Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) bàn khả năng đầu tư vào năng lượng tái tạo

Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR) và GSMEC (Hàn Quốc) đã thảo luận, tìm hiều các cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo, và đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn.
Lọc hoá dầu Bình Sơn
Buổi họp giữa Lọc hóa dầu Bình Sơn và unsan Shipbuilding Marine Engineering Cooperative.

Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn HoSE) vừa có buổi làm việc với Công ty Gunsan Shipbuilding Marine Engineering Cooperative (GSMEC, Hàn Quốc) nhằm tìm hiểu các cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Mai Tuấn Đạt - Phó Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn nhấn mạnh công ty luôn mong muốn làm việc với các đối tác Hàn Quốc trên tinh thần đóng góp vào sự phát triển của Lọc hóa dầu Bình Sơn nói riêng và kinh tế hai nước nói chung, đồng thời góp phần chống biến đổi khí hậu.

Chủ tịch GSMEC Kim Kwang Jung bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam và cơ hội hợp tác với Lọc hóa dầu Bình Sơn, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng đang trở thành xu hướng toàn cầu.

Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận về khả năng đầu tư vào các dự án liên quan đến năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các giải pháp công nghệ xanh khác. Đồng thời quan tâm chú trọng đến việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện gió.

Ông Kang Young Shin - Giám đốc điều hành GSMEC cho biết GSMEC đang tham gia vào một dự án công nghiệp lớn với tổng vốn đầu tư khoảng 12 tỷ USD từ chính phủ Hàn Quốc. Công ty kỳ vọng sẽ có sự hợp tác với Lọc hóa dầu Bình Sơn trong việc phát triển các mô hình năng lượng mới và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghiệp này.

Việc GSMEC quan tâm đến sự hợp tác đầu tư tại Lọc hóa dầu Bình Sơn là cơ hội quan trọng, phù hợp với chiến lược mở rộng và phát triển các giải pháp công nghệ thân thiện với môi trường của công ty trong thời gian tới, ông Mai Tuấn Đạt - Phó Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn chia sẻ.

Về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu thuần đạt 55.118 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.884 tỷ đồng, lần lượt giảm 19% và 36% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn thời gian trong quý 2/2024, Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng tổng thể lần 5 (TA5).

Giá cổ phiếu BSR Lọc hóa dầu Bình Sơn
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Crack spread dự báo neo ở mức thấp, đâu là động lực tăng trưởng cho Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR)?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

So với kế hoạch kinh doanh cả năm, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 160% kế hoạch hoạch lợi nhuận.

Hiện công ty đang xúc tiến triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tổng vốn đầu tư là 1,489 tỷ USD nhằm nâng công suất của nhà máy thêm gần 16%, từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày. Dự án triển khai dự kiến 37 tháng, đưa vào vận hành quý 1/2028.

Sau khi nâng cấp, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng sẽ linh hoạt và chủ động hơn trong việc lựa chọn nguồn dầu thô đầu vào, giúp tối ưu chi phí, các sản phẩm sẽ đáp ứng tiêu chuẩn Euro V theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ.

Đặc biệt, dự án cho phép Lọc hoá dầu Bình Sơn dần xoay trục sản phẩm từ các sản phẩm xăng dầu sang ản phẩm hoá dầu với công suất propylene/polypropylene dự kiến tăng khoảng 48,3% so với hiện tại. Các sản phẩm hoá dầu vốn có biên lợi nhuận gộp cao hơn đáng kể so với sản phẩm lọc dầu truyền thống, từ đó thúc đẩy lợi nhuận của  Lọc hoá dầu Bình Sơn.

Duy Quang