Khai thác lợi thế từ cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo CPTPP
01/11/2023 lúc 20:00 (GMT)

Khai thác lợi thế từ cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo CPTPP

 

Tính tới nay, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam được gần 5 năm. Trong thời gian qua, nhiều cam kết của CPTPP, trong đó có cam kết về quy tắc xuất xứ hàng hoá, đã được triển khai trên thực tế và đạt được những kết quả khả quan trong hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc tận dụng quy tắc xuất xứ hàng hoá.

Quy tắc xuất xứ hàng hoá là một nội dung quan trọng trong việc thực thi Hiệp định CPTPP. Hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam cần phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hoá tại CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường CPTPP.

Số liệu thống kê cập nhật của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, tỷ lệ tận dụng chứng nhận xuất xứ hàng hóa (tỷ lệ hồ sơ cấp C/O) theo Hiệp định CPTPP tăng dần qua từng năm thực thi.

Tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu CPTPP 8 tháng năm 2023

chứng nhận xuất xứ 1
chứng nhận xuất xứ 2
chứng nhận xuất xứ 3
xuất xứ hàng hóa

 

Thay vì cần đến cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá để nộp hồ sơ đề nghị cấp C/O, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho phép thương nhân được chủ động về thời gian, địa điểm và được tự chứng nhận đối với xuất xứ của hàng hoá. Như vậy, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá giúp giảm thời gian giao dịch và chi phí xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại tối đa cho thương nhân.

Thông thường, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (TCNXX) sẽ có 3 cấp độ. Các Cam kết quốc tế khác nhau có thể quy định áp dụng các cấp độ khác nhau của cơ chế này.

Đối với doanh nghiệp: cắt giảm chi phí và thời gian xin cấp C/O TCNXX cho phép các doanh nghiệp chỉ ra xuất xứ của hàng hóa trên hóa đơn thương mại hoặc các tài liệu khác thay vì C/O do chính phủ cấp. Trước đây, các doanh nghiệp phải chuẩn bị, điền đơn và mang đến một tổ chức được cấp phép để công chứng. Chi phí xin cấp C/O thường không chỉ là phí cấp C/O mà còn là phí đi lại của nhân viên, thời gian chờ đợi, chi phí nộp hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan cấp C/O ... thiệt hại do phạt hợp đồng, chi phí lưu kho để xuất khẩu, hoặc các chi phí kinh doanh khác.

Việc TCNXX giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian lập hồ sơ chứng minh xuất xứ hàng hóa và chi phí xin cấp C/O từ cơ quan có thẩm quyền, chủ động trong chuẩn bị giấy tờ và thủ tục liên quan đến chứng nhận xuất xứ, các doanh nghiệp có thể khai thông tin về xuất xứ ngay trên các chứng từ thương mại nhất định như hóa đơn, vận đơn và phiếu đóng gói…

Do đó, các doanh nghiệp nên tích cực chuyển sang TCNXX vì lợi ích của việc đơn giản hóa quy trình và thủ tục, giảm thời gian yêu cầu và giúp doanh nghiệp am hiểu hơn về các cam kết quy tắc xuất xứ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA.

CPTPP 1
CPTPP 2

Quy trình TCNXX giảm những rủi ro trong cấp phép và bớt gánh nặng về hải quan, đồng thời nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xuất xứ hàng hóa của mình

Cơ chế TCNXX cho thấy nhà xuất khẩu sẽ tự phát hành chứng từ xuất xứ và chịu trách nhiệm về thông tin xuất xứ hàng hóa đã khai trong các chứng từ mà không cần đợi chứng nhận của bên thứ ba chẳng hạn như cơ quan quản lý hàng hóa, Bộ Công Thương, hoặc cơ quan được Bộ Công Thương ủy quyền. Đồng thời, trách nhiệm chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã chuyển từ các cơ quan chuyên môn sang các nhà nhập khẩu. Điều này có nghĩa là nhà nhập khẩu phải tự làm thủ tục, tuân thủ các tiêu chuẩn ban đầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác.

Về bản chất, TCNXX là cơ chế cho phép nhà xuất khẩu được tự khai báo, cam kết về tình trạng xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu trên chứng từ TCNXX dưới dạng văn bản do thương nhân tự phát hành mà không phải C/O cấp bởi cơ quan có thẩm quyền như hoá đơn, phiếu giao hàng hoặc bất kỳ chứng từ thương mại nào thể hiện hàng hoá được chứng nhận xuất xứ với đủ thông tin để xác định được hàng hoá đó có xuất xứ từ một trong các nước tham gia FTA và tự chịu trách nhiệm về thông tin xuất xứ hàng hóa.

Nếu có nghi ngờ về tính xác thực của bằng chứng xuất xứ, cơ quan hải quan của nước nhà nhập khẩu sẽ yêu cầu người phát hành bằng chứng xuất xứ chứng minh. Cơ quan hải quan nước nhà nhập khẩu có thể yêu cầu sự hợp tác của cơ quan hải quan nước nhà xuất khẩu, tuy nhiên trách nhiệm chứng minh vẫn thuộc về nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu. Nếu phát hiện sai sót hoặc gian lận, người phát hành bằng chứng xuất xứ, nhà xuất khẩu hay nhập khẩu phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt theo luật quy định. Nhà xuất khẩu, nhập khẩu nên gánh rủi ro này vì họ là những người được hưởng lợi trực tiếp, gián tiếp từ bằng chứng xuất xứ, nắm rõ về hàng hóa và có tất cả tài liệu, bằng chứng về quy trình sản xuất, các nguyên phụ liệu… Điều này bắt buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn đối với xuất xứ hàng hóa của mình.

Quy trình TCNXX giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn nhưng lợi thế về ưu đãi thuế quan, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu

TCNXX dựa trên tiền đề “nhà xuất khẩu là người biết rõ nhất mình đã làm gì, sản xuất như thế nào và cung cấp nguyên vật liệu để sản xuất mặt hàng này”. Và hiển nhiên, trước tiên các nhà xuất khẩu luôn có thể xác định xem hàng hóa của họ có đáp ứng các tiêu chí xuất xứ hay không. Sử dụng cơ chế TCNXX, nhà xuất khẩu gửi tài liệu TCNXX trực tiếp cho khách hàng ở nước nhập khẩu và tự chịu trách nhiệm về thông tin khai báo. Trong khi các phương thức cấp C/O truyền thống tập trung vào xuất xứ của một sản phẩm cụ thể tại thời điểm kiểm tra thì việc xác nhận xuất xứ của sản phẩm bằng hồ sơ của nhà xuất khẩu tập trung vào xuất xứ tại thời điểm xuất khẩu. Cơ chế kiểm soát theo dõi này cung cấp “hồ sơ xuất xứ hàng hóa” chính xác hơn và là bằng chứng về các nguyên liệu thô tạo nên sản phẩm.

          

Quy trình tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đơn giản, không cần giấy tờ, không bị chậm trễ, nhất là đối với các lô hàng cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) không lấy được C/O do các cơ quan chính phủ không hoạt động. Cơ chế tự xác thực hoạt động 24/7 hoặc giảm thiểu khả năng trì hoãn việc nhập khẩu do các lỗi C/O nhỏ (chẳng hạn như quy trình xác minh chữ ký, sai lỗi chính tả)...

Hơn nữa, doanh nghiệp chủ động về thời gian phát hành bằng chứng xuất xứ cho các chuyến hàng, giảm thời gian lưu chuyển hàng hóa giữa các nước.

Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương

          

 

Cơ chế TCNXX còn giúp doanh nghiệp tuân thủ các nghĩa vụ về quy tắc xuất xứ của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và tối đa hóa lợi ích từ việc cắt giảm chi phí. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước làm quen với xu hướng mới của các hiệp định thương mại tự do, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và tận dụng các cơ hội hội nhập. Ngoài ra, việc áp dụng cơ chế TCNXX sẽ tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp họ chủ động và tận dụng tốt hơn các ưu đãi về thuế quan của các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia hoặc tham gia.

cơ chế xuất xứ

 

Với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại giữa các nước thành viên, Hiệp định CPTPP hướng tới cơ chế tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX) là cơ chế chứng nhận cốt lõi tại Hiệp định, áp dụng cho ba đối tượng là nhà xuất khẩu, nhà sản xuất và nhà nhập khẩu. Theo đó, Hiệp định quy định bất kỳ nhà xuất khẩu, nhà sản xuất nào cũng được tự chứng nhận xuất xứ. Còn đối với nhà nhập khẩu, Hiệp định CPTPP cho phép các nước thành viên có thể đưa ra các quy định trong nội luật về điều kiện cụ thể để nhà nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ.

Tuy nhiên, do có sự khác nhau trong nhu cầu cũng như mức độ sẵn sàng để áp dụng cơ chế TCNXX hàng hóa ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Hiệp định CPTPP cũng cho phép các nước thành viên được bảo lưu việc áp dụng cơ chế này sau một thời gian chuyển đổi nhất định.

Cụ thể:

Đối với TCNXX bởi nhà nhập khẩu: các nước Brunei, Malaysia, Mexico, Peru và Việt Nam được bảo lưu việc áp dụng cơ chế nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực đối với nước thành viên đó.

Đối với TNCXX bởi nhà xuất khẩu, nhà sản xuất: các nước thành viên CPTPP được bảo lưu việc áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đối với nhà xuất khẩu, nhà sản xuất trong thời gian 5 năm và gia hạn thêm 5 năm (nghĩa là tối đa là 10 năm) kể từ khi Hiệp định có hiệu lực đối với nước thành viên đó.

Trong thời gian bảo lưu, các nước thành viên CPTPP được linh hoạt áp dụng một trong hai cơ chế chứng nhận xuất xứ:

(a) cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O);

và (b) Nhà xuất khẩu đủ điều kiện (approved exporter) được TCNXX.

cá tra
cà phê
giày dép
đồ gỗ
dệt may

Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hàng xuất khẩu: Tại nhiều nước thành viên CPTPP, nhà xuất khẩu, nhà sản xuất sẽ tự phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa mà không có sự tham gia của các cơ quan quản lý trong quá trình phát hành. Cơ chế này cho thấy được những ưu điểm như đơn giản hóa quy trình thủ tục, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giảm rủi ro cho các cơ quan cấp phép và bớt gánh nặng cho hải quan.

Hiệp định CPTPP không quy định một mẫu cụ thể đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ mà chỉ quy định các thông tin tối thiểu cần thể hiện trên chứng từ này. Nhà xuất khẩu, nhà sản xuất thực hiện tự chứng nhận xuất xứ phải đảm bảo có đủ thông tin về hàng hóa và có khả năng chứng minh được hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ theo Hiệp định CPTPP.

Đối với Việt Nam, Trong các nước đã thực thi Hiệp định CPTPP, Việt Nam là nước thành viên áp dụng thời hạn bảo lưu cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 14 tháng 01 năm 2019, Việt Nam đã thông báo với các nước CPTPP về việc việc áp dụng cơ chế cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp C/O, nghĩa là áp dụng thời gian chuyển đổi. Sau khi hết thời gian chuyển đổi tối đa 10 năm (nghĩa là đến ngày 14 tháng 01 năm 2029) thì Việt Nam sẽ chuyển sang áp dụng hoàn toàn cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với nhà xuất khẩu, nhà sản xuất.

Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hàng nhập khẩu: Đối với hàng hoá nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP về Việt Nam thì có khác về cơ chế chứng nhận xuất xứ so với hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam vì các nước thành thành viên CPTPP khác đã thực thi Hiệp định đều áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm: Canada, Australia, New Zealand, Mexico, Nhật Bản, Peru và Singapore.

Hiện nay Việt Nam chưa áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa bởi nhà nhập khẩu (cụ thể là thương nhân nhập khẩu tại Việt Nam) theo Hiệp định CPTPP nên chứng từ chứng nhận xuất xứ để hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định CPTPP là chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà xuất khẩu, nhà sản xuất của nước xuất khẩu thực hiện. Sau 5 năm kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam, tức là ngày 14 tháng 01 năm 2024, Việt Nam sẽ áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đối với nhà nhập khẩu.

Việc hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng nhập khẩu theo Hiệp định CPTPP được quy định tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã có hướng dẫn về chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định CPTPP cho hàng hoá nhập khẩu. Theo đó, cơ quan hải quan không yêu cầu người khai hải quan nộp bản giấy chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu CPTPP nếu các chứng từ này đã được người khai hải quan đính kèm trên hệ thống xử lý dữ liệu hải quan. Các chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử này được gửi cho người nhập khẩu tại Việt Nam thông qua các hệ thống quản lý của các doanh nghiệp hoặc bằng các phương tiện điện tử khác.

Hình thức điện tử của chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể là bản scan PDF hoặc ảnh chụp của chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Căn cứ vào chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mà người khai hải quan gửi lên hệ thống xử lý dữ liệu hải quan, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra để xác định xuất xứ hàng hoá theo quy định.

Mặc dù còn tồn tại một số hạn chế như: nhiều doanh nghiệp chưa hiểu hết về quy tắc xuất xứ, chưa có hệ thống lưu trữ chứng từ để đáp ứng yêu cầu xác minh thường xuyên và đột xuất, không loại bỏ được rủi ro gian lận thương mại liên quan đến nguồn hàng… nhưng nhìn chung, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là một cơ chế tiến bộ, giúp giảm thiểu thời gian, chi phí và nhân sự cho doanh nghiệp, đồng thời cũng đòi hỏi khả năng kiểm soát và quản lý hiệu quả từ cơ quan Chính phủ để cơ chế có thể vận hành thuận lợi, tạo điều kiện xuất khẩu và nhập khẩu cho thương nhân Việt Nam và các nước đối tác của Việt Nam trong cộng đồng thương mại quốc tế. Đây là xu thế chung của thương mại quốc tế và cũng phù hợp với tình hình thực thi FTA tại Việt Nam trong thời gian tới.

So sánh quy trình cấp C/O và quy trình tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo cơ chế nhà xuất khẩu đủ điều kiện.

cấp C.O
tự chứng nhận

 

khuyến nghị doanh nghiệp

 

Như đã nói ở trên, trong cơ chế TCNXX, trách nhiệm xác định, chứng minh hàng hóa đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá hay được coi là hàng hóa có xuất xứ theo Hiệp định CPTPP sẽ chuyển hoàn toàn sang doanh nghiệp - là những người trực tiếp chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa của mình.

Do vậy, để có thể thực hiện tốt cơ chế TCNXX, doanh nghiệp cần trả lời tốt các câu hỏi: Hàng hóa mà tôi đang xuất khẩu hoặc nhập khẩu là hàng hoá gì? Những quy định liên quan đến hàng hóa đó tại Hiệp định CPTPP là gì? Hàng hóa của tôi được sản xuất ở đâu (hàng hóa đó có phải là hàng hóa có xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định CPTPP hay không)? Chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa của tôi được thực hiện như thế nào?

Để đảm bảo tận dụng một cách hiệu quả lợi ích và ưu đãi thuế quan từ Hiệp định CPTPP mang lại, giúp tiết kiệm thời gian cũng như chi phí trong quá trình thực hiện TCNXX, doanh nghiệp khi tham gia TCNXX cần lưu ý một số điểm về xác minh xuất xứ hàng hoá.

Cụ thể, cần hiểu rõ và hiểu đúng quy định về cơ chế xác minh xuất xứ, đặc biệt là quy định về thời gian trả lời xác minh xuất xứ. Trong nhiều trường hợp, việc trả lời chậm trễ yêu cầu xác minh xuất xứ hàng hóa của cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên nhập khẩu dẫn tới lô hàng hóa xuất khẩu không được hưởng ưu đãi thuế quan, ảnh hưởng đến lợi ích của cả người xuất khẩu và người nhập khẩu.

Tích cực phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên nhập khẩu trong việc xác minh xuất xứ hàng hóa; Xây dựng hệ thống lưu trữ chứng từ hợp lý, khoa học để có thể tìm kiếm và chiết xuất trong trường hợp được yêu cầu. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong nước để được hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

Miễn chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo CPTPP

Theo quy định tại Hiệp định CPTPP, cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu không yêu cầu chứng từ TCNXX để được hưởng ưu đãi cho lô hàng nhập khẩu trong trường hợp sau đây:

(a) Trị giá hải quan của lô hàng nhập khẩu không vượt quá 1.000 đô la Mỹ hoặc trị giá tương đương theo đơn vị tiền tệ của nước thành viên nhập khẩu hoặc trị giá cao hơn theo quy định của nước thành viên nhập khẩu; hoặc

(b) Hàng hóa đã được nước thành viên nhập khẩu miễn nộp hoặc không yêu cầu người nhập khẩu xuất trình chứng từ chứng nhận xuất xứ,

Người nhập khẩu không được miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp việc nhập khẩu là một phần thuộc một chuỗi các hoạt động nhập khẩu được tiến hành hoặc đã lên kế hoạch nhằm trốn tránh quy định nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Nước thành viên nhập khẩu để hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của Hiệp định CPTPP.

xuất khẩu

Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa và Thiết kế: Duy Kiên - Maika


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí