Vào lúc 7h55 sáng nay (ngày 1/9, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 27 cents tương ứng 0,6% lên 45,55 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 21 cents tương ứng 0,5% lên 42,82 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, cả hai loại dầu thô đã giảm khoảng 1% do thị trường lo ngại tình trạng dư cung dầu thô và nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu hiện vẫn ở mức yếu và khó có thể phục hồi trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Bên cạnh đó, đà giảm của giá dầu thô vẫn đang được chống đỡ bởi việc đồng USD suy yếu. Sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2018, tỷ giá đồng USD tiếp tục giảm thêm 0,04% xuống còn 92,146 điểm so với các đồng tiền chính trong rổ tiền tệ. Đồng USD chịu áp lực suy giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) thông báo thay đổi chính sách về lạm phát trong tuần trước.
Ông Louis Crous, trưởng ban đầu tư tại quỹ đầu tư BetaShares (Australia), nhận định “Việc FED thay đổi chính sách đã cho thấy khả năng mức lãi suất thực giảm về mức âm, điều này sẽ gia tăng áp lực lên đồng USD nhưng đây sẽ là tin tốt đối với các loại hàng hoá”. Việc đồng USD suy yếu sẽ giúp các loại hàng hoá được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư trên toàn cầu.
Giới phân tích nhận định, thị trường dầu mỏ toàn cầu tiếp tục tập trung theo dõi diễn biến phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô tại các quốc gia trong bối ảnh nhiều nước đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới và phát tín hiệu có thể sẽ phải tái phong toả để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Bộ phận nghiên cứu thị trường của tập đoàn ngân hàng ANZ nhận định sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều bất ổn đối với thị trường dầu mỏ khi nhu cầu sử dụng dầu thô cho các hoạt động vận chuyển có thể sẽ không bao giờ trở lại ngang bằng mức trước khi dịch bệnh xảy ra.
Các chuyên gia tham gia khảo sát của hãng tin Reuters dự báo lượng tồn trữ dầu thô và xăng tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã lần lượt giảm khoảng 2 triệu thùng và 3,6 triệu thùng.