Xung lực kép từ UKVFTA và CPTPP: Cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt
14/12/2023 lúc 18:00 (GMT)

Xung lực kép từ UKVFTA và CPTPP: Cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt

 

Ngày 16/7/2023, trong khuôn khổ Phiên họp Hội đồng CPTPP cấp Bộ trưởng lần thứ 7 tại New Zealand, các nước Thành viên đã tổ chức ký kết văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh (UK), chính thức đưa UK thành Thành viên ký kết thứ 12 của Hiệp định.

Đây không chỉ là tin vui cho Vương quốc Anh nói riêng, mà còn là tin vui cho Việt Nam và các nước CPTPP khi có thêm nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới tham gia vào sân chơi thế hệ mới, tiêu chuẩn cao này.

Vương quốc Anh
          
đại sứ

Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2010, thương mại Việt Nam - Anh tăng gấp hơn 3 lần, đạt gần 7 tỷ USD năm 2022.

Với việc thực hiện UKVFTA và Anh chính thức gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thương mại song phương có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 nhờ tăng trưởng thương mại dịch vụ - lĩnh vực chiếm tới 70% nền kinh tế Anh.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh

          

 

Trước khi Anh gia nhập CPTPP, Việt Nam và Anh đã có chung 01 FTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) từ đầu năm 2021). Với việc Anh tham gia CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm một con đường ưu tiên nữa với thị trường này.

Lợi thế từ CPTPP cho doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường Anh trước hết đến từ mức ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu.

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, về ưu đãi thuế quan, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 93,9% (chung cho các nước CPTPP) và 94,4% (riêng cho Việt Nam) số dòng thuế. Số dòng thuế có sự khác biệt về thuế suất giữa các nước CPTPP là 181 dòng, tập trung vào các mặt hàng thịt bò, thịt lợn, thịt gà, gạo, đường, trứng, một số loại hoa quả và phương tiện vận tải. Trong số này, Vương quốc Anh cam kết dành hạn ngạch thuế quan với lượng hạn ngạch chung và riêng cho từng nước tùy theo mỗi mặt hàng.

Về lộ trình xóa bỏ thuế quan của Vương quốc Anh, lộ trình dài nhất đối với các mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam là 11 năm (có 53 dòng thuế đối với các sản phẩm từ sữa, tương đương 0,56% tổng số dòng thuế). Về cơ bản, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có tiềm năng và thế mạnh xuất khẩu như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... đều được hưởng mức cam kết của Vương quốc Anh tốt hơn so với cam kết trong Hiệp định UKVFTA.

Về hạn ngạch thuế quan (TRQ), Việt Nam được hưởng TRQ chung với một số nước CPTPP đối với các mặt hàng thịt lợn (10,000 - 55,000 tấn/năm), thịt gà (2,000 - 10,000 tấn/năm), đường (4,500 - 25,000 tấn/năm), với lộ trình tăng dần trong 10 năm áp dụng theo nguyên tắc “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp trước”.

Riêng đối với mặt hàng gạo, Việt Nam được hưởng TRQ riêng với lộ trình 8 năm, tăng dần từ 3,300 tấn/năm trong năm 1 (năm 2023) lên đến 17,500 tấn/năm kể từ năm 8 (2030) trở đi. Lượng hạn ngạch gạo cam kết riêng cho Việt Nam lớn gần gấp đôi hạn ngạch gạo Vương quốc Anh cam kết chung với các nước Brunei, Chile, Malaysia, Peru (tối đa 10,000 tấn vào năm 10) và tăng dần trong lộ trình ngắn hơn (8 năm cho Việt Nam so với 10 năm cho các nước đề cập như trên).

hàng việt 1
hàng việt 2
hàng việt 3
hàng việt 4

Đáng chú ý, trong khuôn khổ Vương quốc Anh gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo điều kiện kinh tế thị trường. Việc này tạo thuận lợi quan trọng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam do Vương quốc Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam trong các trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.

Một lợi thế lớn hơn cho hàng hóa Việt Nam để tận dụng các ưu đãi thuế quan trong CPTPP tiếp cận thị trường Anh tốt hơn nhờ quy tắc hài hòa xuất xứ nội khối.

Theo cam kết, CPTPP sẽ cho phép Việt Nam cộng gộp các nguyên liệu có xuất xứ từ 11 nước thành viên còn lại của CPTPP, nhờ đó hàng hóa của Việt Nam có thể dễ dàng đáp ứng quy tắc xuất xứ để tận dụng được ưu đãi thuế quan theo Hiệp định so với UKVFTA (nơi hàng hóa Việt Nam chỉ có thể cộng gộp xuất xứ với Anh). Trong khi đó, cạnh tranh giữa hàng hóa Việt Nam với hàng hóa từ các thành viên hiện tại của CPTPP tại thị trường Anh được cho là không quá khắc nghiệt, với khá nhiều các sản phẩm không cạnh tranh trực tiếp.

Vì vậy, việc Anh tham gia CPTPP được đánh giá là một cơ hội bổ sung rất có ý nghĩa để hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tiếp cận thị trường nhiều tiềm năng này.

chuỗi cung ứng

Bên cạnh lĩnh vực thương mại hàng hóa, việc Anh tham gia CPTPP cũng được đánh giá là cơ hội để doanh nghiệp 12 nước thành viên tăng cường thu hút đầu tư, nguồn lực và tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung ứng của nhau. Đây là điều rất có ý nghĩa trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu nhiều ảnh hưởng do những biến động phức tạp của thiên tai, dịch bệnh, xung đột địa chính trị…

Ông David Johnstone, Trưởng bộ phận Chính sách thực thi FTAs - Bộ Kinh doanh và Thương mại Vương quốc Anh nhấn mạnh, ngoài các lợi ích rõ rệt về mặt thuế quan, bổ sung thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn so với Hiệp định song phương hiện có, CPTPP còn tạo ra những lợi ích to lớn cho cả hai nước trong việc tích hợp sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau, thuận lợi hóa quá trình kinh doanh của doanh nghiệp hai bên, tạo ra tiềm năng tăng trưởng đột phá với viễn cảnh mở rộng Hiệp định trong tương lai, cũng như hai Bên có thể trực tiếp tham gia vào quá trình thiết lập các quy tắc và điều khoản mới của Hiệp định.

Tính đến ngày 20/10/2023, Vương quốc Anh có 550 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,28 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, Vương quốc Anh có tổng cộng 43 dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 58,6 triệu USD. Các dự án đầu tư của Vương quốc Anh tại Việt Nam khá đa dạng, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghiệp, xử lý môi trường đến tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản, bán lẻ…

Đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, Việt Nam và Vương quốc Anh tiếp tục cho thấy tiềm năng hợp tác rất lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, đặc biệt sau khi Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt với không gian rộng lớn dành cho năng lượng tái tạo và việc hai nước đang có những bước đi cụ thể trong việc thực hiện Thỏa thuận Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP).

Có thể nói, với xung lực kép từ hai Hiệp định FTA thế hệ mới là UKVFTA và CPTPP, Việt Nam có thêm nhiều lợi thế để khai thác thị trường Vương quốc Anh. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế về thuế quan hay nguồn gốc xuất xứ thì các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm để thâm nhập thành công thị trường “khó tính” như Vương quốc Anh.

 

Với đặc thù là "quê hương của các loại tiêu chuẩn", một trở ngại với các doanh nghiệp nước ngoài muốn tiếp cận thị trường Anh là cần đáp ứng hệ thống quy định và tiêu chuẩn khắt khe.

Hiện, Chính phủ Anh đang thực hiện chính sách thương mại mở cửa hơn, tự do hóa nhanh hơn, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp Anh phát triển xuất khẩu và hợp tác với các khu vực kinh tế năng động. Song điều này yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam cần nhạy bén trong việc tuân thủ và đáp ứng các quy định về chứng nhận chất lượng sản phẩm, quy trình thủ tục kiểm soát hàng hóa, khai báo và nộp thuế… theo quy định của Anh thay vì quy định của EU như trước đây.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Cả UKVFTA và CPTPP đều đưa ra những cam kết minh bạch hóa về tiêu chuẩn chất lượng. Do đó, để vào được thị trường Anh và có chỗ đứng lâu dài tại đây, hàng hóa Việt Nam cần đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm, thẩm mỹ, vệ sinh, môi trường với giá cả cạnh tranh.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và làm tốt công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm.

Ngoài ra. doanh nghiệp cần chú ý nắm bắt kịp thời những thay đổi về tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình sản xuất, thủ tục hải quan… khi sản xuất và xuất khẩu sang thị trường này.

Đồng thời quan tâm nâng cao trách nhiệm xã hội, chú ý đến vấn đề phát triển bền vững của UKVFTA và CPTPP như: các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động, bảo vệ môi trường… bởi đây là những yếu tố rất được các đối tác tại thị trường Anh quan tâm.

Năm 2022, Vương quốc Anh đã xuất khẩu 61,3 tỷ bảng Anh hàng hóa và dịch vụ sang các nước CPTPP (7,5% tổng số của Vương quốc Anh) và nhập khẩu 52,1 tỷ bảng Anh (5,8%).

Dự kiến việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực vào nửa cuối năm 2024 sau khi Vương quốc Anh và các thành viên CPTPP khác hoàn thành các quy trình pháp lý cần thiết.

Anh CPTPP

Bài: Việt Hằng
Ảnh bìa và Thiết kế: Hoàng Phương


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí