300 hay 400?
Trong Luật Lao động (sửa đổi), vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất, liên quan đến cả doanh nghiệp, người lao động, công đoàn và cơ quan quản lý lao động là giờ làm thêm tối đa. Luật Lao động hiện hành (2012) xác định giờ làm thêm tối đa với người lao động 300 giờ/năm. Luật Lao động (sửa đổi) tăng thêm 100 giờ thành 400 giờ/năm. Nhưng đề xuất đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn doanh nghiệp hưởng ứng đề xuất vì đáp ứng được nhu cầu làm đơn hàng xuất khẩu, tăng sự linh hoạt trong bố trí sản xuất, nhất là đối với ngành dệt may, da giày… hoạt động sản xuất mang tính thời vụ cao.
Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn và người lao động e ngại nhiều điều. Lý do hàng đầu được đưa ra là, tiền làm thêm giờ phần lớn “chạy” hết vào tiền gửi con ngoài giờ (chi phí gấp 2-3 lần tiền gửi con trong giờ), nên thu nhập tăng thêm không được là bao, không “bõ” với việc đánh đổi sức khỏe.
Lo ngại thứ hai xuất phát từ tình hình thực tế. Luật hiện hành quy định giờ làm thêm tối đa 300 giờ/năm, nhưng người lao động thường phải làm thêm quá giờ. Qua khảo sát một công ty tại KCN Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, có tháng công nhân phải làm thêm ngoài giờ tới 90 giờ. Ai không đồng ý làm thêm thì hết hợp đồng, chủ sẽ không ký tiếp nữa.
“Nhanh” hay “chậm”?
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu
Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. (Lộ trình 15 năm, thường gọi là phương án “chậm”)
Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. (Lộ trình 10 năm, thường gọi là phương án “nhanh”).
Phần lớn người lao động trực tiếp và doanh nghiệp không đồng ý với phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Người lao động trực tiếp lo ngại sức khỏe không đảm bảo. Doanh nghiệp lo ngại tuổi cao sẽ khó đảm bảo năng suất lao động, làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí để duy trì việc trả lương cho những lao động đã quá tuổi, không đủ sức để làm việc.
Sau khi Ban soạn thảo Luật Lao động (sửa đổi) tuyên truyền rõ hơn về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nhằm vào đối tượng thuộc nhóm nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ… để tận dụng được nguồn nhân lực cao tuổi nhưng có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao. Riêng đối với những người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (như lao động trong ngành dệt may, thủy sản, công nhân cạo mủ cao su...) sẽ không thực hiện tăng tuổi hoặc có các chính sách phù hợp... thì dư luận xã hội đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, và … chuyển sang tranh luận về 2 phương án “chậm” và “nhanh”.
Số người đồng tình với phương án “nhanh” nêu nỗi lo nếu không nhanh có thể quỹ BHXH khó đảm bảo. Ngược lại, số người đồng tình phương án “chậm” cho rằng, “chậm” để tránh gây "sốc" cho thị trường lao động. Việc điều chỉnh dần dần không chỉ cần thời gian cho người lao động và doanh nghiệp thích nghi mà còn cần cho thị trường lao động điều chỉnh. Việc tăng nhanh, đột ngột sẽ dẫn đến sự gia tăng đột ngột số người thất nghiệp, có thể gây bất ổn xã hội.
300 hay 400 giờ làm thêm mỗi năm? Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án “nhanh” hay “chậm”? Hiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội và các cơ quan có liên quan hoàn thiện dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Bộ luật; khẩn trương bổ sung làm rõ về những vấn đề còn có những ý kiến trái chiều để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 37 từ ngày 9 đến 21 tháng 9 năm 2019.