Qua hơn 10 năm (2011-2020) thực hiện chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được trên phạm vi cả nước đạt hơn 16.400 tỷ đồng, chiếm 18,5% so với tổng kinh phí đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Việc triển khai thực hiện chính sách DVMTR đã đem lại lợi ích thiết thực về: kinh tế, môi trường và xã hội. Nguồn thu từ tiền DVMTR đã góp phần bảo vệ , phát triển rừng và cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng tại các địa phương trong cả nước.
Tại tỉnh Lâm Đồng, từ khi được thành lập từ năm 2009 đến nay Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng (Quỹ BV&PTR) đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao nổi bật nhất là là tham mưu triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh. Số tiền DVMTR của tỉnh thu được 10 năm (2011-2020) là 2.204 tỷ đồng; đây là nguồn tài chính lớn ngoài ngân sách để chi trả cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.
Công tác thu và chi tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tương đối thuận lợi, không nợ đọng. Việc tạm ứng và chi trả cho bên cung ứng DVMTR kịp thời và đầy một số chủ rừng chi trả cho hộ nhận khoán đã tài khoản ngân hàng và giao dịch điện tử, nhờ vậy đã giảm rủi ro, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và tăng tính minh bạch cho bên thực hiện chi trả tiền DVMTR, đồng thời tạo thuận tiện cho chủ rừng về lâu dài. Quỹ BV&PTR thường xuyên giám sát việc chi trả của chủ rừng.
Tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh khoảng 538.742 ha. Tính đến năm 2020 diện tích cung ứng được chi trả 395.400 ha (chiếm tỷ lệ 73,4% diện tích rừng toàn tỉnh). Với đặc thù của tỉnh, chủ rừng là tổ chức nhà nước (Ban quản lý rừng phòng hộ, Vườn Quốc gia, Công TNHH MTV Lâm nghiệp) chiếm trên 90% diện tích được chi trả hàng năm và 95% diện tích này được ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng đến các hộ dân do đó tiền chi trả chủ yếu đến hộ ( 15.500 hộ tạo thu nhập 15 triệu- 18 triệu đồng/hộ/năm ( 15% tổng thu nhập của hộ) đã trực tiếp góp phần cải thiện đời sống kinh tế cho các hộ dân tham gia bảo vệ rừng cũng như trách nhiệm trong công việc.
Năm 2021, kế hoạch thu 293 tỷ đồng của : 44 cơ sở sản xuất thủy điện,5 cơ sở sản xuất công nghiệp, 20 cở sở sản xuất nước sạch và chi trả cho 408.000 ha rừng cung ứng với số tiền là 252,0 tỷ đồng chắc chắn sẽ hoàn thành .
Để hoàn thành nhiệm vụ thu chi tiền DVMTR năm 2021, ngoài việc thừơng xuyên đôn đốc các đơn vị chi trả kê khai, nộp tiền theo quy định; đôn đốc chủ rừng thường xuyên báo cáo kết quả chi trả và kiểm tra giám sát; Quỹ còn tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chính sách chi trả rộng rãi đến những đối tưởng liên quan với nhiều hình thức và sản phẩm truyên truyền phong phú.
Ví dụ, ngày 7/12/2021, Qũy đã tổ chức thành công chương trình “Chi trả dịch vụ môi trường rừng đồng hành cùng học sinh tới trường”. Lồng ghép với nội dung tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, 6.000 quyển vở đã được Quỹ trao tới từng em học sinh trường THCS Liêng Trang huyện Đam Rông.
Đây là hoạt động truyền thông đến các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hạt nhân lan rộng nội dung tuyên truyền đến các đối tượng trực tiếp là cộng đồng, là gia đình, là đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ chính sách chi trả và qua đó cộng đồng sẽ có trách nhiệm lại với rừng, với công việc bảo vệ rừng của mình.
Trong năm 2022, phát huy những thành quả đạt được của Quỹ và chính sách chi trả; Qũy BV&PTR Lâm Đồng sẽ tiếp tục tham mưu các ngành chức năng của tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn .