Sáng ngày 26/3/2019, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi tiếp và làm việc với công dân Vũ Thị Mùi, hiện đang cư trú tại địa chỉ Phòng 10 nhà A11, Tổ dân phố 10B Ngách 85/1, Tập thể 8/3, phố 8/3, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Trước đó, bà Vũ Thị Mùi đã đến phòng Tiếp công dân của Bộ Công Thương đề nghị được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sổ đỏ nhà đất. Ông Lê Việt Long - Chánh Thanh tra Bộ Công Thương đã tóm tắt nội dung, quá trình sự việc liên quan đến công dân Vũ Thị Mùi như sau:
Bà Vũ Thị Mùi là nguyên công nhân Nhà máy Dệt 8-3 Hà Nội (nay là Công ty TNHH MTV Dệt 8-3, sau đây gọi là Công ty) thuộc Tập đoàn Dệt may. Năm 1992, bà Mùi được phân nhà tại Phòng 201, Nhà A5, Tập thể 8/3 theo Hợp đồng thuê nhà số 222/QLN ngày 24 tháng 02 năm 1992 của Nhà máy Dệt 8-3 Hà Nội
Sau đó, bà Mùi và các hộ liền kề không đạt được sự thống nhất trong quá trình Công ty cải tạo công trình phụ. Công ty đã cho bà Mùi mượn ở tạm tại Phòng 10, Nhà A11, Tập thể Dệt 8-3 với diện tích 18m2 được ngăn cách trên tổng 70m2 cả phòng. Sau thời gian dài ở tạm, bà Mùi yêu cầu được nhập hộ khẩu và làm chứng minh nhân dân tại đây.
Ngày 30 tháng 3 năm 2011, Công ty ký hợp đồng số 63/HĐTN cho bà Vũ Thị Mùi tiếp tục thuê nhà với diện tích 18m2 của Phòng 10, Nhà A11 (không tính tiền thuê nhà) và đồng ý cho bà Mùi nhập hộ khẩu vào căn phòng này.

Sau khi được Công ty ký hợp đồng cho thuê nhà, bà Vũ Thị Mùi yêu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đối với phần diện tích 18 m2 của căn Phòng 10 - Nhà A11, tập thể Dệt 8-3 nêu trên trong khi vẫn giữ lại căn phòng Phòng 201, nhà A5 được phân phối trước đây và không thực hiện các thủ tục cần thiết với cơ quan quản lý nhà đất của địa phương để được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu với căn phòng này.
Vụ việc đã được Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dệt may, Công ty TNHH MTV Dệt 8-3 phối hợp với chính quyền địa phương xử lý. Đồng thời Bộ Tài chính và Sở Xây dựng Hà Nội cũng có các đoàn công tác đưa ra ý kiến hướng dẫn, giúp tháo gỡ và tạo điều kiện cho bà Mùi. Theo đó, hiện nay chưa có cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần diện tích 18m2/70m2 của phòng 10 Nhà A11.
Tại buổi làm việc, ông Lê Việt Long cho rằng, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo yêu cầu và nguyện vọng của bà Vũ Thị Mùi không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, do vụ việc xảy ra tại một đơn vị của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, thuộc Bộ Công Thương (nay trực thuộc Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước) nên Bộ Công Thương đã rà soát, xem xét sự việc, nhiều lần làm việc với các cơ quan và cá nhân có liên quan để hướng dẫn tháo gỡ.

Tuy nhiên, bà Mùi tiếp tục đến phòng Tiếp công dân của Bộ Công Thương đề nghị được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sổ đỏ, mặc dù cán bộ phòng Tiếp công dân đã giải thích vụ việc của bà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công Thương và hướng dẫn bà Vũ Thị Mùi gửi đơn đến Sở Xây dựng Hà Nội hoặc Công ty TNHH Dệt 8-3 để được xem xét giải quyết.
Nhưng bà Vũ Thị Mùi đã một mực yêu cầu được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp, dù có nhận được câu trả lời Bộ Công Thương không có thẩm quyền giải quyết vụ việc của bà.
Lắng nghe ý kiến của công dân Vũ Thị Mùi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ sự cảm thông sâu sắc và khẳng định, nguyện vọng được cấp sổ đỏ nhà ở và có chỗ cư trú ổn định, an toàn là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng của người dân.
Hiện nay, do Tập đoàn Dệt may Việt Nam không còn trực thuộc Bộ Công Thương nên những vấn đề liên quan trực tiếp đến các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Bộ Công Thương không thể can thiệp trực tiếp. Bên cạnh đó, nhà ở, đất đai của Công ty TNHH Dệt 8-3 lại là công sản, do Bộ Tài chính quản lý. Bộ trưởng cho biết, nếu bà Vũ Thị Mùi muốn làm sổ đỏ thì cần có sự phối hợp của Bộ Tài chính và chính quyền sở tại hướng dẫn theo đúng quy định hiện hành.
Tuy nhiên, trước hoàn cảnh đặc biệt của bà Vũ Thị Mùi (sống độc thân, không có gia đình), tuổi già (78 tuổi) và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Công ty TNHH 8-3 cũng như của Tập đoàn Dệt may và ngành Công Thương trong những năm công tác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã phân tích và có những hướng dẫn cụ thể để bà Mùi có thể thực hiện được nguyện vọng chính đáng của mình.
Trong buổi làm việc, Bộ trưởng ghi nhận toàn bộ sự việc, nguyện vọng cá nhân cùng các Đơn tố cáo, khiếu nại của công dân Vũ Thị Mùi. Đối với cán bộ của Bộ (thuộc Thanh tra Bộ) có liên quan đến Đơn tố cáo, Bộ trưởng giao Chánh Thanh tra Bộ xác minh lại sự việc, nếu đúng như tố cáo, sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, về phía Bộ, sẽ thực hiện hết trách nhiệm của mình. Bộ Công Thương sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và chính quyền sở tại để phối hợp và có những đề xuất cụ thể nhằm giải quyết nguyện vọng của bà Vũ Thị Mùi.
Bộ trưởng khẳng định, sau khi gửi các văn bản đến các cơ quan liên quan, Bộ sẽ thông tin lại cho bà Vũ Thị Mùi để Bà có thể theo dõi tiến độ sự việc. Về phía Bộ, trong phạm vi thẩm quyền, nếu có thể hướng dẫn, giúp đỡ được công dân Vũ Thị Mùi, Bộ trưởng và các đơn vị liên quan sẽ tạo điều kiện nhiều nhất có thể.
Kết thúc buổi làm việc, bà Vũ Thị Mùi gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến cá nhân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và các đơn vị thuộc Bộ đã dành thời gian để tiếp công dân, lắng nghe nguyện vọng của Bà. Bà Vũ Thị Mùi bày tỏ hy vọng, với sự hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể của Bộ Công Thương, Bà sẽ hoàn thành nguyện vọng và hưởng cuộc sống ổn định, bình an của tuổi già.