Bộ Công Thương cho biết, thời gian vừa qua, mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ cá nhân phòng dịch có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.
Đây là một mặt hàng giúp nhiều doanh nghiệp có thể đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương nhận định.
Tuy nhiên, nhu cầu tăng đột biến khiến cho thị trường xuất khẩu các mặt hàng trên tăng trưởng nóng và có dấu hiệu không kiểm soát được về mặt chất lượng, tạo nguy cơ ảnh hưởng đến hình ảnh hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Ví dụ, một số sản phẩm khẩu trang vải, khẩu trang y tế không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với tiêu chuẩn, đặc điểm của người nước ngoài. Đáng lưu ý, còn có doanh nghiệp sử dụng giấy chứng nhận được phát hành bởi đơn vị chứng nhận không chuyên nghiệp, không đủ thẩm quyền hoặc không được ủy quyền cấp xác nhận cho các sản phẩm liên quan.
Do vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang và đồ bảo hộ cá nhân cần tìm hiểu kỹ về các đơn vị có chức năng tư vấn, thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp, đặc biệt khi doanh nghiệp muốn cấp chứng nhận CE để xuất khẩu vào thị trường EU và chứng nhận FDA để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, với tác động của dịch Covid-19, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn, trong đó có các doanh nghiệp dệt may. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, các doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, sản xuất khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 4/2020, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu đạt 995 triệu chiếc, kim ngạch 129 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chủ lực là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore...
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng của nước nhập khẩu, đặc biệt là quy trình xin chứng nhận CE và FDA của EU và Hoa Kỳ.
Cùng chung quan điểm, bà Dương Phong Hiền - Trưởng đại diện Eurofins tại Hà Nội cho biết, việc các doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ cơ hội để xuất khẩu khẩu trang là rất tốt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại đầu tư vội vàng để tranh thủ thời điểm xuất khẩu nên đầu tư nhà xưởng không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng đến chất lượng khẩu trang.
“Vải kháng khuẩn dùng để sản xuất khẩu trang nhưng khẩu trang thành phẩm đã không còn kháng khuẩn nữa. Đây là tình trạng ở nhiều doanh nghiệp, khiến việc xuất khẩu không thuận lợi. Cần vệ sinh môi trường, nhà xưởng, máy móc sạch sẽ theo quy trình”, bà Phong Hiền khuyến nghị.
Do vậy ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần quan tâm đáp ứng các tiêu chuẩn, tạo tấm “hộ chiếu” giúp sản phẩm của Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường EU và Hoa Kỳ, tránh tình trạng sản xuất đại trà mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào, sẽ không xuất khẩu được mà còn có thể gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải khuyến cáo.