Sáng ngày 10/4/2018, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Logistics và thương mại điện tử: Đồng hành cùng phát triển”.
Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, tìm nguyên nhân và đề xuất những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của lĩnh vực dịch vụ logistics và thương mại điện tử - 2 lĩnh vực đang có sự phát triển rất mạnh mẽ.
Tốc độ tăng trưởng ấn tượng…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, logistics và thương mại điện tử đang bùng nổ và là xu hướng phát triển trong thời gian tới. Thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và mức tăng này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020.
Ông Trần Thanh Hải nhận định, sự kết hợp giữa thương mại điện tử và logistics còn bộc lộ nhiều điểm bất cập, khó khănTrong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, VECOM thống kê rằng, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 của các doanh nghiệp này là 35%. Khảo sát tại các doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ này lên tới 60 - 200%.
Tại lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam, năm 2017, số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016, trong khi giá dịch vụ tăng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100 - 200%...
Cũng theo ông Hải, với sức hấp dẫn của một thị trường hơn 93 triệu dân, lượng người kết nối Internet lớn, thời gian qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều “ông lớn” về thương mại điện tử trên thế giới.
Ông Hải ví dụ, bên cạnh các trang thương mại điện tử của Việt Nam như Adayroi.com, Sendo.vn, Tiki.vn, Thegioididong.vn… thì các trang bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội cũng phát triển với số lượng và quy mô khá lớn. Trong khi đó, sự xuất hiện của các doanh nghiệp nước ngoài như Lazada, DHL, Amazon, Central Group… khiến cho sự cạnh tranh trong các lĩnh vực này càng trở nên khốc liệt.
Tăng trưởng mạnh nhưng thiếu sự liên kết
Đánh giá cao sự tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử và logistics trong thời gian qua, nhưng ông Hải cũng thẳng thắn chỉ rõ, thương mại điện tử và logistics đã có sự kết hợp, tuy nhiên, sự kết hợp này còn bộc lộ nhiều điểm bất cập, khó khăn như: Chưa có Luật về E-Logistics (dịch vụ hậu cần điện tử), quy định về giao thông thay đổi thường xuyên, thủ tục hành chính phức tạp, thiếu nhân lực có trình độ và kinh nghiệm, việc ứng dụng công nghệ trong E-Logistics còn thấp…
Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam thì nhận định, thương mại điện tử nước ta đang phát triển và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam có thêm đơn hàng. Thuận lợi là vậy nhưng thách thức cũng đến khi phần nhiều các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay là nghiệp nhỏ và vừa, phải đối diện với không ít thách thức.
Tại Hội thảo các diễn giả đều nhất trí: lĩnh vực dịch vụ logistics và thương mại điện tử cần "bắt tay" với nhau để nâng cao hiệu quả hoạt độngCụ thể, trong lĩnh vực thương mại điện tử, vận chuyển được coi là xương sống của ngành. Ước tính khoảng 40% tổng chi phí bán hàng trên mạng tập trung vào giai đoạn khách hàng nhấn vào biểu tượng mua. Thực tế hiện nay, lĩnh vực logistics của Việt Nam vẫn chưa theo kịp với xu hướng phát triển của thương mại điện tử - ông Đào Trọng Khoa nhận định.
Một khảo sát mới nhất của Công ty cổ phần Sendo cho thấy, hơn 40% người tiêu dùng đang phản ánh về tốc độ giao hàng, bên cạnh đó chi phí giao nhận cũng khá cao so với nhu cầu mua sắm online.
Nói rõ hơn, ông Nguyễn Quang Thuật, Giám đốc Trung tâm xử lý đơn hàng của Công ty Cổ phần công nghệ Sen Đỏ chia sẻ, hiện độ phủ của hệ thống logistics ở Việt Nam vẫn chưa được đồng đều, hơn nữa chi phí vận hành khá cao so với hệ thống vận chuyển khi có độ phủ rộng lớn. Việc thiếu đồng bộ trong các hoạt động giao hàng, phương thức thanh toán... có thể khiến nhiều doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội để nâng cao sức cạnh tranh trong lĩnh vực này.
Hơn nữa, Việt Nam vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt cho các giao dịch, dễ gây ra những rủi ro, đặc biệt khi lượng tiền các doanh nghiệp logistics phải thu hộ doanh nghiệp thương mại điện tử là quá cao, ông Nguyễn Quang Thuật bày tỏ.
Logistics và thương mại điện tử: Đồng hành cùng phát triển
Chia sẻ về định hướng phát triển thời gian tới, ông Đào Trọng Khoa nhận định, trong thương mại điện tử thì niềm tin của khách hàng là vấn đề quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần xây dựng trong thời điểm hiện nay. Bởi chỉ cần một sự việc nhỏ xảy ra, nhất là việc giao hàng chậm cũng dẫn tới việc khách hàng nghi ngại.
Do đó, việc thiếu liên kết giữa doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp logistics sẽ làm mất đi cơ hội kinh doanh, phát triển cho các doanh nghiệp.
Ông Vũ Đức Thịnh khuyến nghị các doanh nghiệp logistics cần đầu tư vào công nghệ theo hướng tự động hóa, nâng cao năng lực vận hànhVì vậy, “Các doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp dịch vụ logistics cần “bắt tay” mạnh mẽ nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng hàng hóa, đảm bảo được thời gian giao hàng đúng như những gì đã cam kết với khách hàng”, ông Khoa nhấn mạnh.
Cũng nhìn nhận thực tế này, ông Vũ Đức Thịnh - Giám đốc Công ty Lazada Express khuyến nghị các doanh nghiệp logistics cần đầu tư vào công nghệ theo hướng tự động hóa, nâng cao năng lực vận hành. Cùng với đó là đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng từ thế giới vào Việt Nam, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay.
Ngoài ra, ông Thịnh cũng đề xuất hướng phát triển xanh và khẳng định phía Lazada Express sẽ đầu tư vào xe điện khi nhận được sự ủng hộ của các các cơ quan nhà nước để vận hành phương tiện này.