[eMagazine] Đổi mới phương thức tận dụng lợi thế từ UKVFTA, gia tăng thị phần hàng Việt tại Anh
06/11/2024 lúc 09:12 (GMT)

[eMagazine] Đổi mới phương thức tận dụng lợi thế từ UKVFTA, gia tăng thị phần hàng Việt tại Anh

 

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/05/2021 đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Vương quốc Anh lên tầm cao mới. Trong đó, hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu sang thị trường này.

Hàng Việt Nam tận dụng cơ hội từ UKVFTA

Hiện nay, Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu, sau Hà Lan và Đức. 

Chia sẻ tại Tọa đàm “Xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh - Chiến lược và cách tìm kiếm thông tin” do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Vũ Việt Thành, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương nhận định, UKVFTA có tác động quan trọng đến đầu tư và trao đổi thương mại giữa hai nước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh được hưởng lợi nhiều từ UKVFTA.

Sau hơn 3 năm triển khai thực thi Hiệp định, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng trưởng liên tục và ổn định. Mặc dù giai đoạn này có lúc rất khó khăn do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế nửa cuối năm 2023. Xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường mũi nhọn ở khu vực châu Âu giảm chưa từng có tiền lệ, đều giảm ở mức hai con số. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Nếu tính trong cả 3 năm thực thi UKVFTA, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng trưởng trung bình 8,9%/năm, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm.

Thặng dư thương mại của Việt Nam duy trì với Anh trong 9 tháng qua cũng ở mức 5,1 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đổi mới phương thức tận dụng lợi thế từ UKVFTA, gia tăng thị phần hàng Việt tại Anh

Bên cạnh đó, Hiệp định UKVFTA với các lệnh gỡ bỏ thuế quan triệt để cũng góp phần quan trọng để nâng cao thị phần của một số nhóm hàng có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Vương quốc Anh.

Với sự hậu thuẫn của UKVFTA, các ngành hàng truyền thống như dệt may, da giày, thủy sản và nông sản đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường khó tính này.

Dệt may và da giày, hai ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam đã và đang tận dụng tối đa cơ hội từ UKVFTA để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Anh. Với lợi thế về giá cả cạnh tranh và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, các mặt hàng thời trang và phụ kiện sản xuất tại Việt Nam đã dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Anh. 

Hàng Việt Nam tận dụng cơ hội từ UKVFTA

Trước khi có UKVFTA, giày dép Việt Nam xuất khẩu sang Anh chịu mức thuế quan cao thứ 2 (6,7 %) trong 15 nước xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào Anh. Tuy nhiên, với UKVFTA, Việt Nam được cạnh tranh bình đẳng về thuế.

8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu giày dép sang Anh tăng trưởng 25%, chiếm gần 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của EU. Hiện, giày dép nằm trong top 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Anh. 

Bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực khi các sản phẩm như tôm, cá tra ngày càng được ưa chuộng. Sự giảm sút đáng kể của thuế nhập khẩu theo quy định của UKVFTA đã tạo điều kiện thuận lợi để hàng thủy sản Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ đến từ các quốc gia khác.

Các sản phẩm tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Anh được xóa bỏ thuế quan còn 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực (mức thuế MFN Anh áp dụng với các sản phẩm tôm dao động từ 12 - 20%). Điều này giúp mặt hàng tôm chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Anh. Trong khi đó, cá tra chiếm 20%.

Hàng Việt Nam tận dụng cơ hội từ UKVFTA

Song song với đó, các sản phẩm nông sản như tiêu, cà phê, hạt điều cũng đang dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường Anh.

Theo số liệu tổng hợp được từ ITC Trade Map, hiện nay có một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam đang đứng đầu phân khúc thị trường Anh. Ví dụ, sản phẩm tiêu, hạt điều tách vỏ, giày dép, cà phê; thủy sản đang đứng ở vị trí thứ 5 và may mặc đang đứng ở vị trí thứ 6.

Trong năm 2023 vừa qua, với những nỗ lực của rất nhiều những cơ quan hữu quan trong nước đã đưa một số mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch của thị trường Anh. Ví dụ một số loại hoa quả, cam, quýt, bưởi, vải, sầu riêng...

Cùng với đó, nỗ lực rất lớn của Thương vụ Việt Nam tại Anh đã giúp cho sản phẩm thanh long của Việt Nam tiếp tục được lưu thông bình thường trên thị trường.

Thích nghi và đổi mới để nắm bắt cơ hội tại thị trường Anh

Có thể nói, Vương quốc Anh với nền kinh tế phát triển và mức sống cao, là một thị trường xuất khẩu hấp dẫn. Tuy nhiên, để thâm nhập và khẳng định vị thế tại thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam hiện phải đối mặt với không ít thách thức.

Anh là một thị trường vô cùng cạnh tranh, nơi các doanh nghiệp trên toàn thế giới không ngừng cố gắng giành lấy thị phần. Tiêu chuẩn nhập khẩu tại đây rất khắt khe, đòi hỏi các sản phẩm phải đáp ứng những yêu cầu cao về chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường. 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Anh ngày càng có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất theo quy trình bền vững và có trách nhiệm xã hội. Điều này đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Nếu như trước đây, yếu tố giá cả và chi phí nhân công rẻ là những lợi thế cạnh tranh chính của hàng hóa Việt Nam thì hiện nay, các doanh nghiệp Anh ngày càng quan tâm đến các yếu tố khác như chất lượng, thiết kế, thương hiệu và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. 

Thích nghi và đổi mới để nắm bắt cơ hội tại thị trường Anh

Để đáp ứng những yêu cầu này, các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, đồng thời xây dựng thương hiệu mạnh mẽ.

Việc xây dựng thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng để thành công tại thị trường Anh. Người tiêu dùng Anh thường có lòng trung thành cao với các thương hiệu quen thuộc và sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm chất lượng. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào xây dựng hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp, tạo dựng lòng tin và sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, để mở rộng thị phần và duy trì vị thế cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những chiến lược tiếp thị hiệu quả. Việc tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế, xây dựng các kênh phân phối trực tuyến và offline, cũng như hợp tác với các đối tác địa phương là những giải pháp cần thiết.

Thị trường Anh, với tiêu chuẩn khắt khe và tính cạnh tranh cao, là một thử thách lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, chính những yêu cầu khắt khe này lại là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không ngừng đổi mới và đầu tư vào chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những rào cản và nắm bắt cơ hội phát triển tại thị trường này.

Thích nghi và đổi mới để nắm bắt cơ hội tại thị trường Anh

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí