Long An: Liên kết xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP

Hiện toàn tỉnh Long An có 231 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 - 4 sao mang nét đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ thành lập 6 điểm trưng bày sản phẩm OCOP.
Long An
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe 6 tham luận chuyên sâu về du lịch của các nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp

Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần 2 năm 2024, vào sáng ngày 28/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đã tổ chức Hội nghị “Liên kết, xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP giữa Long An với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long – Vưu Chấn Hùng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Phạm Tấn Hòa; đại biểu các tỉnh, thành bạn; các đại diện trường, viện, cơ sở đào tạo du lịch; sở, ngành, địa phương trong tỉnh; cùng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, điểm đến và sản xuất sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.

Hội nghị được tổ chức như một diễn đàn để Long An cùng các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành, điểm đến và sản xuất sản phẩm OCOP từ trong và ngoài tỉnh trao đổi và đóng góp ý kiến, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng của Long An. Qua đó, hội nghị hướng đến mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy liên kết vùng, phát triển du lịch giữa Long An, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe 6 tham luận chuyên sâu về du lịch của các nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp như: Tiềm năng, cơ sở triển khai loại hình du lịch đường sông tại Long An; thực trạng phát triển du lịch đường sông tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Long An và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, một số kiến nghị; thực trạng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Long An hiện nay, định hướng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh trong thời gian tới; đánh giá vị trí, thế mạnh du lịch nông thôn Long An trong xây dựng thương hiệu du lịch Long An; phát triển du lịch nông thôn Long An trên cơ sở xây dựng mô hình sinh thái, trải nghiệm giáo dục và sản xuất sản phẩm OCOP đặc thù Long An; phát triển du lịch nông thôn Long An gắn với giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, nghệ thuật ẩm thực độc đáo vùng miền tại Long An; phát triển mô hình du lịch sinh thái và chăm sóc sức khỏe từ nguồn dược liệu đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An.

Long An
Ông Phạm Tấn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – ông Phạm Tấn Hòa, những năm qua, tỉnh Long An đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của lĩnh vực du lịch.

Với vị trí "giao thoa" giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, Long An đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hai vùng kinh tế này trong lĩnh vực giao thương và du lịch.

Tỉnh dựa vào tiềm năng sẵn có về tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng và thành tựu bước đầu trong quản lý du lịch để phát triển ngành du lịch tương xứng với tiềm năng và đặc điểm của địa phương, đặc biệt là du lịch nông thôn kết hợp với sản phẩm OCOP. Đồng thời, tỉnh cũng đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư du lịch đường sông, khai thác các cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề thuộc lưu vực sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.

Ông Phạm Tấn Hòa cho biết thêm, so với tiềm năng, du lịch Long An đòi hỏi cần phải có những nỗ lực rất lớn, nhiều hơn nữa trong mục tiêu phát triển thương hiệu, tính chuyên nghiệp cũng như chất lượng tốt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay, trong đó có yếu tố về nhân lực, nhất là về chuyên môn, các kỹ năng nghiệp vụ.

Đồng thời các ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các đơn vị liên quan nghiên cứu, áp dụng trong quá trình quy hoạch, quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững các sản phẩm du lịch của Long An.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đến nay, toàn tỉnh Long An có 231 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 - 4 sao mang nét đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ thành lập 6 điểm trưng bày sản phẩm OCOP.

Thông qua các điểm trưng bày tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP của tỉnh giới thiệu, quảng bá, đồng thời kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường.

Mục tiêu đến năm 2025, Long An phát triển, chuẩn hóa điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phần lớn các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có hình thành điểm du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái.

Trong thời gian tới, tỉnh Long An sẽ đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa du lịch, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, dịch vụ hỗ trợ để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch; liên kết vùng cùng nhau khai thác tài nguyên du lịch của từng địa phương nhằm hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng có tính liên vùng, hấp dẫn, kết nối tạo tour, tuyến, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Long An, ông Phạm Tấn Hòa chia sẻ.

Minh Huế