Lâm Đồng là miền đất hội tụ nhiều dân tộc anh, em trong cả nước với trên 40 dân tộc khác nhau cư trú và sinh sống, trong đó đông nhất người Kinh chiếm khoảng 77%, đến nguời K’Ho chiếm 12%, Mạ chiếm 2,5%, Nùng chiếm gần 2%, Tày chiếm 2%, Hoa chiếm 1,5%, Chu-ru 1,5% ..., còn lại các dân tộc khác có tỷ lệ dưới 1% sống thưa thớt ở các vùng xa, vùng sâu trong tỉnh.
Hiện diện tích trồng cà phê ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên với 2 chủng loại là cà phê Robusta và cà phê Arabica. Trong đó, dòng cà phê Arabica ở một số các vùng trồng cà phê lớn, đặc biệt là ở vùng Cầu Đất - Lâm Đồng - với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp - có chất lượng rất cao, thậm chí có dòng còn sánh ngang với chất lượng của loại cà phê Arabica ngon nhất trên thế giới.
Arabica sinh trưởng tốt tại độ cao 900 – 2000m so với mực nước biển, lượng mưa 1,500-2,500mm/năm, nhiệt độ thích hợp từ 15- 25 độ C. Arabica có tán cây nhỏ, lá có hình dạng oval và màu xanh đậm, quả cà phê có hình bầu dục. Khi trưởng thành, cây có thể đạt độ cao từ 2,5m – 4,5m. Thậm chí, có nhiều cây mọc trong điều kiện hoang dã có thể đạt tới chiều cao 10m.
Cà phê Arabica có giá trị kinh tế cao nhưng khó trồng và chăm sóc, năng suất thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh kém. Thời gian thu hoạch thường là từ 3 – 4 năm sau khi trồng. Arabica có tuổi thọ khoảng 25 năm tuổi. Ở điều kiện tự nhiên, cây cà phê này có thể đạt tới tuổi thọ 70 năm.
LỢI ÍCH CỦA CÀ PHÊ ARABICA
Rất giàu chất chống oxy hóa.
Chứa caffeine có thể giúp tỉnh táo và tập trung
Ít calo (nếu khi dùng không thêm sữa hoặc đường)
Chứa một lượng nhỏ vitamin và khoáng chất – như niacin, magiê, riboflavin, mangan và kali
Được cho là có lợi khi được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da (dưỡng ẩm, làm mịn, nuôi dưỡng và làm đều màu).
Arabica quyến rũ nhờ mùi hương thanh tao của hoa trái, mật ong, hoặc của bánh mỳ nướng... Uống cà phê Arabica có thể cảm nhận vị đắng nhẹ xen lẫn chút chua thanh nơi đầu lưỡi mà không gợn, nước cà phê nâu nhạt ánh lên màu hổ phách.
Hạt cà phê arabica tại Việt Nam hiện nay cũng rất đa dạng về chủng loại với 1 số dòng phổ biến bao gồm Typica, Bourbon, Catuai và Catimor. Mỗi loại hạt cà phê này sẽ cho hương thơm và mùi vị khác nhau. Cùng với 1 số yếu tố tác động mà chúng được trồng và thu hoạch với sản lượng và năng suất cũng khác nhau.
- Giống Catimor
Catimor là giống cà phê lai tạo với đặc tính là dễ trồng, năng suất cao và chống chịu được sâu bệnh tốt nên được trồng thay thế cho các chủng Bourbon và Typica do năng suất đều kém và khó trồng hơn. Catimor là giống cà phê được lai tạo từ hai giống Caturra và Timor (Timor lại là sự lai tạo giữa dòng Robusta với Arabica) và có nguồn gốc từ Bồ Đào Nha.
Vì có lợi về mặt kinh tế nên chủng cà phê này hiện nay đang được trồng phổ biến tại hầu hết các vùng nguyên liệu cà phê lớn trên cả nước như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Trị, Nghệ An, Sơn La. Tuy nhiên, loại hạt cà phê này lại có những hạn chế như phẩm chất nước uống chưa cao, hạt nhỏ.
- Chủng cà phê Typica
Typica là một trong hai dòng cà phê đặc biệt thơm ngon ở Việt Nam và được trồng chủ yếu ở huyện Cầu Đất gồm 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành (ngoại ô TP. Đà Lạt - Lâm Đồng). Hạt cà phê Typica tại đây có chất lượng thơm ngon tuyệt hảo nhưng năng suất thấp và giá bán cao.
Có một số thời điểm khi giá cà phê xuống thấp thì người dân đã chặt bỏ hàng loạt Typica để trồng Catimor thay thế. Sự ảnh hưởng của biến động thị trường đã khiến sản lượng dần bị thu hẹp và Typica dần bị thay thế bởi chủng Catimor để xuất khẩu với sản lượng cao hơn gấp 2 - 3 lần. Sản lượng mỗi năm của cà phê Typica hiện tại chỉ còn rất ít.
- Chủng cà phê Bourbon
Đây là dòng hạt cà phê Arabica có hương vị ngon nhất hiện nay và được đánh giá là có chất lượng ngang bằng với loại cà phê ngon nổi tiếng thế giới là Arabica Bourbon, tức cà phê Moka. Giống Arabica Bourbon này được trồng và phát triển tại các xã Xuân Thọ và Xuân Trường thuộc huyện Cầu Đất, Đà Lạt.
Sở dĩ chủng cà phê này còn có tên gọi moka là vì được phát hiện từ cảng Mocha, Yemen từ thế kỷ 13. Sau đó, giống cà phê này được thông thương tới đảo Bourbon, một hòn đảo nhỏ thuộc Pháp, được người Pháp nhân giống và phát triển từ đó.
Hạt cà phê Arabica Bourbon có vị chua nhẹ với mùi rượu vang, hậu vị ngọt và giống Bourbon được trồng ở Cầu Đất được mệnh danh là “Bà hoàng của các loại cà phê” nhờ hương thơm quyến rũ đầy lưu luyến và vị ngon mượt mà trên đầu lưỡi.
- Chủng cà phê Catuai
Cà phê giống Catuai còn được gọi là cà phê hạt vàng với nhân cà phê tròn giống nhân của hạt cà phê Catimor. Đây cũng là một dòng hạt cà phê được lai tạo từ khá nhiều giống khác nhau và được du nhập từ Cuba vào Việt Nam những năm 1980. Giống Catuai được lai tạo từ hạt cà phê Caturra (đặt theo tên một thị trấn ở Brazil) - một biến thể của Bourbon (Arabica thuần chủng) với dòng cà phê Mundo Novo (dòng lai tạo giữa hai dòng Arabica thuần chủng là Bourbon và Typica).
Chủng cà phê này thừa hưởng đặc tính di truyền từ giống lai gốc Caturra nên khả năng chịu sâu bệnh và sương muối rất kém. Mặc dù cho năng suất cao nhưng tổng thể thì chủng cà phê này cho hiệu suất thu hoạch không cao và tốn nhiều công chăm sóc.
Do các đặc tính như vậy mà chủng cà phê này cũng không còn được duy trì nhiều nữa mà chỉ còn lác đác vài vườn và người dân thu hoạch lẫn với giống Catimor để bán. Nhân của giống cà phê Cactuai có dạng tròn như Catimor nhưng tỷ lệ xuất hiện hạt dài nhiều hơn ở các vùng trồng này do có thể không có sự đồng nhất về giống được trồng.
Nhân tố quyết định từ chất lượng
Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây cà phê, với khí hậu mát mẻ quanh năm và những cao nguyên như Di Linh, Bảo Lộc, Đà Lạt, độ cao từ 800 – 1500m rất phù hợp với điều kiện phát triển của cà phê Arabica. Đối với cây cà phê Arabica, việc đáp ứng độ cao phù hợp có tính quyết định chất lượng và sản lượng.
Hiện, toàn tỉnh có 172.000 hecta trồng cà phê, sản lượng đạt khoảng 515.000 ngàn tấn, nhưng diện tích cà phê Arabica chỉ khoảng 17.500 ha, chiếm khoảng 10,2% tổng diện tích. Vùng trồng cà phê Arabica nổi tiếng của Lâm Đồng nằm ở huyện Cầu Đất (ngoại vi thành phố Đà Lạt) được các tổ chức quốc tế đánh giá có chất lượng thuộc nhóm đầu trên thế giới.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê đánh giá vấn đề lớn nhất của cà phê Việt hiện nay không nằm ở sản lượng và giá cả mà chính là chất lượng cà phê khi giới thiệu ra thị trường thế giới. Chỉ 10% sản lượng cà phê dùng để chế biến sâu tại thị trường trong nước, 90% còn lại là xuất khẩu thô nên không xây dựng được thương hiệu.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cho đến nay, không chỉ riêng ở Lâm Đồng mà hiệu quả việc canh tác cà phê nói chung của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, giá cả của thị trường thế giới. Trong những năm qua, tình trạng “được mùa rớt giá” cơ bản vẫn là sự ám ảnh đối với người trồng, chưa thực sự mang lại nguồn lợi xóa đói giảm nghèo bền vững.
Với dòng cà phê Arabica, mặc dù có lợi thế về giá (gấp đôi Robusta) nhưng do điều kiện khắt khe về thổ nhưỡng nên rất ít nơi như Lâm Đồng có thể trồng được. Nếu quy hoạch hợp lý, có kiểm soát và ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí trồng và chế biến thì những “hạt ngọc nâu” của Lâm Đồng sẽ trở thành một phương tiện thúc đẩy phát triển kinh tế cho bà con các dân tộc của tỉnh.
Thúc đẩy phát triển ngành cà phê Tây Nguyên
Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, thời gian qua tỉnh Lâm Đồng đã triển khai dự án VnSAT (Vietnam SustainableAgricuture Transformation Project - Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam) do Bộ NN & PTNT chủ trì dưới sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án đã được triển khai tại 8 huyện/thành phố với quy mô trên 16 nghìn ha cà phê và 15 nghìn hộ nông dân tham gia. Dự án VnSAT đã hỗ trợ cho hộ nông dân rất nhiều như chuyển đổi khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình, cải tạo cây giống.
Đặc biệt với chương trình nguồn vốn tín dụng, Dự án đã hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi. Thời gian được kéo dài hơn so với các hợp đồng vay vốn khác, lãi suất thấp hơn. Cùng với việc hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, sản xuất, thời gian qua, VnSAT Lâm Đồng cũng đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn. Đến nay, tổng số vốn đầu tư vào đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất ở xã Tân Nghĩa là khoảng 16 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dự án cũng định hướng lâu dài về phát triển cây cà phê cho bà con. Đặc biệt là xây dựng các mô hình cà phê đạt tiêu chuẩn VietGAP để nâng sản lượng, giá trị sản phẩm, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao hiệu quả tái canh vườn cà phê, góp phần hạn chế tình trạng tái canh nhỏ lẻ.
Nhờ nguồn vốn vay của Dự án, đã góp phần cải thiện chất lượng vườn cà phê tái canh, nâng cao tỷ lệ đồng đều của vườn cây. Đồng thời, giúp người dân chủ động áp dụng đúng các biện pháp khoa học, kỹ thuật nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, mang lại lợi ích thiết thực kéo dài suốt chu kỳ kinh doanh.
Theo Ban quản lý Dự án VnSAT Lâm Đồng, thời gian qua, Dự án đã có tác động lớn trong việc phát triển chuỗi giá trị ngành hàng cà phê. Dự án đã kêu gọi thành lập các HTX và hỗ trợ các tổ chức nông dân về cơ sở hạ tầng như nhà kho, sân phơi, đường giao thông, hỗ trợ về trang thiết bị, máy móc để sản xuất, chế biến cà phê nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Trong giai đoạn người dân đang gặp khó khăn do giá cà phê giảm sâu, Dự án VnSAT đã mang lại sự hỗ trợ thiết thực, đồng thời mở ra một triển vọng mới đối với ngành cà phê của Lâm Đồng cũng như các tỉnh Tây Nguyên nói chung.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2022, xuất khẩu cà phê đã đem về 2,8 tỷ USD, tăng 40% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hiệp hội Cà phê - Ca cao (Vicofa) dự báo nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao như nửa đầu năm, thì cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam sẽ thiết lập được mốc xuất khẩu kỷ lục 4 tỷ USD... Đây thực sự là một kết quả rất đáng mừng nếu so sánh với cách đây 2-3 niên vụ, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đã xuống mức thấp nhất trong 10 năm.
Trình bày: Duy kiên - Ánh Tuyết