Ngày 25/9, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết, đơn vị đã có cuộc làm việc với Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các sở, ngành đơn vị liên quan về xây dựng hồ sơ đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, phạm vi khảo sát lập Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng có quy mô diện tích 484.326ha, dân số 133.642 người.
Trong đó, vùng lõi khu dự trữ sinh quyển được lấy theo ranh giới vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và khu di sản Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc địa phận 2 huyện, 7 xã/thị trấn, diện tích 123.326ha; vùng đệm được lấy theo ranh giới vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc địa phận 3 huyện, 13 xã/thị trấn, diện tích là 220.000ha; vùng chuyển tiếp nằm trên địa phận 6 huyện/thị xã, 18 xã/thị trấn, diện tích 141.000ha.
Hiện nay, trên thế giới có 738 khu dự trữ sinh quyển tại 134 quốc gia; bao gồm 22 khu dự trữ sinh quyển thế giới xuyên biên giới đã được công nhận. Tại Việt Nam, có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Theo đó, để được đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cần đạt được 7 tiêu chí bao gồm: Khu vực đề cử có đại diện đa dạng các hệ sinh thái của những khu vực địa lý sinh vật chính, bao gồm cả những giai đoạn phát triển có sự tác động của con người; khu vực đề cử có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao; Khu dự trữ sinh quyển đó có thể thực hiện phát triển theo hướng bền vững tại khu vực; Khu dự trữ sinh quyển có diện tích thích hợp để đáp ứng được ba chức năng của khu dự trữ sinh quyển; Khu vực đó có đủ những vùng thích hợp; Có sự sắp xếp theo cấp độ của những thành phần liên quan, những người tham dự, những đối tượng quan tâm tại những khu vực phù hợp để cùng thực hiện những chức năng của khu dự trữ sinh quyển; Cơ chế thực hiện việc quản lý và bảo tồn được UNESCO chấp nhận.
Đồng thời, việc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận sẽ đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng cảnh quan, hệ sinh thái, loài và nguồn gen; thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và con người một cách bền vững về các mặt văn hóa, xã hội và sinh thái; hỗ trợ các chương trình trình diễn, hoạt động giáo dục và tập huấn về môi trường, nghiên cứu và giám sát liên quan đến vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu.