Ba thay đổi lớn
Trong lúc này, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có thu nhập thấp thì các nền kinh tế giàu hơn lại đang đứng trước một giai đoạn bùng nổ kinh tế mới hậu đại dịch.
Khi việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 bắt đầu có tác dụng, số cả nhiễm mới và tử vong do dịch bệnh gây ra đều giảm, nhiều quốc gia đang dần dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch và tái mở cửa nền kinh tế. Các nhà kinh tế học dự báo Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ tăng trưởng khoảng 7% trong năm nay, cao hơn tới 5% so với xu hướng tăng trưởng trung bình chỉ đạt hơn 2% trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Nhiều nền kinh tế lớn khác cũng được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng nhanh đáng kinh ngạc trong năm nay.
Những gì sẽ xảy ra sau đại dịch? Lịch sử cho thấy rằng thông thường sau những cuộc khủng hoảng phi tài chính lớn như chiến tranh hoặc đại dịch, tăng trưởng GDP có xu hướng phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, dưới những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19, thế giới của chúng ta còn chịu ba thay đổi cơ bản như sau.
Thứ nhất, khi mọi người muốn ra ngoài và chi tiêu thì sự không chắc chắn, bấp bênh hay những lo ngại về những rủi ro dịch bệnh vẫn sẽ tồn tại trong một thời gian dài.
Thứ hai, đại dịch sẽ thúc đẩy chúng ta thử nghiệm những phương thức sản xuất mới, có thể làm thay đổi, thậm chí đảo lộn cấu trúc của nền kinh tế.
Thứ ba, những biến động chính trị thường xảy ra sau đó với hậu quả kinh tế khó lường.
Xu hướng tăng cường tích luỹ
Dữ liệu từ những lần đại dịch đã xuất hiện trong quá khứ cho thấy, trong những giai đoạn nguy cấp, phản ứng về mặt tài chính của mọi người tương đối giống với những gì đã diễn ra trong năm vừa qua khi dịch Covid-19 lan rộng. Đó là tăng cường tích luỹ tiền khi các cơ hội đầu tư đối mặt nhiều rủi ro và cơ hội chi tiêu biến mất.
Trong nửa đầu thập niên 1870, khi bệnh đậu mùa bùng phát, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình ở Anh đã tăng gấp đôi. Khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổ ra (từ năm 1914 – 1918), tỷ lệ tiết kiệm tại Nhật Bản cũng tăng hơn hai lần.
Trong những năm 1920, khi dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát, người dân tại Hoa Kỳ đã tích trữ lượng tiền mặt ở mức cao nhất lịch sử và xu hướng này kéo dài cho đến tận Chiến tranh Thế giới lần hai (từ năm 1939 – 1945).
Lịch sử cũng cho thấy mọi người sẽ hành động như nào khi cuộc sống trở lại bình thường. Chi tiêu sẽ tăng lên và giúp thị trường lao động phục hồi nhưng không có nhiều bằng chứng cho thấy mọi người sẽ chi tiêu quá mức.
Ngân hàng Goldman Sachs (Hoa Kỳ) ước tính, trong giai đoạn 1946 – 1949 khi Chiến tranh Thế giới lần hai kết thúc, người tiêu dùng Hoa Kỳ chỉ chi khoảng 20% số tiền tiết kiệm dư thừa của mình.
Khoản chi tiêu tăng thêm này chắc chắn đã tạo ra sự bùng nổ kinh tế sau chiến tranh. Tuy nhiên, các báo cáo kinh tế hàng tháng của Chính phủ Hoa Kỳ thời bấy giờ chứa đựng nhiều dự báo tiêu cực, lo ngại sự suy thoái có thể xảy ra. Và trên thực tế, nền kinh tế Hoa Kỳ đã suy thoái trong những năm 1948 – 1949.
Nguồn cung bùng nổ
Sự bùng nổ kinh tế sau các cuộc khủng hoảng liên quan đến “nguồn cung” của nền kinh tế. Vậy hàng hoá, dịch vụ được sản xuất như nào và ở đâu sau mỗi cuộc khủng hoảng?
Nhìn chung, một số người sẽ sớm thích ứng với những thay đổi về kinh tế - xã hội và những yêu cầu mới xuất hiện sau các cuộc khủng hoảng và sẵn sàng thử nghiệm những phương thức sản xuất – kinh doanh mới.
Thậm chí, giới sử học tin rằng, nỗi ám ảnh do “cái chết đen” – bệnh dịch hạch gây ra tại Châu Âu và Châu Á, đỉnh điểm trong giai đoạn từ năm 1346 – 1351, đã khiến người Châu Âu trở nên ưu thích phiêu lưu, mạo hiểm hơn. Điều này đã giúp các vương quốc tại Châu Âu thời bấy giờ tìm ra thêm các con đường thông thương với Châu Á và đặt nền móng cho thời kỳ Phục Hưng – kỷ nguyên khám phá của loài người.
Một báo cáo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (NBER) công bố vào năm 1948 cho thấy, số lượng các công ty mới gia nhập thị trường đã bùng nổ kể từ sau năm 1919 – thời điểm dịch cúm Tây Ban Nha lan rộng.
Hiện nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại những nền kinh tế lớn đang tăng mạnh khi các doanh nhân và nhà đầu tư tìm cách lấp đầy khoảng trống trên thị trường. Một số nhà kinh tế học đã đúc rút ra được những mối liên hệ giữa đại dịch và một số thay đổi ở “nguồn cung” của nền kinh tế.
Ví dụ, khi các chủ doanh nghiệp buộc phải tìm ra cách tốt nhất để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh mà vẫn hạn chế được dịch bệnh lây nhiễm thì việc ứng dụng công nghệ sẽ được đẩy mạnh nhằm giảm thiểu số lao động. Các tiến bộ công nghệ như robot được xem là lựa chọn tối ưu vì virus không thể tấn công máy móc.
Các nhà phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tiến hành nghiên cứu về một số đợt bùng phát dịch bệnh gần đây, bao gồm cả dịch Ebola và dịch SARS và đưa ra kết luận “các trận đại dịch đã thúc đẩy việc ứng dụng robot, đặc biệt là khi dịch bệnh tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người và có khả năng gây ra suy thoái kinh tế”.
Trong những năm 1920 – thời kỳ công nghiệp hoá được đẩy mạnh tại Hoa Kỳ và cũng là giai đoạn sau khi dịch cúm Tây Ban Nha qua đi, công việc điều hành điện thoại trở thành một trong những công việc phổ biến nhất đối với những phụ nữ trẻ Hoa Kỳ. Điện thoại được xem là một phát minh mở ra cuộc cách mạng về thông tin viễn thông thời bấy giờ, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, liệu sự tăng cường tự động hoá có khiến con người mất đi việc làm hay không? Một số nghiên cứu cho thấy trên thực tế, việc gia tăng mức độ tự động hoá sau đại dịch giúp công nhân có việc làm tốt hơn so với trước khi đại dịch xảy ra.
Nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - Chi nhánh San Francisco (FRB SF) công bố hồi năm ngoái cho thấy, mức lương thực tế có xu hướng tăng lên. Trong một số dịch bệnh đã xảy ra, mức lương thực tế tăng khi dịch bệnh khiến lượng lớn người lao động tử vong và những người may mắn sống sót có vị thế tốt hơn khi tiến hành thương lượng tiền lương.
Thúc đẩy sự bình đẳng
Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, lương tăng là hệ quả của những thay đổi chính trị. Thay đổi chính trị chính là bài học thứ ba được các nhà kinh tế học rút ra từ việc quan sát các thời kỳ bùng nổ kinh tế trước đây.
Khi mà tất cả mọi người phải gánh chịu một thảm hoạ nào đó, thì những người thuộc tầng lớp lao động dường như trở nên nhạy cảm hơn với những thay đổi kinh tế - xã hội. Điều này có vẻ cũng đang xảy ra trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Một nghiên cứu mới đây của Trường Kinh tế London (LSE) cho thấy Covid-19 đã khiến mọi người trên khắp Châu Âu trở nên ác cảm hơn với sự bất bình đẳng.
Một số nhà kinh tế học nhận định các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu dường như đang quan tâm hơn đến việc giảm nợ công do các gói kích thích kinh tế quy mô chưa từng có hoặc ngăn chặn lạm phát leo thang, thay vì nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Trong một số trường hợp lịch sử đã ghi nhận, những áp lực xã hội vốn bị đè nén từ trước đến nay, dưới sự xúc tác của dịch bệnh đã biến thành những biến động chính trị. IMF đã thực hiện nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của 5 dịch bệnh, bao gồm cả Ebola, SARS và Zika ở 133 quốc gia kể từ năm 2001. Kết quả cho thấy dịch bệnh đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể những bất ổn xã hội.