TÓM TẮT:
Bài báo trình bày mô hình tổng quan và những định hướng nghiên cứu đầu tư phát triển Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel trở thành Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế.
Từ khóa: Đầu tư phát triển, định hướng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel.
1. Đặt vấn đề
Tập đoàn Viễn thông Quân đội là một doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Viễn thông quân đội đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Trong những năm vừa qua, Viettel đã xây dựng hệ thống viễn thông rất mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị thường xuyên của tập đoàn và quân đội ta. Mạng lưới của Viettel là mạng vu hồi, dự phòng, đảm bảo cho quốc phòng an ninh của đất nước. Thực tế, trong thời gian qua, khi xảy ra những vụ việc ở những khu vực trọng điểm trong những thời điểm nhạy cảm, thì mạng viễn thông của Viettel đã phát huy tác dụng rất tốt, góp phần cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng xử lý các tình huống nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả vì cuộc sống bình yên của đất nước. Tập đoàn Viễn thông Quân đội cũng là nơi bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng và duy trì đội ngũ cán bộ kỹ thuật chất lượng cao cho quân đội, đất nước.
Trong những năm gần đây, Tập đoàn Viễn thông Quân đội bước đầu tham gia vào việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số chủng loại vũ khí, trang bị, các hệ thống trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu đảm bảo trang bị và một phần đảm bảo kỹ thuật cho quân đội. Đây là một lĩnh vực mới, góp phần thực hiện chiến lược trang bị cho hiện đại hóa Quân đội Nhân dân Việt Nam, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Nhằm thực hiện nhiệm vụ sản xuất trang bị phục vụ nhiệm vụ Quốc phòng, Viettel đã chủ động tham gia thực hiện thành công một số dự án nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất thiết bị quân sự, như: hệ thống thông tin quân sự, hệ thống rada, máy bay không người lái, hệ thống giám sát, quản lý vùng trời... Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước, Viettel bước đầu tham gia nghiên cứu, phát triển, sản xuất những trang thiết bị quân sự. Đây là bước phát triển rất mới, đúng hướng của Viettel. Việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm đó đã góp phần tích cực vào việc bảo đảm trang bị cho quân đội ta và làm chủ trang bị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư sản xuất còn bộc lộ những hạn chế cơ bản:
Thứ nhất, trong quá trình nghiên cứu, sản xuất thiết bị là một trong ba chiến lược cốt lõi (gồm: viễn thông trong nước, viễn thông nước ngoài và nghiên cứu sản xuất thiết bị), Tập đoàn chưa huy động được được các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực để tạo nên sự bứt phá, tiềm lực mạnh của Tập đoàn trong triển khai;
Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thiếu chuyên gia giỏi trong lĩnh vực cơ khí và cơ khí điện tử, tự động hóa;
Thứ ba, năng lực nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ cao (CNC) còn hạn chế; doanh thu chủ yếu phụ thuộc vào sản phẩm quân sự và thị trường nội bộ của Tập đoàn.
Thứ tư, mô hình tổ chức, cơ chế vận hành của Tập đoàn chưa đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất thiết bị điện tử chuyên nghiệp, đặc biệt là sản xuất các trang bị quân sự có tính năng CNC, công nghệ đặc thù: Ra đa, thiết bị trinh sát, chỉ huy, vũ khí CNC.
Thứ năm, mô hình hợp tác và liên kết chậm đổi mới, chưa theo kịp với xu thế phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Trong điều kiện hiện nay, nếu có giải pháp đầu tư hợp lý, chủ động nghiên cứu, thiết kế, chế tạo những trang bị có tính năng kỹ - chiến thuật phù hợp, là hướng đi đúng đắn của Tập đoàn Viễn thông Quân đội trong bối cảnh hiện nay.
Về mặt lý luận, trong những năm gần đây, vấn đề hiệu quả hoạt động đầu tư phát triển, tuy đã được một số tác giả nghiên cứu, nhưng nhìn chung, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện vấn đề hiệu quả các dự án đầu tư sản xuất trang bị của doanh nghiệp Nhà nước mang tính đặc thù như Tập đoàn Viettel.
Xuất phát từ thực tiễn khách quan, việc nghiên cứu: “đầu tư phát triển sản xuất trang bị ở Tập đoàn Viễn thông Quân đội” trong điều kiện hiện nay là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao.
2. Về mô hình tổng quát nghiên cứu hiệu quả đầu tư các dự án cho sản xuất trang bị kỹ thuật ở Tập đoàn Viettel Quân đội
Việc nghiên cứu lĩnh vực đầu tư phát triển doanh nghiệp được nhiều học giả quan tâm, với một cách tiếp cận khoa học theo quan điểm lý thuyết về đầu tư thông qua triển khai các dự án đầu tư (DAĐT), tác giả xin trình bày một số chỉ tiêu cơ bản nhằm phân tích, đánh gía tính kinh tế theo mục tiêu phát triển:
Các dự án đầu tư đều nhằm vào mục tiêu kinh tế tài chính hoặc kinh tế xã hội. Trong bài viết này, tác giả xin đề cập tới hiệu quả kinh tế tài chính của các DAĐT. Mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là lợi nhuận. Lợi nhuận có được do sản xuất kinh doanh và do tác động cung cầu của thị trường mang lại.
Để đánh giá một dự án đầu tư, cần phải tiến hành đánh giá theo các tiêu chuẩn sau:
+ Tiêu chuẩn thị trường:
* Xác định sản lượng tối ưu cung cấp cho thị trường để đảm bảo số lượng hàng hoá cung cấp ra không bị dư thừa khi sản xuất ra.
* Cần tìm hiểu có bao nhiêu đối thủ cạnh tranh với mặt hàng dự kiến sản xuất, tiềm năng của đối thủ như thế nào.
* Sản phẩm của các đối thủ đó được thị trường đánh giá như thế nào, ưu nhược điểm. Từ đó có sự điều chỉnh thích hợp đáp ứng những đòi hỏi của khách hàng.
* Những chính sách của Nhà nước đối với mặt hàng này như thế nào, thuận lợi, khó khăn.
Tất cả thông tin cần được thu thập đầy đủ và phải được xử lý một cách kỹ lưỡng. Đây là nền móng cho các bước tiếp theo để thực hiện dự án đầu tư.
+ Tiêu chuẩn kinh tế - tài chính
Bất kỳ một dự án nào cũng đều nhằm vào mục đích nhất định, đối với các doanh nghiệp thì lợi nhuận là mục tiêu trước hết. Tiêu chuẩn về kinh tế - tài chính là then chốt của dự án đầu tư, nó bao trùm lên toàn bộ DAĐT. Để giúp cho người quản lý trong việc quyết định đầu tư, người ta thường tìm hiểu về tài chính như NPV, IRR, suất đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh…
Vì vậy, có thể phân tích, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư theo chỉ tiêu sau:
* Chỉ tiêu giá trị hiện tại của thu nhập thuần ký hiệu NPV (Net Present Value)


Bi: Khoản thu của năm thứ i
n: Số năm hoạt động của đời dự án
r: Tỷ suất triết khấu được chọn
Từ công thức trên cho thấy, nếu:
NPV >0 Chấp nhận
NPV = 0 Hòa vốn
NPV < 0 Loại bỏ
Khi các dự án có doanh thu bằng nhau, dự án tối ưu sẽ có giá trị hiện tại của chi phí là bé nhất - dự án đó được chấp nhận PVC (Present Value Cost)


PV (B): Giá trị hiện tại của các khoản thu
PV (C): Giá trị hiện tại của các khoản chi phí
Để so sánh những dự án khác nhau
về quy mô, ta thường dùng chỉ tiêu B/C để đánh giá.

* Chỉ tiêu tỷ suất hoàn vốn nội bộ ký hiệu IRR (Intener rate of return)

Trong đó:
r1 là lãi suất tùy ý cho tương ứng ta có NPV1 sao cho NPV1>0 và càng gần 0 càng tốt
r2 là lãi suất tùy ý cho NPV2<0 và càng gần 0 càng tốt
Quy tắc lựa chọn phương án theo chỉ tiêu IRR
IRR<rgh không chấp nhận dự án
IRR>=rgh chấp nhận dự án
Nếu dùng IRR làm chỉ tiêu lựa chọn thì dự án nào có IRR cao nhất sẽ chọn
* Ưu điểm:
- IRR dễ hấp dẫn nhà đầu tư vì cho thấy ngay khả năng sinh lời của dự án và đây cũng là lãi suất tính toán lớn nhất có thể sử dụng.
- Tính IRR dựa trên số liệu của dự án mà không cần phải xác định chính xác tính toán.
* Nhược điểm:
- Nếu ngân lưu dòng của dự án đổi dấu từ hai lần trở lên, ta sẽ tìm được nhiều IRR và không biết IRR thực của dự án là bao nhiêu. Ví dụ: Các dự án khai thác hầm mỏ, giải phóng mặt bằng… thường có ngân lưu dòng đổi dấu nhiều lần. Ngược lại, nếu ngân lưu dòng của dự án không đổi dấu thì không tìm được IRR; Khi đó, việc tính toán IRR khá phức tạp.
- Đối với những dự án loại trừ nhau, có khi IRR lớn hơn nhưng NPV lại nhỏ hơn. Nếu dựa vào IRR để chọn dự án là chúng ta đã bỏ qua một cơ hội thu được NPV lớn hơn.
Sự lựa chọn giữa NPV và IRR cho dự án
- NPV là chỉ tiêu quan trọng nhất dùng để lựa chọn các dự án đầu tư.
- Nếu chủ đầu tư có vốn dồi dào, đầu tư ít rủi ro và ít cơ hội đầu tư thì nên chọn dự án có NPV lớn nhất.
- Nếu chủ đầu tư có ít vốn nhưng có nhiều cơ hội đầu tư và đầu tư có thể gặp rủi ro, muốn sử dụng vốn có hiệu quả thì nên chọn dự án có IRR lớn nhất.
* Chỉ tiêu thời gian thu hồi vốn đầu tư. Ký hiệu T: là số thời gian cần thiết mà dự án cần hoạt động để thu hồi đủ số vốn đầu tư ban đầu.
- Vai trò: Nó thể hiện được ở một mức độ nhất định quan điểm thu hồi vốn đầu tư trong thời gian ngắn hơn thì tốt hơn, sau thời kỳ t thì vốn đầu tư đó được hoàn lại đầy đủ mọi khoản thu nhập ròng. Chỉ tiêu này càng trở nên quan trọng đối với dự án có nhiều rủi ro và khan hiếm vốn.
- Phương pháp cộng dồn

- Phương pháp trừ dần Gọi Vt là số vốn đầu tư phải thu hồi cuối năm t, At là số vốn đầu tư chưa thu hồi được cuối năm t và chuyển cho năm tiếp theo.

(W + D)i: Khoản thu hồi lợi nhuận thuần và khấu hao năm i.
Iv0: Tổng vốn đầu tư ban đầu
T ≤ T* chấp nhận T min - tối ưu
Tiêu chuẩn thời gian hoàn vốn T thường áp dụng đối với dự án có tính rủi ro cao. Tùy thuộc từng dự án, khi đánh giá hiệu quả kinh tế ta có thể áp dụng tất cả các tiêu chuẩn hoặc chỉ áp dụng một số tiêu chuẩn.
* Chỉ tiêu tỷ suất sinh lời của vốn đầu tư ký hiệu RR (Rate of Return)

Wipv: Lợi nhuận thuần thu được năm i tính theo mặt bằng hiện tại.
Iv0: Vốn đầu tư tại thời điểm dự án bắt đầu đi vào hoạt động.
+ Tiêu chuẩn về kinh tế - xã hội
Đánh giá tác động của DAĐT đến phát triển kinh tế - xã hội; Ngoài các chỉ tiêu đánh giá về lợi nhuận của doanh nghiệp như đã trình bày, cần đánh giá tác động của DAĐT đến sự phát triển chung về kinh tế - xã hội.
* Khi dự án được đưa vào hoạt động; Việc đánh giá tác động của dự án đến sự phát triển kinh tế - xã hội chính là việc xác định, đánh giá những tác động gì đến nền kinh tế của đất nước, của một ngành, một vùng, hay nói cách khác đã đem lại lợi ích gì cho xã hội.
* Nộp ngân sách dự kiến là bao nhiêu;
* Giải quyết, đào tạo được bao nhiêu lao động có tay nghề đáp ứng được cho sản xuất;
* Tác động đến những ngành sản xuất khác;
* Sản phẩm có tác động như thế nào đến thị trường;
* Việc sử dụng các nguồn tài nguyên của đất nước ra sao.
+ Tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường
Trong giai đoạn hiện nay, khi tiến hành một dự án đầu tư chúng ta không chỉ chú trọng tới các chỉ tiêu kinh tế - tài chính, kinh tế - xã hội mà chúng ta bắt buộc phải thực hiện luật bảo vệ môi trường.
Sản phẩm được sản xuất theo công nghệ nào; có đáp ứng được những tiêu chuẩn về môi trường của đất nước không; các chất thải do quá trình sản xuất sinh ra là loại gì; Chất thải lỏng, chất thải rắn, chất thải khí; Tiếng ồn sẽ tác động đến môi sinh ra sao; Các biện pháp xử lý và phòng ngừa ra sao; Tác động tới nguồn tài nguyên như thế nào; Cần phải có bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và phải có biện pháp xử lý cụ thể.
3. Định hướng nghiên cứu nâng cao hiệu quả đầu tư sản xuất trang bị ở Tập đoàn Viễn thông Quân đội
Từ nghiên cứu tổng quan về lý luận và thực tiễn, tác giả đề xuất một số định hướng cơ bản khi nghiên cứu về đầu tư phát triển Tập đoàn Viettel giai đoạn 2017 - 2025 như sau:
Thứ nhất, xây dựng chiến lược đầu tư phát triển ở Tập đoàn Viễn thông Quân đội theo định hướng Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao:
Với mục tiêu phát triển: đến năm 2020 và những năm tiếp theo trở thành tập đoàn công nghiệp, viễn thông toàn cầu, bao gồm: Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và tổ hợp công nghiệp sản xuất thiết bị viễn thông công nghệ cao.
Thứ hai, đầu tư phát triển công nghệ:
Thường xuyên nắm vững xu thế phát triển, đầu tư đổi mới nhanh công nghệ viễn thông hiện đại của thế giới, đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ mới tạo ra các sản phẩm, dịch vụ viễn thông và các sản phẩm quốc phòng có hàm lượng CNC, cạnh tranh trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
Thứ ba, đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao:
Thực hiện chính sách “Quốc tế hóa nguồn nhân lực”. Thúc đẩy, thực hiện chính sách đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn và chiến lược phát triển của Viettel, đào tạo con người trong Tập đoàn Viettel có khả năng làm việc ở phạm vi toàn cầu.
Coi trọng tự đào tạo, tạo ra việc khó để làm xuất hiện người giỏi, kết hợp với chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm vào Viettel để duy trì năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trên thế giới, đáp ứng chiến lược xây dựng Tập đoàn công nghiệp, viễn thông toàn cầu.
Thứ tư, đổi mới cơ chế chính sách về thị trường sản phẩm:
Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và hiệu quả đầu tư phát triển, Viettel cần phải quan tâm đúng mức đến yếu tố thị trường. Thông tin thị trường là căn cứ để doanh nghiệp đề ra các quyết định kinh doanh và ra quyết định đầu tư phù hợp. Đây là cơ sở để lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ các loại sản phẩm của Viettel.
Thứ năm, liên kết và hợp tác:
Xây dựng mô hình liên kết và hợp tác hợp lý với các đối tác trong và ngoài nước. Đẩy mạnh chiến lược nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các sản phẩm CNC.
Hợp tác với các hãng sản xuất thiết bị và các nhà mạng lớn để thử nghiệm các giải pháp mới, thiết bị mới và công nghệ mới theo các thỏa thuận hợp tác chiến lược.
Đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, đơn vị trong Bộ Quốc phòng, theo quan điểm Viettel sẽ đóng vai trò là hạt nhân, cùng hợp tác với các đơn vị để tạo ra các công việc mới, đặt hàng nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư về con người và cơ sở vật chất cho các đơn vị hợp tác, tạo ra một thị trường mới rộng lớn hơn, giúp cho tất cả các đơn vị trong tổ hợp cùng phát triển bền vững.
Thứ sáu, hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác lập, triển khai các DAĐT phát triển doanh nghiệp:
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong giai đoạn thực hiện đầu tư, đặc biệt việc quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm và chuyển giao công nghệ.
Kết hợp chặt chẽ giữa đầu tư theo chiều rộng và đầu tư chiều sâu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiện đại theo lộ trình và năng lực phát triển.
Kết luận:
Doanh nghiệp chỉ thực sự nâng cao được hiệu quả đầu tư phát triển nếu có sự kết hợp chặt chẽ giữa đầu tư theo chiều rộng và đầu tư theo chiều sâu và gắn việc nâng cao hiệu quả với đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ và máy móc thiết bị trong các doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động đầu tư phát triển doanh nghiệp cao hay thấp chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố cả về chủ quan và khách quan. Do vậy, nghiên cứu đầu tư phát triển doanh nghiệp cần đảm bảo sự đồng bộ giữa các yếu tố giữa đầu tư phát triển tiềm lực, đặc biệt về KH&CN với đầu tư trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, phát triển thị trường, v.v… giữa đầu tư cho phát triển sản xuất với kinh doanh nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu trên phương diện nền kinh tế quốc dân và toàn cầu hóa về kinh tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. PGS. TS. Nguyễn Bạch Nguyệt và TS. Từ Quang Phương (chủ biên) (2007), Kinh tế đầu tư, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.
2. Lịch sử Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2014.
THE GENERAL DEVELOPMENT MODEL AND INVESTMENT DEVELOPMENT ORIENTATIONS OF VIETTEL GROUP
Master. DUONG CONG DU
Viettel Group
ABSTRACT:
This study presents the general development model and development orientations in becoming a defense corporation of the Vietnam Military Telecommunications Group - Viettel in the context of international economic integration process of Vietnam.
Keywords: Investment development, orientation, Vietnam Military Telecommunications Group - Viettel.
Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây