Nằm lọt thỏm giữa đèo Hải Vân, đèo Phú Gia, Lăng Cô là thiên đường tránh nắng vào mùa hè. Thậm chí, vua Khải Định đã từng cho xây cả một hành cung nghỉ dưỡng Tịnh Viêm ngay tại đây để tránh nóng. Đến giờ, bạn vẫn có thể đọc lại được những đánh giá về vẻ đẹp của vịnh Lăng Cô trên tấm bia Hành cung Tịnh Viêm do vua Khải Định ngự chế trên con đường vào thị trấn Lăng Cô.
Đến với một trong những vùng vịnh biển đẹp bậc nhất thế giới và đừng bỏ lỡ 8 trải nghiệm để khám phá tường tận mảnh đất đẹp hoàn mỹ này.
Ngắm bình minh trên biển Cảnh Dương
Nằm ngay phía dưới Laguna, cạnh cảng Chân Mây, biển Cảnh Dương thuộc xã Lộc Vĩnh vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ với hàng bãi cát trắng mịn hình vòng cung ôm trọn biển.
Sáng sớm thức dậy, hít đầy phổi mùi biển mằn mặn, pha sẵn bình chocolate nóng, tản mạn chuyện trên trời dưới biển với hội bạn thân trong lúc đợi bình minh xuất hiện từ đường chân trời. Đó là khoảnh khắc tuyệt vời của những ‘tháng năm rực rỡ’ mà bạn sẽ luôn nhớ mãi.
Biển Chân Mây
Bãi biển Chân Mây được xem là bãi tắm đẹp nhất tại Lăng Cô. Nước biển tại đây trong vắt cùng một bờ cát trải dài trắng mịn chạy vòng theo một cung đường biển tuyệt đẹp. Mặt biển khá yên bình, sóng biển vỗ nhẹ nhàng thích hợp thể để bơi lội, ngâm mình trong làn nước mát lạnh.
Bãi Chuối
Bãi Chuối sở hữu vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng thiên nhiên nằm ngay bên cạnh, và nét đẹp hiền hòa từ dải cát trắng mịn, làn nước trong xanh, mát rượi. Cùng với núi đá, các bãi đá chồng tạo nên phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đây là một địa điểm cắm trại qua đêm yêu thích của các bạn trẻ khi du lịch bụi ở Lăng Cô.
Câu cá đầm Lập An
Nằm ngay dưới chân đèo Phú Gia, đầm Lập An đẹp như bài thơ “Thu Điếu” của Nguyễn Khuyến, đâu đó giữa làn nước biếc là “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.” Đây từng là nơi câu cá yêu thích của vua Khải Định và Bảo Đại mỗi khi hè về. Đầm Lập An, hay còn gọi là đầm An Cư được bao quanh bởi dãy núi Bạch Mã hùng vĩ, những đụn mây sà trĩu xuống, tạo thành lớp sương mờ ảo giăng trên mặt nước, đẹp đến nao long như một bức tranh thủy mặc. Lúc thủy triều xuống, bạn có thể theo chân người dân địa phương đi đào đụn cát để tìm sá sùng biển.
Cách đó không xa là một làng chài nhỏ với các nhà hàng hải sản, nơi bạn tha hồ khám phá đặc sản Lăng Cô, nhất là món hàu – một sản vật đặc biệt được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho người dân nơi đây.
Làng chài Lăng Cô
Nép mình dưới chân đèo Hải Vân hùng vĩ là khu làng chài Lăng Cô êm ả. Sau những giờ mưu sinh, từng chiếc ghe, thuyền neo đậu ở đầm Lập An càng điểm tô thêm cho nét thanh bình của làng chài. Những thanh niên trai tráng lo chuyện tu sửa các phương tiện, phụ nữ thì tất bật chuyện giặt rồi vá lưới để chuẩn bị cho những chuyến ra khơi tiếp theo, còn những em nhỏ tung tăng chơi đùa trên bãi cát với một quả bóng cũ. Dường như cuộc sống có kham khổ đến mấy cũng không thể làm tắt đi nụ cười rạng rỡ trên môi những người con của biển.
Đỉnh Bạch Mã
Vườn Quốc gia Bạch Mã sở hữu một phong cảnh hữu tình khó tả thành lời với bên dưới là dòng nước uốn lượn quanh những ngọn núi, bên trên là vầng mây thấp thoáng che phủ.
Bắt đầu được chú ý khi một kỹ sư người Pháp – ông Girard tổ chức khai phá vào năm 1932 nhằm phát triển du lịch phục vụ giới thượng lưu thời đó cùng các quan chức. Sau đó Bạch Mã dần bị lãng quên khi chiến tranh liên tục kéo dài vào những năm 50 & 60. Mãi đến khi hòa bình lập lại, thắng cảnh này mới bắt đầu chính thức được bảo tồn và phát triển với sự thành lập Vườn quốc gia Bạch Mã của chính phủ Việt Nam.
Là vùng đất có khí hậu dễ chịu nhất Đông Dương, nhiệt độ luôn mát mẻ, ôn hòa từ 10 độ đến 22 độ, kể cả những tháng hè oi bức nhất, núi Bạch Mã bao bọc một hệ sinh thái khổng lồ, bao gồm khoảng 500 loài thực vật như cẩm lai, trắc trầm hương,.. và phong phú chủng loại sinh vật quý hiếm như gà lôi lam mào đen, trĩ sao… Trekking giữa mây và núi, ngắm nhìn vẻ đẹp bàng bạc hùng vĩ của tự nhiên, khám phá những con đường mòn độc đáo là hoạt động được yêu thích nhất cho những tay phượt đam mê thế giới hoang dã.
Lăng Khải Định
Lăng Khải Định tiêu tốn tiền của bậc nhất trong lịch sử triều đại Nguyễn, và khác với các kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi cái mới, cái lạ, cái ngông nghênh, lạc lõng… từ phong cách kiến trúc cho đến nội thất. Không chỉ bởi nguyên vật liệu quý hiếm phải đặt tận Pháp, Nhật, Trung,…mà còn bởi những bức bích hoạ cầu kỳ được khảm bằng gốm sứ ngay trên điện chính – cung Thiên Định – nơi tài hoa của những người nghệ nhân được phô diễn với các bức bích họa, phù điêu bằng sành sứ và thủy tinh. Những tác phẩm nghệ thuật đại diện cho xuân – hạ – thu – đông (tứ quý), hay mang hình dáng thuỵ thú long – lân – quy – phụng, bát bửu, ngũ phúc, vương miện…tạo nên một khung cảnh đáng ngưỡng mộ, nhất là khi chiều buông xuống, nắng hắt vào qua các khung cửa.
Ngắm hoàng hôn trên phá Tam Giang
Sau một ngày dạo khắp mọi nơi, thì hãy dừng chân trên phá Tam Giang, khi ánh hoàng hôn đỏ au buông dần trên mặt nước mênh mông, để lại màu vàng cam thanh bình trên nền trời vắng lặng.
Dài lên đến 24km, bắt nguồn từ cửa sông Ô Lâu, theo dòng sông Hương đổ ra cửa biển Thuận An, phá Tam Giang là một trong những con phá lớn nhất Đông Nam Á, mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, lôi cuốn khiến ai đến đây cũng đều muốn ngồi trên chiếc thuyền, lướt nhẹ ra giữa phá, đắm mình giữa mênh mang nước.