Theo đó, tỉnh Houaphanh được mở tạm thời cửa khẩu phụ Ban Dan, thông với cửa khẩu Chiềng Khương, tỉnh Sơn La để phục vụ cho việc xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp với điều kiện "đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19".
Trước đó, Chính phủ Lào cũng đã cho phép mở lại tạm thời một số cửa khẩu phụ với các nước láng giềng để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phục hồi hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Hiện, trên cơ sở đề xuất của một số cơ quan, doanh nghiệp, chính phủ Lào đã nới lỏng quy định về hạn chế qua lại khu vực biên giới bằng cách tạm thời cho phép mở lại cửa khẩu truyền thống Nong Ma, huyện Buarapha, tỉnh Khammuan và cửa khẩu Ban Vang, huyện Meun, tỉnh Vientiane phục vụ nhu cầu xuất khẩu quặng barit thành phẩm.
Chính phủ Lào cũng cho phép tạm mở lại cửa khẩu truyền thống Tha Saath, huyện Pakkading, tỉnh Bolykhamxay, giúp Công ty thủy điện Nam Theun 1 nhập khẩu vật liệu xây dựng phục vụ dự án.
Hết tháng 9, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào đạt gần 740 triệu USD. Hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước có chiều hướng tăng trở lại là nhờ các thủ tục thông quan tại một số cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu địa phương được nới lỏng vì cả hai nước đều kiểm soát tốt dịch bệnh. Hai nước đang nỗ lực thúc đẩy thương mại song phương trong năm nay tăng từ 10 đến 15% so với năm ngoái, khả năng đạt 1 tỉ USD như kế hoạch đã đề ra.
Lào xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là khoáng sản, sản phẩm gỗ và nông sản như cao su, cà phê, ngô, sắn, gạo, gia súc và nhập lại từ Việt Nam xăng dầu, phân bón, sắt thép, máy móc, thiết bị điện, vật liệu xây dựng và phụ tùng.