Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 921/QĐ-TTg ngày 28/8/2024 của Thủ tướng chính phủ Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, việc thực hiện Quy hoạch phải bảo đảm tuân thủ, kế thừa các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt; tính liên kết, thống nhất giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, các địa phương. Bám sát định hướng bốn trụ cột kinh tế: du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế biển phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Đồng thời phải bảo đảm tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bối cảnh hội nhập quốc tế và thực tiễn tại địa phương; đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của Đảng và Nhà nước trong quá trình ban hành cơ chế, chính sách triển khai thực hiện nhằm ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong ban hành cơ chế, chính sách....
Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn
Nội dung chủ yếu của Kế hoạch là Hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch; triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch tỉnh; Kế hoạch sử dụng đất.
Đối với các dự án ưu tiên và phân kỳ đầu tư: Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông bảo đảm đồng bộ, hiện đại; hạ tầng Khu kinh tế Hòn La và Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hạ tầng cửa khẩu; hạ tầng khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng lưới điện; hạ tầng kỹ thuật tại các trung tâm đô thị, trung tâm động lực tăng trưởng, hành lang kinh tế đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả...
Ưu tiên thu hút đầu tư du lịch, dịch vụ, khu kinh tế, cụm công nghiệp
Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Lĩnh vực du lịch, dịch vụ; lĩnh vực công nghiệp; lĩnh vực nông nghiệp; lĩnh vực hạ tầng.
Trong đó, lĩnh vực du lịch, dịch vụ ưu tiên các dự án đầu tư khai thác dịch vụ du lịch, các sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên và đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đẳng cấp quốc tế tại khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đô thị du lịch Phong Nha và vùng phụ cận (theo quy định của pháp luật về bảo tồn di sản và quy định có liên quan); các khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao cao cấp; bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp sân gôn khu vực ven biển; các khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái; trung tâm thương mại và khách sạn cao cấp; hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố; nâng cấp, mở rộng hệ thống chợ trên địa bàn toàn tỉnh; các trung tâm logistics và thương mại dịch vụ tại Khu kinh tế Hòn La, Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo.
Lĩnh vực công nghiệp ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp theo quy hoạch; công nghiệp điện; công nghiệp chế biến, chế tạo (chú trọng chế biến sâu nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc và các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh…) và các ngành công nghiệp hỗ trợ... gắn với nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo, khai thác tốt cách mạng công nghệ lần thứ tư.
Lĩnh vực nông nghiệp ưu tiên đầu tư các khu sản xuất nông nghiệp tập trung, các vùng chuyên canh theo hướng công nghệ cao; đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm chất lượng cao gắn với nhà máy chế biến tập trung; đầu tư nuôi trồng thủy hải sản trên biển; các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; trồng cây dược liệu dưới tán rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng…