Nghề dệt thổ cẩm ở Lào Cai là một trong những nghề truyền thống lâu đời mang âm hưởng núi rừng Tây Bắc. Thổ cẩm là một loại vải được dệt thủ công với những họa tiết nổi trên bề mặt, đa dạng sắc màu muôn hình như chim muông, hoa lá, cỏ cây… Những sản phẩm thiết thực trong đời sống được tạo nên từ những tấm vải thổ cẩm như áo quần, khăn choàng, mũ… Các cô gái người Dao, Mông, Tày… được các bà, các mẹ truyền lại ngay từ khi còn nhỏ.
Tấm vải dệt xong không phải đem ra là có thể may vá thành những sản phẩm thời trang được mà còn phải trải qua công đoạn giặt đi giặt lại nhiều lần cho đạt độ trắng. Tấm vải được người phụ nữ trải trên khúc gỗ tròn, được trượt qua trượt lại bằng một phiến đá sáp ong sao cho có độ phẳng đạt theo tiêu chuẩn mong muốn thì dừng lại. Một khâu quan trọng, đòi hỏi sự nhẫn nại, đó là quá trình nhuộm màu vải thổ cẩm, để được đúng màu sắc theo ý muốn, không bị lem…
Món quà ý nghĩa độc đáo
Mục đích ban đầu, nghề dệt thổ cẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày của đồng bào dân tộc thiểu số. Khi du lịch phát triển, sản phẩm thổ cẩm dần dần trở thành món quà độc đáophục vụ du khách du khách.
Các mặt hàng thổ cẩm của Lào cai đa dạng chủng loại,bao gồm khăn, túi thổ cẩm, túi đeo, ví, mũ, túi xách, chăn… Các họa tiết trên những sản phẩm đó đều được thêu, dệt với những hình ảnh chim muông, hoa lá gắn liền với khung cảnh núi rừng Tây Bắc và đời sống sinh hoạt thường ngày đồng bào dân tộc thiểu số.
Bằng sự kỳ công và tinh xảo nên bất cứ sản phẩm thổ cẩm của Lào Cai được nhiều du khách tin tưởng, lựa chọn và mua một vài món về làm quà tặng cho người thân và bạn bè. Theo đánh giá của khách du lịch, 3 loại vải thổ cẩm của Lào Cai được ưa thích hơn cả là thổ cẩm của người Mông (Bắc Hà), với gam màu và họa tiết hoa văn sặc sỡ, quyến rũ, thổ cẩm của người Mông (Sa Pa) có gam mầu đất, chàm khiêm nhường, lặng lẽ, thổ cẩm của người Tày (Văn Bàn) có hai gam mầu chủ lực là xanh và trắng sang trọng mà giản dị.
Du lịch Lào Cai, ghé thăm một số bản có nghề dệt thổ cẩm truyền thống, ngắm nhìn các mẹ bên khung cửi, lặng lẽ ung dung ngồi dệt những tấm vải. Còn gì tuyệt vời hơn giữa cảnh núi rừng Tây Bắc, ngắm nhìn khung cảnh xung quanh, tìm hiểu thổ cẩm Lào cai quả là những trải nghiệm khó quên trong chuyến hành trình khám phá miền sơn cước.
Quy trình dệt thổ cẩm
Một sản phẩm thổ cẩm tinh xảo phải trải qua nhiều công đoạn, yêu cầu sự tỉ mỉ và công phu. Đó là:
+ Vào rừng kiếm cây đem về, phơi khô, tách lấy vỏ sao cho đều mảnh.
+ Những bó vỏ cuộn lại, giã đánh bong hết sợi chỉ, còn sợi dai.
+ Luộc sợi dai qua vài lần nước tro bếp và 1 lần nước sáp ong.
+ Yêu cầu luộc sợi trắng và mềm.
+ Dùng khung cửa đai lưng dệt thành từng mảnh vải.
.
Hành trình đến những miền đất xa
Nghề dệt, thêu thổ cẩm của Lào Cai có hầu hết ở các địa phương nhưng tập trung chủ yếu ở các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Văn Bàn. Riêng ở Sa Pa hiện có hơn chục làng nghề dệt thổ cẩm thuộc các xã Tả Phìn, San Sả Hồ, Sa Pả.
Huyện Văn Bàn tập trung ở 4 làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, thuộc các xã: Dương Quỳ, Khánh Yên Hạ, Liêm Phú, Chiềng Ken. Còn huyện Bắc Hà đã thành lập HTX dệt, thêu thổ cẩm ở xã Bản Phố. HTX này đã liên kết với các cơ sở sản xuất của Hà Tây để triển khai các chương trình đào tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối hiệu quả.
Với mục tiêu duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hoá, đồng thời tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo. Ngay từ năm 1999, Hội phụ nữ huyện Sa Pa đã xây dựng dự án bảo tồn và phát triển nghề thổ cẩm tại xã Tả Phìn, tham gia dự án có nhiều chuyên gia nghiên cứu, các cơ quan trong và ngoài nước giúp đỡ về chuyên môn, kinh phí.
Ban đầu mục tiêu của dự án là thành lập một Câu lạc bộ thổ cẩm tại Hà Nội, sau một thời gian hoạt động, nhận thấy hiệu quả không cao, Câu lạc bộ đã được chuyển lên xã Tả Phìn với số lượng chị em tham gia ban đầu là 30 người, trong đó có 16 người thuộc dân tộc Mông, 14 người thuộc dân tộc Dao.
Các năm tiếp đó, Tổ chức SiDa - Thuỵ Điểm tiếp tục tài trợ, mở các lớp tập huấn về phương pháp, kỹ thuật dệt may, cung cấp các mẫu hoa văn, mẫu sản phẩm mới cho chị em trong Câu lạc bộ, nhờ đó trình độ dệt may của các thành viên tiến bộ nhanh.
Các sản phẩm làm ra ngày càng phong phú, đa dạng, được tiêu thụ không chỉ tại địa phương và các vùng khác trong nước mà đã được xuất khẩu sang các nước Ý, Pháp, Mỹ qua một số đại lý trung gian tại Hà Nội, được bạn hàng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã.
Lào Cai có 25 nhóm, ngành dân tộc khác nhau. Mỗi dân tộc lại có những sáng tạo riêng trong cách làm trang phục thổ cẩm của mình. Có dân tộc sử dụng những gam màu nóng như đỏ, vàng nổi bật giữa núi rừng. Có dân tộc lại sử dụng những gam màu trầm như đen, xanh, chàm để hài hòa với thiên nhiên. Nhưng dù với màu sắc nào, hoa văn nào thì trang phục thổ cẩm của mỗi tộc người lại toát lên một vẻ đẹp riêng, rất độc đáo và hấp dẫn.
Thổ cẩm của người Mông đen
Người Mông đen có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà làm lanh”. Ngay từ tấm bé, các cô gái đã được bà, được mẹ truyền dạy lại những kỹ thuật để làm nên một bộ thổ cẩm đẹp. Có 3 nhóm hoa văn đặc trưng của người Mông đen, đó là: họa hình động vật xung quanh; họa hình cây cỏ, hoa lá; và họa hình công cụ lao động.. Người Mông đen coi thổ cẩm không chỉ là vật bảo vệ con người theo ý nghĩa sinh học thông thường, mà còn là vũ khí chống lại mọi ma tà, hay giúp cho con người có thêm sức mạnh.
Thổ cẩm của người Mông Hoa
Người Mông Hoa ở Lào Cai sinh sống chủ yếu ở các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai. Trang phục thổ cẩm của người Mông Hoa tạo ấn tượng mạnh mẽ ngay từ cái nhìn đầu tiên với vẻ đẹp rực rỡ, tươi trẻ. Về thổ cẩm, sau khi đã dệt thành vải, thì họ sẽ bôi sáp ong lên vải trắng những đường hoa văn hình học theo ý muốn. Sau đó, mới đem nhuộm chàm. Người phụ nữ kết hợp cả ba kỹ thuật là thêu, vẽ sáp ong và chắp vải để tạo nên những họa tiết trên nền y phục.
Thổ cẩm của người Mông trắng
Trang phục thổ cẩm truyền thống của người Mông trắng gồm có: áo với phần cổ hình chữ nhật được trang trí tinh xảo, quần ngắn đến bắp chân, xà cạp trơn màu đen, khăn quấn nhiều lớp trên đầu và một chiếc tạp dề. Hoa văn truyền thống trên nền thổ cẩm của người Mông trắng được sáng tạo và lấy cảm hứng từ những vật dụng quen thuộc hàng ngày như chiếc lược chải tóc, con ốc sên, bông hoa hay hạt dưa…Kỹ thuật thêu của họ bao gồm: kỹ thuật thêu đáp vải hình xoắn ốc, và thêu dấu nhân.
Thổ cẩm của người Dao đỏ
Trang phục thổ cẩm của người Dao đỏ nổi trội với chiếc mũ đỏ rực, tới những họa tiết trên yếm và gấu quần. Màu đỏ được lặp đi lặp lại nhiều lần theo những chiều hướng khác nhau, phối hợp hài hòa với các sắc màu trắng, vàng, xanh trên nền chàm đen, tạo nên nhịp điệu của sắc đỏ, tương xứng với tâm hồn dân tộc của người Dao đỏ, con cháu của Bàn Vương.
Thổ cẩm của người Dao tuyển
Người Dao tuyển lựa chọn trang phục vô cùng thông minh. Với chất liệu vải bông, thổ cẩm của người Dao tuyển sẽ giúp họ giữ ấm về mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, chống chọi lại được thời tiết khắc nghiệt của miền núi Phía Bắc. Với nền kinh tế làm nương rẫy, thường xuyên tiếp xúc với đất, đá… nên người Dao tuyển đã nhuộm vải bông từ màu trắng thành màu chàm. Tập tục sống gần gũi với thiên nhiên cũng ảnh hưởng nhiều đến những hoa văn mà họ trang trí trên quần áo, ta thường thấy các hoa văn hình động vật, hình hoa lá, hình chữ thập… qua đó cũng thấy được suy nghĩ, lối sống, tâm tư và tình cảm của người Dao tuyển.
Thổ cẩm của người Hà Nhì
Từ xưa tới nay, người Hà Nhì nổi tiếng chịu thương chịu khó. Ngoài việc trồng lúa trên những thửa ruộng bậc thang, họ còn tự tay trồng bông, dệt vải và tự làm ra trang phục của mình, mang những nét đặc trưng riêng. Những bộ trang phục thổ cẩm của nam và nữ, đều được may từ vải chàm do người phụ nữ tự dệt, với màu xanh hay màu đen đặc trưng, nổi bật với những đường viền lượn cong.
Thổ cẩm của người Tày
Trang phục của người Tày đơn giản, nhưng cũng tạo ra nét riêng biệt của nó, và mang lại cho người mặc vẻ đẹp thuần khiết. Thổ cẩm của họ có những hòa sắc trầm, dịu, hoặc sáng tươi. Các sắc thái khác nhau cho thấy, thổ cẩm Tày không gò bó trong quy thức hòa màu hạn chế nào, cho thấy sức sáng tạo phong phú và đa dạng của nghệ nhân nhiều thế hệ, đó cũng là những dấu ấn của sự phát triển trong trang trí dệt dân gian của người Tày.
Thổ cẩm của người Giáy
Trang phục của phụ nữ Giáy ở Lào Cai cũng khác ở Lai Châu hay Hà Giang. Phụ nữ Giáy mặc quần bằng vải lụa, sa tanh màu đen. Áo của phụ nữ có nhiều màu, nhưng lại không có màu trắng. Áo dài cài khuy vải hoặc khuy bạc ở nách bên phải. Cổ đứng, viền vải khác màu ở vạt cài khuy, viền tay áo. Các đường viền trước đây được phân biệt giữa già và trẻ: đường viền to là dành cho người già, còn người trẻ thì viền áo nhỏ. Trang phục của nam giới cũng đơn giản. Nam cũng mặc quần vải bông màu đen, áo ngắn màu đen, cài khuy vải trước ngực, đầu đội khăn vải bông nhuộm chàm.
Thổ cẩm của người của người Nùng
Trang phục thổ cẩm là một trong những nét đẹp truyền thống, là niềm tự hào của dân tộc Nùng. … Tuy các mẫu hoa văn của người Nùng luôn có tông màu trầm, không quá sặc sỡ với những mảng màu lớn, nhưng lại có sức lôi cuốn người nhìn đặc biệt bởi các đường nét thêu vô cùng cầu kỳ và đẹp mắt. Người phụ nữ Nùng Dín thường quấn hai lớp khăn trên đầu, tạo thành hình múi. Khăn vấn sao cho giống hai chiếc sừng trâu hai bên. Nét tượng trưng này thể hiện quan niệm của người Nùng coi “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Thổ cẩm của người Pa Dí
Trong rừng hoa muôn sắc của các trang phục dân tộc, trang phục thổ cẩm của người Pa Dí có một vẻ đẹp độc đáo. Nhìn vào tổng thể, bộ trang phục này được thiết kế hài hòa. Áo ôm sát người và tạo điểm nhấn bằng một dải trang trí chéo từ cổ áo xuống ngang hông, cài khuy bên cạnh. Cổ áo và dải áo trên đều được đính bạc hình tam giác, hay hình quả núi đổi chiều. Cùng với váy dài cân đối và dải thắt lưng xanh đã tạo nên sự duyên dáng cho trang phục.
Thổ cẩm dân tộc Xa Phó
Thổ cẩm dân tộc Xa Phó tạo ấn tượng sâu sắc khi tiếp xúc bởi trang phục thổ cẩm cầu kỳ, tuyệt đẹp và đầy tính nghệ thuật. Bộ y phục nam Xá Phó gồm có: Khăn, áo, quần, thắt lưng đều được làm thủ công bằng tay, với chất liệu là vải bông tự dệt, tự thêu có nhuộm chàm đen. Trên áo có dấu tích đặc biệt là thân áo xẻ từ 2 bên, cách 10cm từ gấu áo lên có khâu chỉ màu. Trang phục người phụ nữ được trang trí hoa văn sặc sỡ, chủ yếu là gam màu nóng, vượt khỏi sắc màu thiên nhiên, phản ánh thẩm mỹ và tính mỹ thuật rất cao, cho thấy được khát vọng sống mãnh liệt, được người dân bộc lộ, thể hiện thông qua bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Ngày nay, khi du lịch ngày càng phát triển và tác động mạnh mẽ đến đời sống của bà con dân tộc thiểu số ở Lào Cai, thì thổ cẩm không chỉ là những bộ trang phục truyền thống lưu giữ những nét văn hóa từ ngàn đời của đồng bào. Mà nó còn được sáng tạo thành nhiều vật dụng khác nhau như những món đồ lưu niệm, đồ dùng trang trí trong khách sạn, nhà hàng và còn được thiết kế trong nhiều công trình độc đáo, tạo nên sức hút mới mẻ cho thổ cẩm Lào Cai.
Trình bày: Duy Kiên - Ánh Tuyết