Mô hình "Công ty mẹ - Công ty con" ở Trung Quốc

ở Trung Quốc, tập đoàn kinh doanh là các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và cơ cấu tổ chức bao gồm 1 công ty mẹ và các công ty con. Công ty mẹ là công ty 100% vốn Nhà nước, các công ty con có thể 10

Mô hình “ Công ty mẹ –  Công ty con”  đã được Trung Quốc áp dụng phổ biến. Hiện nay, mô hình này của các tập đoàn Trung Quốc có hai loại hình cơ bản sau:
- Tập đoàn mà công ty mẹ chỉ thực hiện chức năng quản lý vốn và quản lý  về chiến lược nhưng không tham gia vào các hoạt động sản xuất –  kinh doanh.
- Tập đoàn mà công ty mẹ thực hiện hai chức năng: quản lý vốn và quản lý sản xuất –  kinh doanh.
Về cơ cấu tổ chức quản lý, công ty mẹ gồm có:
- Hội đồng quản trị là cơ quan quyết sách của Công ty, thành viên là đại diện cho cổ đông (Chính phủ hoặc ủy ban quản lý tài sản Nhà nước); thành viên độc lập là những chuyên gia tư vấn độc lập về kinh tế, luật, kiểm toán và các thành viên trong nội bộ công ty.
- Ban giám đốc do Hội đồng quản trị bổ nhiệm, là cơ quan điều hành, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị.
- Ban giám sát bao gồm cả người bên ngoài doanh nghiệp (do Chính phủ cử và trả lương) và người trong nội bộ doanh nghiệp (do doanh nghiệp trả lương).
Thực tế hiện nay ở Trung Quốc, việc liên kết giữa công ty mẹ với các công ty con rất phong phú và đa dạng tuỳ thuộc vào loại hình kinh doanh. Có các dạng liên kết cụ thể như sau:
- Liên kết theo dây chuyền sản xuất –  kinh doanh. Trong mô hình này, công ty mẹ có tiềm năng lớn, có chức năng xây dựng chiến lược kinh doanh tiếp thị, phát triển sản phẩm, huy động và phân bổ vốn đầu tư, quan hệ đối ngoại, đào tạo nhân lực... Ngoài ra, Công ty mẹ còn có nhiệm vụ kiểm soát một mạng lưới các công ty con, các công ty cháu theo dạng hình chóp (cấp 1, cấp 2, cấp 3) tạo thành một quần thể doanh nghiệp khổng lồ.
- Liên kết giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất –  kinh doanh: ở đây, công ty mẹ đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu ứng dụng những công nghệ hiện đại, lấy sự phát triển công nghệ mới là đầu mối cho sự liên kết. Các công ty con là những đơn vị sản xuất - kinh doanh có chức năng ứng dụng nhanh kết quả nghiên cứu công nghệ mới của công ty mẹ, biến nó thành sản phẩm có ưu thế trên thị trường. Năng lực cạnh tranh của cả tập đoàn chính là khả năng liên kết từ nghiên cứu đến ứng dụng.
- Liên kết bằng vốn: Kinh nghiệm của nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc cho thấy, nhiều doanh nghiệp sử dụng cơ chế góp vốn để hoàn thiện tổ chức quản lý sản xuất –  kinh doanh, phát triển với qui mô và năng lực ngày càng lớn. Trong mô hình này, công ty mẹ thực hiện quyền chủ sở hữu quyết định về cơ cấu tổ chức quản lý, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật các chức danh quản lý chủ yếu; Quyết định điều chỉnh vốn điều lệ; Chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho công ty khác; Quyết định dự án đầu tư; Giám sát, đánh giá hoạt động sản xuất –  kinh doanh của công ty con; Duyệt báo cáo hàng năm.v.v... Tuy nhiên, các công ty con vẫn có tư cách pháp nhân và tiến hành các hoạt động kinh doanh độc lập.
Mặc dù các dạng liên kết giữa công ty mẹ với các công ty con dựa trên những nền tảng khác, phù hợp với từng hình thức sản phẩm khác nhau, song đều là sự chi phối bởi yếu tố tài sản cố định, tài sản lưu động... và tài sản vô hình như sở hữu công nghiệp, phát minh khoa học công nghệ, uy tín sản phẩm, thị trường... Sức mạnh chi phối của công ty mẹ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nắm giữ các nguồn tài sản trên và chính những tài sản vô hình có tác dụng hỗ trợ rất hiệu quả, tạo cơ sở vững chắc để củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác vì lợi ích kinh tế chung giữa công ty mẹ với các công ty con. Trái lại, công ty mẹ còn sử dụng được các lợi thế của các công ty con về mặt lao động, tài nguyên, thị trường...khi các công ty con có lợi thế về lĩnh vực này.
Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử phát triển, cùng là các nước theo mô hình XHCN nên kinh nghiệm thực hiện mô hình “ Công ty mẹ –  Công ty con”  của Trung Quốc rất có ý nghĩa với Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mô hình này, có một số điểm khác biệt là các tập đoàn kinh doanh của Trung Quốc đã được cổ phần hóa, hoặc đang cổ phần hóa mạnh mẽ, có tiềm lực tài chính, kỹ thuật, công nghệ tương đối mạnh. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của Trung Quốc thì không nên cho phép công ty con đầu tư ngược lại công ty mẹ vì như vậy, rất khó xác định công ty nào là công ty mẹ và công ty nào là công ty con, gây lộn xộn trong tổ chức và quản lý.
Đối với nước ta, việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước sang hoạt động theo mô hình “Công ty mẹ –  Công ty con”  thực chất là sự đổi mới tổ chức quản lý doanh nghiệp Nhà nước, khắc phục những mặt hạn chế của mô hình tổ chức quản lý trong các Tổng công ty Nhà nước hiện nay, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quy mô lớn này tiếp tục phát triển và thực sự trở thành chủ thể đầu tư trong nền kinh tế thị trường. Mô hình “Công ty mẹ –  Công ty con”  là mô hình còn mới mẻ và đang thực hiện thí điểm ở nước ta, do vậy, khi thực hiện mô hình này, đòi hỏi chúng ta phải có sự nghiên cứu vận dụng cho phù hợp với điều kiện hiện tại của nền kinh tế, cũng như của mỗi doanh nghiệp. Quá trình thực hiện mô hình “Công ty mẹ –  Công ty con”  của Trung Quốc đã cung cấp cho chúng ta nhiều kinh nghiệm, từ đó giúp chúng ta có nhận thức đúng đắn và tìm được cơ chế chuyển đổi có hiệu quả khi áp dụng mô hình này.

  • Tags: