Lý giải về con số tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi trong CPTPP chỉ là 6,7%, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, con số tuyệt đối nghe có vẻ thấp bởi con số này tính trên tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra toàn bộ khối gồm 10 nước đối tác thành viên và trong đó mới có 06 nước thành viên đã thực thi CPTPP tính đến thời điểm tháng 8/2021 trở về trước. Thực tế nếu chỉ tính trên 06 nước này thì tỷ lệ sẽ cao hơn.
Mặt khác, trong số 10 nước đối tác của Việt Nam trong CPTPP, có đến 07 nước đã có FTA với Việt Nam trước đó, chỉ có 03 nước là đối tác mới và thực chất cơ hội thị trường chủ yếu mà CPTPP đem lại là 03 nước này bao gồm Canada, Mexico và Peru, trong đó Peru mới thực thi Hiệp định từ cuối năm 2021.
Tại những thị trường CPTPP mà Việt Nam đã có FTA trước đó như Nhật Bản, Australia hay New Zealand, các doanh nghiệp hiện chủ yếu tận dụng những hiệp định cũ như Hiệp định ANZ hoặc Hiệp định Việt Nam - Nhật Bản, ASEAN - Nhật Bản trong lộ trình giảm thuế đã về 0% và quy tắc xuất xứ đã quen sử dụng.
Nếu chỉ đánh giá hiệu quả riêng thị trường Canada và Mexico thì tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi CPTPP khoảng xấp xỉ 24% và con số này cao hơn tỷ lệ sử dụng ưu đãi trong Hiệp định EVFTA và UKVFTA. Cho nên khi xem xét tỷ lệ tận dụng ưu đãi của CPTPP phải tính đến yếu tố đặc thù của Hiệp định khác với các hiệp định khác khi mà đối tác chưa có FTA với Việt Nam trước đó.
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)
Một điểm nữa khi nói đến thực thi CPTPP, đó là yếu tố liên quan đến thuế MFN (cơ chế thuế tối huệ quốc) tại từng thị trường thành viên.
Đơn cử, cơ cấu hàng xuất khẩu Canada và Mexico khá tương đồng, khả năng đáp ứng tiêu chí xuất xứ CTPPP như nhau nhưng tỷ lệ sử dụng C/O CPTPP sang Mexico và Canada khá chênh lệch với Canada tỷ lệ khoảng 10% theo thống kê của phía Việt Nam và với Mexico tỷ lệ là 40%.
Lý do liên quan đến thuế MFN, Canada là thị trường tự do hóa thương mại cao, khi chưa có CPTPP thì hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã được hưởng thuế 0%. Do đó khi có CPTPP nhiều doanh nghiệp cũng không có nhu cầu sử dụng C/O để được hưởng thuế ưu đãi hơn nữa. Trong khi đó, Mexico với dung lượng thị trường có thể thấp hơn so với Việt Nam. Tuy nhiên thuế Mexico cũng tương tự như Việt Nam đang áp dụng thuế MFN khá cao thì với lộ trình của CPTPP có sự chênh lệch giữa thuế MFN và thuế CPTPP, doanh nghiệp sẽ tận dụng được nhiều hơn.
Về góc độ mặt hàng, nếu tính trên tổng thể chung của khối CPTPP bao gồm những nước đã thực thi, những nước chưa thực thi, bao gồm cả những nước đã có FTA cũ và những nước chưa có FTA trước đó với Việt Nam thì tỷ lệ những nhóm hàng chúng ta sử dụng tốt là giày dép chiếm khoảng 43%, xơ sợi khoảng 33%, sắt thép và các sản phẩm sắt, thép 76%, điện thoại và linh kiện điện thoại 13% và thủy sản là 6%.
Nếu xét riêng những nước chúng ta chưa có FTA trước đó thì cơ cấu tỷ lệ tận dụng tận dụng tốt C/O ưu đãi CPTPP của nhiều mặt hàng đạt rất cao.
Canada là thị trường mới có nhiều nhóm hàng đạt tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao theo số liệu thống kê của Canada đối với hàng hóa thực nhập vào Canada từ Việt Nam được hưởng thuế ưu đãi theo CPTPP:
* Gốm sứ đạt tỷ lệ 95%;
* Đồ gia dụng, kim loại đạt tỷ lệ 86%;
* Nông sản chế biến đạt tỷ lệ 73%;
* Giày dép đạt tỷ lệ xấp xỉ 70%;
* Sản phẩm cao su đạt tỷ lệ 63%;
* Đồ thủ công mỹ nghệ đạt tỷ lệ 48%.
Tuy nhiên phải loại trừ tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi của CPTPP thấp ở một số nhóm hàng do sự chênh lệch ưu đãi giữa thuế MFN cũ đang sử dụng với thuế CPTPP nên doanh nghiệp không sử dụng C/O CPTPP. Hoặc ở một số thị trường, có những nhóm hàng (đại đa số hàng thủy sản, điện thoại di động… xuất khẩu sang Canada) đã hưởng thuế MFN 0% nên cũng gần như không sử dụng C/O ưu đãi của CPTPP.
Chúng ta có những mặt hàng có tỷ lệ tận dụng ưu đãi tốt thì giá trị còn khiêm tốn. Ngược lại ở những mặt hàng xuất khẩu giá trị cao thì tỷ lệ tận dụng ưu đãi lại tương đối khiêm tốn. Đây là điểm cần lưu ý tập trung cải thiện hơn trong thời gian tới.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng
Vụ Chính sách thương mại đa biên
(Bộ Công Thương)
Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường CPTPP, dệt may là nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi thấp và gần như không tăng trong 03 năm vừa qua. Có nhiều nguyên nhân cho tình trạng này.
Thứ nhất, 7/10 đối tác CPTPP đã thực thi Hiệp định thì hầu như chúng ta đã có hiệp định song phương hoặc đa phương như Nhật Bản, New Zealand và việc tận dụng ưu đãi từ các hiệp định cũ đã thực hiện từ trước đó. Doanh nghiệp không “mặn mà” chuyển sang sử dụng C/O ưu đãi theo CPTPP bởi điều kiện áp dụng hưởng thuế suất 0% theo các hiệp định cũ như FTA Việt Nam - Nhật Bản còn dễ hơn so với CPTPP.
Thứ hai, trong các đối tác lần đầu có FTA với chúng ta như Canada, Mexico, Peru, cơ hội thị trường không thực sự lớn, trong đó ngành dệt may Mexico cũng là một trong những cường quốc sản xuất và xuất khẩu dệt may lớn.
Một nguyên nhân nội tại quan trọng đó là trong khi một số mã xơ sợi tận dụng khá tốt C/O ưu đãi của CPTPP với năng lực sản xuất sợi tương đối tốt thì nhóm hàng may mặc “vướng” ở quy tắc xuất xứ ba công đoạn (quy tắc “yarn-forward” - từ sợi trở đi của CPTPP đối với sản phẩm may mặc do ngành dệt Việt Nam chưa thể cung cấp được những nguyên liệu đầy đủ theo xuất xứ để tận dụng được ưu đãi này của CPTPP. Hiện nay nguyên phụ liệu của ngành may Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng 43% - 45% từ Trung Quốc, nguồn cung bên ngoài CPTPP.
Từ thực tiễn thời gian qua, có thể thấy để nâng cao hơn nữa tỷ lệ tận dụng xuất xứ ưu đãi theo CPTPP nói riêng và các FTA nói chung, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan theo các hiệp định đem lại để biết được rằng cơ hội chúng ta ở đâu, ở thị trường nào và nhóm hàng nào. Quan tâm hơn đến những quy định về quy tắc xuất xứ, tìm hiểu xem làm thế nào để đáp ứng được quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan, trên cơ sở đó để xây dựng những chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Trong khai thác thị trường, cần chú trọng gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu ở những mặt hàng hiện đang có tỷ lệ tận dụng tốt nhưng kim ngạch còn khiêm tốn. Đồng thời tăng cường thâm nhập và xuất khẩu nhiều mặt hàng có lợi thế từ FTA và có thể tận dụng quy tắc xuất xứ được, đặc biệt là những mặt hàng thị trường bạn có nhu cầu và được hưởng thuế suất ưu đãi theo CPTPP tốt hơn so với các loại thuế khác, chúng ta cũng có lợi thế cung cấp nhưng hiện chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam khai thác như các mặt hàng chế biến từ gạo, bún, phở, sữa từ gạo, các sản phẩm bột... sang thị trường Canada, Mexico...
Việc chủ động nghiên cứu, tìm kiếm thêm các mặt hàng chúng ta có thể tận dụng trong chuỗi giá trị hiện nay của chúng ta để xuất khẩu nhiều hơn cũng là một cách tăng tỷ lệ tận dụng xuất xứ ưu đãi của CPTPP.
Về mặt kỹ thuật, để đáp ứng được cấp C/O các doanh nghiệp cần đầu tư hệ thống lưu trữ chứng từ để chứng minh xuất xứ. Đây cũng là một gánh nặng tài hành chính về mặt hành chính cho doanh nghiệp khá nhiều khi mà các cơ quan chức năng cũng như là nước nhập khẩu vào kiểm tra, điều tra về quy tắc xuất xứ.
Một giải pháp mang tính quyết định và lâu dài cho doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp ngành may hiện đang bị vướng bởi quy tắc từ sợi trở đi theo CPTPP, đó là cần tăng cường tìm kiếm, kết nối với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu trong nước và trong khu vực Hiệp định để có thể hình thành các chuỗi cung ứng nội khối đáp ứng được quy tắc xuất xứ, từ đó tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan.
Nhiều doanh nghiệp dệt may cho rằng, khó khăn này là khó khăn chung của doanh nghiệp và cả ngành may Việt Nam bởi để đầu tư các nhà máy, hệ thống dệt – nhuộm – hoàn tất đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, quỹ đất rộng, cần đầu tư công nghệ xử lý nước thải hiện đại, phải đáp ứng các quy định của Nhà nước và cam kết của CPTPP về đảm bảo môi trường sản xuất... rất phức tạp, tốn kém trong khi phần lớn doanh nghiệp dệt may vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp.
Do đó, giải pháp hiệu quả là các doanh nghiệp dệt may cần tăng cường kết nối tìm kiếm các nguồn cung ứng vải, sợi trong nước và trong khu vực CPTPP để tăng cường tỷ lệ sử dụng tốt hơn ưu đãi về thuế quan trong hiệp định này.
Sau dịch Covid-19 rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội liên kết đầu tư vào những mảng chúng ta đang thiếu hụt, ví dụ như không chỉ những doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang đầu tư sản xuất vải tại Việt Nam mà kể cả nguồn cung của họ tại các nước khác, để tận dụng những quy định xuất xứ trong Hiệp định. Chúng ta cần tận dụng mọi khả năng để có thể sử dụng được quy định của hiệp định không nhất thiết chỉ có một con đường duy nhất là đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị
Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco)
Bình Dương: Nhiều doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi xuất xứ
Chia sẻ của ông Trần Thế Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Bình Dương về tình hình tận dụng ưu đãi xuất xứ theo Hiệp định CPTPP của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như những giải pháp hỗ trợ của địa phương nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang khu vực thị trường này.
PV: Ông có thể chia sẻ về thực tiễn tận dụng ưu đãi thuế quan của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong trong Hiệp định CPTPP và việc đáp ứng những tiêu chuẩn để tận dụng ưu đãi xuất xứ tại Bình Dương được thực hiện như thế nào trong thời gian qua? Tỉnh có chủ trương khuyến khích cũng như hỗ trợ việc tiếp cận và sử dụng xuất xứ ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào để xây dựng được những cơ sở sản xuất đáp ứng được những tiêu chuẩn mà Hiệp định này đưa ra?
Ông Trần Thế Phương: Đối với thị trường các nước thuộc khối CPTPP xuất khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 10 tháng 2022 đạt khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 11,02% so với cùng kỳ và chiếm 13,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nhập khẩu 10 tháng 2022 đạt 3,4 tỷ USD, chiếm 16,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả tỉnh và nhập siêu từ thị trường CPTPP đạt 461 triệu USD.
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh hiện có 39 dự án đầu tư thuộc các nước CPTPP với tổng vốn đầu tư đạt gần một tỷ USD, dẫn đầu là Nhật Bản, Singapore, Canada, Malaysia và Australia.
Trong thời gian qua, Sở Công Thương với vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Bình Dương đã tham mưu Ủy ban tỉnh ban hành Quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, trong đó một trong những giải pháp trọng tâm là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các cam kết, quy định về tiếp cận thị trường, quy chuẩn, tiêu chuẩn để được cấp, xuất xứ hàng hóa, chứng nhận chất lượng, lộ trình cắt giảm thuế quan cũng như các thông tin về tình hình thị trường, nhu cầu tuân thủ hàng hóa đối với các nước thuộc khối CPTPP.
Tuy nhiên, do đặc thù các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của tỉnh còn mang nặng hình thức gia công, chế biến, đặc biệt là hai ngành dệt may, da giày nên việc tận dụng nguyên liệu, vật liệu trong nước và các nước thuộc khối CPTPP còn hạn chế, tuy có tăng dần theo từng năm nhưng vẫn chưa đạt theo kỳ vọng. Trong đó nguyên nhân chính là do các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, chưa đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất của tỉnh với các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu trong nước và các nước thuộc CPTPP chưa nhiều và chưa thường xuyên. Đây cũng là nút thắt trong việc nâng cao tỷ lệ tận dụng C/O của các doanh nghiệp hiện nay.
Trước tình hình đó, ngành Công Thương tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Bộ Công Thương và các sở, ngành liên quan đã triển khai nhiều giải pháp phục hồi sản xuất công nghiệp và đẩy mạnh thực hiện các chương trình đối thoại, chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến trong nước và nước ngoài kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp nhằm hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp cũng có thị trường xuất khẩu truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu mới.
Riêng trong giai đoạn 2019 - 2022 Sở Công Thương đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về xuất xứ hàng hóa, cam kết cắt giảm thuế quan trong Hiệp định CPTPP cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thu hút hơn gần 500 lượt doanh nghiệp tham gia.
Sở cũng phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức các chương trình, tọa đàm, hội thảo chuyên ngành tuyên truyền các tài liệu, ấn phẩm chuyên đề về ngành hàng, sản phẩm trong Hiệp định CPTPP cho các doanh nghiệp trên địa bàn biết và thực hiện.
Sau gần 4 năm CPTPP có hiệu lực, đa số các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đều nắm bắt được các nội dung cốt lõi, trọng tâm của Hiệp định, đặc biệt là các cam kết cắt giảm thuế quan, các quy định để được cấp xuất xứ hàng hóa C/O sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan. Nhiều doanh nghiệp đã được hưởng chính sách ưu đãi xuất xứ khi xuất khẩu vào thị trường CPTPP.
Trong thời gian qua, Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục cấp C/O để doanh nghiệp nhận được C/O trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện cho khách hàng của doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu và được hưởng ưu đãi thuế nhanh nhất có thể tại các nước nhập khẩu, qua đó tạo nên lợi thế cạnh tranh về giá cả so với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường khác. Quá trình thủ tục được niêm yết công khai, minh bạch, được cập nhật các quy định mới thường xuyên để doanh nghiệp nắm vững, tránh sai sót, chậm trễ trong việc đề nghị cấp C/O… để doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của C/O ưu đãi hơn nữa trong việc ký kết các hợp đồng thương mại với khách hàng.
Trong thời gian tới, cùng với lộ trình cắt giảm thuế quan sâu rộng, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn đề ra chiến lược kinh doanh dài hạn nhằm tích ứng với tiến trình hội nhập. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư FDI khi được triển khai thực hiện sẽ phát huy hiệu quả, nhất là việc thu hút đơn hàng xuất khẩu mới vào các nước CPTPP.
PV: Ông có thể chia sẻ về những định hướng, giải pháp của Bình Dương trong thời gian tới để có thể hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn nữa, không chỉ nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi mà còn thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường các nước trong CPTPP?
Ông Trần Thế Phương: Để khai thác hiệu quả Hiệp định CPTPP, ngành Công Thương Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan triển khai một số định hướng, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung phát triển cho ngành công nghiệp phụ trợ, đầu tư xây dựng mới cụm công nghiệp hỗ trợ và xây dựng những trung tâm phân phối nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất. Phát triển thêm một số cụm công nghiệp chuyên ngành như là cơ khí chế biến gỗ, may mặc… những ngành có chỉ số xuất khẩu cao của tỉnh nhằm chuyên môn hóa cao và tận dụng nguyên liệu, phụ liệu có sẵn trong nước sản xuất được.
Thứ hai, tập trung phát triển dịch vụ chất lượng cao để hỗ trợ cho xuất nhập khẩu hàng hóa và trong đó tập trung phát triển ngành dịch vụ logistics, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Thứ ba, tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và kết hợp với việc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các Hiệp định FTA đã ký kết nhằm tận dụng tốt các lợi thế và các chính sách ưu đãi về thuế quan. Kết nối hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với doanh nghiệp trong tỉnh để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Hỗ trợ thông tin thị trường, nhất là thông tin cảnh báo sớm các nguy cơ của các vụ kiện chống bán phá giá, phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, kết toán nguyên khu nguyên phụ liệu trong nước phục vụ sản xuất nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn trên toàn cầu.
Tổ chức rà soát, nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu cho tỉnh và kiến nghị đến các Bộ, ngành, Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ năm, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Bình Dương, Cục Hải quan và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác cải cách hành chính thông qua các biện pháp chuyển đổi số nhằm tận dụng các loại thuế, công nghệ thông tin để tuyên truyền và phổ biến sâu rộng hơn nữa các quy định liên quan tới C/O ưu đãi, lợi thế của việc hàng hóa được cấp C/O ưu đãi đến các cá nhân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Bài và trình bày: Việt Hằng