Công nghiệp cũng trở thành ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước, và cũng là ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và nâng cao đời sống của nhân dân.
“Tuy vậy, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn vừa qua vẫn nhiều hạn chế ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới, như nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu; công nghiệp Việt Nam phát triển mất cân đối nghiêm trọng, phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài; phát triển công nghiệp chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của các địa phương và vùng kinh tế”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận những hạn chế.
Trong khi đó, Nghị quyết đại hội Đảng XIII đặt mục tiêu đến 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đây là mục tiêu khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cũng như những đột phá về hệ thống chính sách phát triển công nghiệp để thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới.
Trước thực trạng ngành công nghiệp trong nước và xu thế toàn cầu, trong giai đoạn tới, để hoàn thành các mục tiêu về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã đặt ra đến năm 2030 và 2045, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đột phá, quyết liệt, đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp trên thị trường toàn cầu.
“Bộ Công Thương kiến nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với nội dung trọng tâm là phát triển công nghiệp trong nước, nâng cao năng lực tự chủ, tự cường dân tộc.”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.