TÓM TẮT:
Bài viết nêu ra một số vấn đề trong việc kiểm soát việc ban hành quyết định hành chính cá biệt, từ đó gợi mở những kiến nghị phù hợp, góp phần hoàn thiện các quy định về vấn đề này ở Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: kiểm soát, quyết định hành chính cá biệt.
1. Khái quát về quyết định hành chính cá biệt
1.1. Khái quát về quyết định hành chính cá biệt
Quyết định hành chính là một dạng quyết định pháp luật, là kết quả sự thể hiện ý chí quyền lực của nhà nước thông qua những hành vi của các chủ thể được thực hiện quyền hành pháp trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước tiến hành theo một trình tự dưới những hình thức nhất định theo quy định pháp luật, nhằm đưa ra những chủ trương, chính sách, những xử sự chung, từ đó giải quyết công việc cụ thể trong đời sống.
Quyết định hành chính là các biện pháp giải quyết công việc của chủ thể quản lý hành chính trước một tình huống đang đặt ra, là sự phản ứng của chủ thể quản lý hành chính Nhà nước trước một tình huống đòi hỏi phải có sự giải quyết của Nhà nước theo thẩm quyền do luật định.
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật TTHC năm 2015, “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
Từ khái niệm nêu trên, có thể rút ra các đặc điểm sau đây của quyết định hành chính như sau:
Đặc điểm về tính chất của QĐHC: là văn bản áp dụng pháp luật, theo đó, các QĐHC được ban hành trên cơ sở áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để điều chỉnh một vấn đề cụ thể, không phải là các QĐHC quy phạm pháp luật hoặc mang tính chất định hướng.
Đặc điểm về hình thức của QĐHC: thể hiện dưới hình thức văn bản. Trong thực tiễn, QĐHC với tính chất là “mệnh lệnh”, có thể được biểu hiện bằng hình thức văn bản hoặc lời nói, ký hiệu, hiệu lệnh,... Tuy nhiên, để phù hợp với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ việc ban hành QĐHC chỉ các QĐHC được ban hành dưới hình thức văn bản mới bảo đảm thiết lập các cơ chế kiểm soát trong quá trình ban hành QĐHC và trong quá trình tổ chức thực thi QĐHC thực chất và hiệu quả.
Đặc điểm về thủ tục ban hành QĐHC: theo thủ tục do pháp luật quy định. Thủ tục ban hành QĐHC phải do pháp luật quy định để bảo đảm sự chặt chẽ, công bằng, công khai minh bạch, có sự kiểm soát trong từng khâu, từng bước và được áp dụng đồng bộ trong hoạt động quản lý hành chính nói chung và trong từng lĩnh vực. Điều này cũng còn nhằm hạn chế việc tùy tiện, tùy nghi của chủ thể có thẩm quyền ban hành QĐHC tự đặt ra các thủ tục ban hành QĐHC theo hướng có lợi cho mình mà gây bất lợi, bất cân xứng với các chủ thể khác.
Đặc điểm về nội dung của QĐHC: QĐHC được ban hành để giải quyết vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, theo đó, nội dung của QĐHC sẽ “tạo quyền” - làm phát sinh quyền và lợi ích cho đối tượng thực thi QĐHC, được gọi là các quyết định có lợi cho đối tượng quản lý. Nội dung của QĐHC cũng có thể “đặt ra nghĩa vụ, trách nhiệm” hoặc thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, nghĩa vụ, lợi ích cho đối tượng thực thi QĐHC, được gọi là các quyết định bất lợi cho đối tượng quản lý. Bên cạnh đó, nội dung của QĐHC còn giải quyết vấn đề liên quan đến lợi ích công cộng.
Đặc điểm về đối tượng điều chỉnh của QĐHC: một hoặc một số đối tượng cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính bên ngoài hệ thống của chủ thể có thẩm quyền ban hành QĐHC. QĐHC phải có đối tượng điều chỉnh cụ thể, tức là QĐHC đó có giá trị pháp lý đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Theo đó, đối tượng điều chỉnh của QĐHC là cá nhân, tổ chức được xác định cụ thể ngay trong QĐHC và các đối tượng này phải nằm ngoài hệ thống tổ chức của chủ thể có thẩm quyền ban hành QĐHC. Ngoài ra, hiện nay còn có các loại QĐHC điều chỉnh một vấn đề cụ thể, làm phát sinh lợi ích hoặc ảnh hưởng trực tiếp tới một cộng đồng, theo đó, đối tượng điều chỉnh của QĐHC còn có thể là một cộng đồng.
Đặc điểm về việc áp dụng QĐHC: các QĐHC được áp dụng một lần do mỗi QĐHC được ban hành là để áp dụng pháp luật nhằm giải quyết một vấn đề, một sự việc cụ thể trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước. QĐHC không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên chỉ có giá trị áp dụng một lần, không lặp đi lặp lại cho cùng một chủ thể hoặc cho nhiều chủ thể khác nhau.
2. Khái niệm, đặc điểm kiểm soát ban hành quyết định hành chính cá biệt
2.1. Khái niệm kiểm soát ban hành quyết định hành chính cá biệt
Thuật ngữ "kiểm soát" gần đây được sử dụng nhiều khi bàn về các hoạt động quản lý, quản trị của các cơ quan, tổ chức. Theo từ điển Tiếng Việt, "kiểm soát" được định nghĩa là việc "xem xét để phát hiện, ngăn chặn những gì trái với quy định". Ngoài ra, một nghĩa khác của "kiểm soát" cũng được Từ điển này định là "đặt trong phạm vi quyền hành của đối tượng nào đó". Trong khoa học quản lý nói chung, khái niệm "kiểm soát“ được hiểu là "quá trình đo lường kết quả thực hiện, so sánh với các tiêu chuẩn, phát hiện sai lệch và nguyên nhân, tiến hành điều chỉnh nhằm làm cho kết quả cuối cùng phù hợp với mục tiêu đã được xác định".
Mục đích của kiểm soát bao gồm: (i) bảo đảm việc thực hiện đúng kế hoạch, chương trình và đạt kết quả thực hiện phù hợp với mục tiêu đã đặt ra; (ii) bảo đảm quá trình tổ chức thực hiện tuân thủ các quy định; (iii) phát hiện những sai lệch, thiếu sót và các nguyên nhân của nó để kịp thời khắc phục; (iv) xử lý các vấn đề phát sinh khi lệch chuẩn; và (v) bảo đảm các nguồn lực được sử dụng một cách có hiệu quả.
Kiểm soát có ý nghĩa, vai trò to lớn trong hoạt động quản lý, giúp cho nhà quản lý nắm bắt được tiến độ và chất lượng công việc của các bộ phận, cá nhân trong tổ chức, đơn vị; tạo ra chất lượng tốt hơn cho mọi hoạt động trong tổ chức; giúp cho người quản lý đối phó kịp thời với những thay đổi trong môi trường; tạo thuận lợi cho việc phân công trách nhiệm của các bộ phận, tổ chức, cá nhân trong hệ thống và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ phận đó. Kiểm soát còn là một hệ thống phản hồi quan trọng đối với người quản lý, thông qua đó người quản lý biết rõ thực trạng của tổ chức mình, những vấn đề trọng tâm cần giải quyết, từ đó chủ động tìm các biện pháp xử lý phù hợp nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Trong quản lý hành chính nhà nước, quyết định hành chính là mệnh lệnh điều hành của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước, nhờ đó, thẩm quyền của chủ thể quản lý được xác định. Quyết định hành chính được ban hành để thực thi quyền lực nhà nước và có khả năng làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt hoặc phục hồi các quan hệ pháp luật hành chính cụ thể. Một quyết định hành chính, khi được ban hành, sẽ tác động trực tiếp tới các đối tượng có liên quan, từ đó tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, một quyết định hành chính nếu không bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý cũng sẽ tiềm ẩn khả năng tác động tiêu cực đến sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của mọi thành viên trong xã hội.
Một quyết định hành chính sau khi được ban hành cần phải được thi hành trong thực tiễn. Nếu một quyết định hành chính không được thi hành có thể sẽ phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có những quyết định hành chính được ban hành trái pháp luật (không đúng thẩm quyền, vượt quá thẩm quyền, hoặc nội dung yêu cầu phải thực hiện một việc trái pháp luật) mà - vì tính chất mệnh lệnh của nó - các tổ chức, cá nhân buộc phải thi hành; điều đó sẽ gây ra những thiệt hại nhất định về tài sản, danh dự cho các đối tượng có liên quan. Vì vậy, các cơ quan nhà nước cần cẩn trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá cụ thể, chính xác các tác động mà việc ban hành quyết định hành chính của mình gây ra, tuân thủ thẩm quyền và trình tự thủ tục theo quy định, tránh tình trạng lạm quyền, tùy tiện trong quá trình ban hành quyết định, gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Việc ban hành các quyết định hành chính không chỉ cần bảo đảm tính hợp pháp, mà còn cần bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi; bởi vậy, cần phải có cơ chế kiểm soát việc ban hành QĐHC để bảo đảm các yêu cầu nói trên.
Về mặt lý luận, có thể hiểu kiểm soát hoạt động ban hành quyết định hành chính là việc các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân tiến hành việc theo dõi, xem xét, đánh giá về tính hợp pháp, hợp lý của hoạt động ban hành quyết định hành chính nhằm bảo đảm, nâng cao tính thống nhất, hiệu quả của quản lý nhà nước nói chung và quản lý hành chính nhà nước nói riêng.
Hiện nay, trong khoa học hành chính chưa đưa ra khái niệm về kiểm soát ban hành QĐHC. Tuy nhiên, trong thực tiễn, bằng các quy định của pháp luật về ban hành QĐHC trong các lĩnh vực cụ thể và thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đối với các QĐHC đã thiết lập được cơ chế kiểm soát các QĐHC từ giai đoạn ban hành QĐHC đến thi hành QĐHC. Do đó, qua nghiên cứu các góc độ của việc ban hành QĐHC và yêu cầu kiểm soát việc ban hành QĐHC, có thể đưa ra khái niệm về kiểm soát ban hành QĐHC như sau:
Kiểm soát ban hành QĐHC là toàn bộ các hoạt động xem xét, theo dõi, đánh giá mà thông qua đó có thể ngăn ngừa, loại bỏ những nguy cơ ban hành QĐHC sai trái hoặc kịp thời xử lý các QĐHC sai trái, bảo đảm cho các QĐHC được ban hành hợp pháp, hợp lý, khả thi và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như phục vụ nhu cầu chính đáng của các đối tượng quản lý.
Kiểm soát ban hành quyết định hành chính là nhu cầu tất yếu, khách quan trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Thông qua kiểm soát hoạt động ban hành quyết định hành chính, các cơ quan thực thi quyền lập pháp có được những thông tin thực tiễn để xem xét, đánh giá về mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật và hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật của nền hành chính quốc gia; từ đó, kịp thời có những điều chỉnh, bổ sung cần thiết nhằm định hướng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để nâng cao hiệu quả của việc thực thi quyền hành pháp. Bên cạnh đó, thông qua kiểm soát hoạt động ban hành quyết định hành chính, các cơ quan thực thi quyền tư pháp có được những thông tin thực tiễn để xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của việc thực thi quyền hành pháp; từ đó, củng cố và tăng cường mối quan hệ cân bằng, thống nhất giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp trên cơ sở pháp luật.
Kiểm soát ban hành quyết định hành chính còn là nhu cầu tất yếu, khách quan, nội tại của nền hành chính quốc gia. Do được ban hành để giải quyết các công việc cụ thể phát sinh thường xuyên trên mọi lĩnh vực của quản lý hành chính nhà nước, nên các quyết định hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của nhiều chủ thể khác nhau (chủ yếu là cá nhân), với thời gian ban hành tương đối ngắn nên nguy cơ ban hành quyết định hành chính trái pháp luật và không hợp lý dễ xảy ra trên thực tế. Bản thân các chủ thể quản lý hành chính nhà nước có thẩm quyền nhận thức rõ được điều này. Chính vì vậy, kiểm soát hoạt động ban hành quyết định hành chính, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý hành chính nhà nước đã trở thành nhu cầu tất yếu, khách quan, nội tại của nền hành chính quốc gia.
Đồng thời, kiểm soát hoạt động ban hành quyết định hành chính là nhu cầu tự nhiên, chính đáng để bảo vệ tự do, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội dân chủ.
2.2. Đặc điểm của kiểm soát ban hành quyết định hành chính
Ở góc độ chung nhất, kiểm soát ban hành quyết định hành chính phản ánh những đặc điểm cơ bản dưới đây:
Một là, chủ thể kiểm soát ban hành QĐHC rất đa dạng, gồm chủ thể có liên quan tới việc ban hành QĐHC như: chủ thể có thẩm quyền ban hành QĐHC khi thực hiện các biện pháp tự kiểm soát quá trình ban hành QĐHC của mình; các chủ thể là cơ quan cấp trên của cơ quan ban hành QĐHC khi thực hiện các biện pháp kiểm soát hoạt động của cơ quan cấp dưới theo thẩm quyền; chủ thể là đối tượng chịu sự điều chỉnh và tổ chức thi hành QĐHC khi thực hiện các biện pháp tham vấn ý kiến, phản hồi ý kiến, khiếu nại, tố cáo… về các QĐHC; chủ thể là các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền phản biện, giám sát, chất vấn, kiến nghị… đối với các QĐHC; chủ thể là các cơ quan tiến hành thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện các QĐHC…
Hai là, đối tượng kiểm soát ban hành QĐHC là hoạt động ban hành QĐHC của các chủ thể có thẩm quyền ban hành QĐHC. Hoạt động ban hành QĐHC bao gồm toàn bộ các hoạt động được thực hiện trong quy trình ban hành QĐHC và quá trình tổ chức thi hành các QĐHC, gồm hoạt động đề xuất yêu cầu, chủ trương ban hành QĐHC, soạn thảo, trình ban hành QĐHC, tổ chức thi hành QĐHC.
Ba là, được thực hiện thông qua nhiều hình thức, phương pháp với mức độ, yêu cầu đơn giản hay phức tạp và với tần suất, thời điểm khác nhau phù hợp với từng loại QĐHC. Theo đó, đối với các QĐHC tạo quyền, có lợi cho đối tượng áp dụng, các hình thức, phương pháp kiểm soát sẽ đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện hơn, tần suất thấp hơn và thời điểm thực hiện chỉ trong giai đoạn soạn thảo QĐHC; đối với các QĐHC thiết lập nghĩa vụ, trách nhiệm, bất lợi cho đối tượng áp dụng và các QĐHC có tác động, ảnh hưởng tới cộng đồng thì cần phải có hình thức, phương pháp kiểm soát ở mức độ phức tạp hơn, chặt chẽ hơn, tần suất cao hơn và ở nhiều thời điểm, công đoạn khác nhau.
Bốn là, việc kiểm soát có thể trong toàn bộ quy trình ban hành QĐHC hoặc kéo dài tới cả giai đoạn thi hành QĐHC. Kiểm soát ban hành QĐHC được thực hiện xuyên suốt quá trình ban hành QĐHC, từ giai đoạn đề xuất, xin chủ trương ban hành QĐHC đến soạn thảo, trình ban hành và tổ chức thi hành QĐHC. Đây là các biện pháp mà cơ quan ban hành QĐHC phải tổ chức thực hiện để kiểm soát từ khâu soạn thảo, ban hành các QĐHC nhằm tạo ra các QĐHC có chất lượng, đáp ứng các tiêu chí hợp pháp và hợp lý. Các biện pháp được áp dụng trong hoạt động kiểm soát này bao gồm: bảo đảm ban hành đúng thẩm quyền, thủ tục, thực hiện các biện pháp bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và sự tham gia của các đối tượng liên quan vào quy trình ban hành QĐHC, tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bằng các hình thức phù hợp, kiểm tra trong nội bộ của cơ quan ban hành QĐHC đối với dự thảo QĐHC trước khi trình người có thẩm quyền ban hành. Phương thức kiểm soát trong quy trình ban hành QĐHC thường được gọi là kiểm soát trước hay “tiền kiểm”.
Kiểm soát trong thi hành QĐHC là biện pháp mà các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá các QĐHC sau khi ban hành được tổ chức thi hành có bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý, chất lượng, hiệu quả. Thông thường, phương thức kiểm soát này được thực hiện thông qua các hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo, thông qua các hoạt động này, các QĐHC sẽ được xem xét, đánh giá và xử lý nếu có sai trái. Phương thức kiểm soát trong thực thi QĐHC thường được gọi là kiểm soát sau hay “hậu kiểm”, gồm:
Hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử: theo dõi, xem xét, đánh giá của các cơ quan dân cử đối về thi hành các văn bản pháp luật của các cơ quan này trong hoạt động ban hành quyết định hành chính.
Hoạt động kiểm tra của các cơ quan hành chính nhà nước: việc xem xét, đánh giá của các cơ quan hành chính nhà nước về tính hợp pháp, hợp lý trong hoạt động ban hành quyết định hành chính của cơ quan mình, cá nhân, tổ chức thuộc quyền của mình.
Hoạt động thanh tra nhà nước: xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động ban hành quyết định hành chính.
Hoạt động giải quyết khiếu nại trong quản lý hành chính nhà nước: xem xét, đánh giá, xử lý của chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về các vấn đề liên quan đến tính hợp pháp, hợp lý của các quyết định hành chính là đối tượng của khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Hoạt động giải quyết tố cáo trong quản lý hành chính nhà nước: xem xét, đánh giá, xử lý của chủ thể có thẩm quyền giải quyết tố cáo về các vấn đề liên quan đến tính hợp pháp, hợp lý của các quyết định hành chính là đối tượng của tố cáo theo quy định của pháp luật.
Hoạt động xét xử hành chính của tòa án: xem xét, đánh giá, xử lý của tòa án có thẩm quyền áo về các vấn đề liên quan đến tính hợp pháp của quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của pháp luật.
Năm là, tiêu chí để kiểm soát ban hành QĐHC: kiểm soát ban hành QĐHC được thực hiện theo 2 tiêu chí cơ bản là bảo đảm tính hợp pháp, tính hợp lý của QĐHC xuyên suốt quá trình ban hành QĐHC và thực thi QĐHC.
Sáu là, trình tự, thủ tục kiểm soát ban hành QĐHC được quy định chặt chẽ, cụ thể, công khai, minh bạch, bảo đảm các chủ thể khi thực thi kiểm soát ban hành QĐHC biết rõ thẩm quyền, cách thức, phạm vi, nội dung, biện pháp được sử dụng để thực hiện cho đúng và hiệu quả.
Bảy là, giá trị pháp lý của kết quả kiểm soát ban hành QĐHC: kết quả của kiểm soát ban hành QĐHC có tác động trực tiếp tới quá trình ban hành QĐHC và giá trị bắt buộc tuân thủ đối với các chủ thể ban hành QĐHC. Theo đó, các chủ thể ban hành QĐHC phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát trong quá trình ban hành QĐHC của mình, chịu sự kiểm soát của các chủ thể khác theo quy định về hoạt động ban hành QĐHC của mình và tổ chức thực hiện các yêu cầu, đề nghị của các chủ thể thực hiện kiểm soát. Ngay trong trường hợp chủ thể ban hành QĐHC tự tổ chức việc kiểm soát trong nội bộ của mình thì các kết quả của quá trình kiểm soát đó cũng có giá trị bắt buộc đối với chủ thể ban hành QĐHC (bắt buộc phải tham khảo, bắt buộc phải tiếp thu, giải trình…). Điều này không ảnh hưởng tới quyền “tự định liệu” của chủ thể ban hành QĐHC, vì mặc dù quyền tự định liệu là sự tự do lựa chọn để quyết định trên cơ sở phán quyết của chính bản thân chủ thể quản lý hành chính nhà nước, nhưng trong nhà nước pháp quyền, việc sử dụng quyền tự định liệu bao giờ cũng nằm trong giới hạn của pháp luật.
3. Một số giải pháp tăng cường kiểm soát việc ban hành quyết định hành chính cá biệt
Một là, cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong đó:
- Cần sớm xây dựng, ban hành Luật ban hành QĐHC để thiết lập trật tự ban hành QĐHC thông qua việc quy định các nguyên tắc cơ bản về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành QĐHC; thiết lập cơ chế kiểm soát nhằm bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý, khả thi của QĐHC, tính minh bạch, công khai của quá trình ban hành QĐHC, tính chuyên nghiệp của nền hành chính hiện đại; chế độ báo cáo thống kê tình hình ban hành QĐHC, qua đó nâng cao chất lượng ban hành QĐHC, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Cần xác lập cơ chế theo dõi, kiểm soát việc thực hiện hành vi hành chính song song với cơ chế kiểm soát việc ban hành QĐHC;
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động quản lý hành chính nhà nước, loại bỏ những quy định rườm rà, mâu thuẫn, chồng chéo không khả thi; tập trung rà soát tổng thể cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai, sở hữu nhà, quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng... qua các thời kỳ để đảm bảo việc áp dụng, hướng dẫn pháp luật được thống nhất.
Hai là, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc tham mưu ban hành và thực hiện QĐHC của cấp dưới.
Ba là, tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác tham mưu ban hành QĐHC để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.
Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công tác ban hành QĐHC, công tác lưu trữ văn bản, tiến tới xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp và hiện đại.
Năm là, tăng cường nhận thức, nâng cao năng lực của các chủ thể trong ban hành QĐHC nhằm kiểm soát việc bảo đảm tính hợp pháp của quyết định hành chính; tiến tới thúc đẩy việc thực hiện cải cách hành chính một cách có hệ thống, hướng tới một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, năng động; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thuận lợi cho cuộc sống của nhân dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Thái Hải (2023), Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc ban hành quyết định hành chính, Báo Thanh tra, truy cập tại https://thanhtra.com.vn/tin-trong-nuoc-A7403F0EC/phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-trong-viec-ban-hanh-quyet-dinh-hanh-chinh-D23E8854.html.
2. Lê Trí Cường (2022), Đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính - Một số vấn đề cần hoàn thiện, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, truy cập tại https://tapchitoaan.vn/doi-tuong-khoi-kien-trong-vu-an-hanh-chinh-mot-so-van-de-can-hoan-thien7734.html.
3. Mai Loan, Vụ Nghiệp vụ 3 (2023), Thực trạng ban hành Quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, nguyên nhân và giải pháp, Cổng thông tin điện tử - Tổng Cục thi hành án dân sự, https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/tuthuctien/view_detail.aspx?itemid=613.
4. Nguyễn Biên Thùy (2021), Thẩm quyền của tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 21 (445), tháng 11/2021.
5. Nguyễn Đức Anh, Bàn về quyết định hành chính - Đối tượng khiếu nại của pháp luật khiếu nại Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, truy cập tại https://danchuphapluat.vn/ban-ve-quyet-dinh-hanh-chinh-doi-tuong-khieu-nai-cua-phap-luat-khieu-nai-viet-nam.
Som issues in controlling the issuance of individual administrative decisions in Vietnam
Master. Nguyen Le Dan
Institute of State and Law
Abstract:
This paper addresses key challenges in controlling the issuance of individual administrative decisions in Vietnam. It highlights existing regulatory gaps and procedural shortcomings, offering insights into their implications. Based on this analysis, the paper proposes recommendations and practical suggestions for improving the legal framework and administrative practices, aiming to enhance transparency, accountability, and efficiency in the issuance of individual administrative decisions.
Keywords: control, individual administrative decisions
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10 năm 2024]