Những sáng kiến không tính bằng tiền
Nguyễn Đức Hùng sinh năm 1987, học xong chuyên ngành cắt gọt kim loại Trường Cao đẳng Công nghiệp là đầu quân về Công ty CP Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long. Từ đó đến nay đã 14 năm, Hùng gắn bó, trưởng thành tại đây. Với sự chăm chỉ, chàng công nhân trong dây chuyền sơn luôn vui vẻ, hài lòng với công việc cho dù vốn là một người ít biểu lộ suy nghĩ của mình ra ngoài. Nhưng không chỉ có thế, bạn bè đồng nghiệp còn nhận xét anh là một “công nhân chuẩn mực” với đầy đủ tính cách: nghiêm túc, chịu khó, tìm tòi, sáng kiến.
Làm đúng ngành đúng nghề là một lợi thế rất lớn của Hùng, tuy nhiên, lợi thế đó chỉ là hạt giống tốt, muốn hạt giống này nảy mầm thì rất cần một mảnh đất mầu mỡ cùng sự chăm lo vun xới, tưới tắm. Đối với Hùng, mảnh đất đó chính là 14 năm gắn bó với Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long, chàng công nhân dây chuyền sơn Nguyễn Đức Hùng đã có những thành quả lao động sáng tạo rất đáng trân trọng, đó là hàng loạt các sáng kiến cải tiến trong công việc. Đặc biệt, tất cả các sáng kiến đó đều thuộc thể loại “không tính bằng tiền”, nhưng đều mang tính thực tiễn, có tính sáng tạo và khả năng áp dụng cao góp phần làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiêu biểu là giải pháp Thiết kế kéo dài 1 đầu trục phía người vận hành đối với các lô sơn và lô hóa chất.
Trong quá trình mài các lô sơn, lô hóa chất có một số vấn đề tồn tại cần khắc phục. Từ trước tới nay tất cả các quả lô sơn, lô hóa chất sau một thời gian sử dụng có thể bị mòn hai mép hoặc bị xước bề mặt trong quá trình sản xuất, sẽ được mang xuống máy tiện để mài lại bề mặt. Để gá được lô vào máy tiện bắt buộc phải tháo vòng bi phía người vận hành ra, việc tháo ổ bi ra được cũng gặp rất nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian.
Nếu có tháo được ra cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ của vòng bi và trục lô. Trước đây nhà máy thường sử dụng loại vòng bi thường kết hợp với bạc ống hình trụ hai đầu bằng nhau thì việc tháo lắp rất khó khăn.
Khi lắp vòng bi vào trục lô phải dùng sử dụng hai công nhân mới thực hiện được, mỗi lần tháo vòng bi ra cũng phải cần hai người dùng dụng cụ chuyên dụng kết hợp cùng tay đòn công lực mới tháo được vòng bi ra.
Khi tháo được vòng bi ra khỏi cổ trục thì bề mặt trục và bạc lót có nhiều vết xước do lực ma sát lớn làm mài mòn bề mặt, điều này làm giảm đáng kể tuổi thọ của cổ trục và vòng bi.
Đối với bạc lót và vòng bi côn thì việc tháo lắp có đơn giản hơn, khi lắp vòng bi vào chỉ cần một công nhân cũng có thể thực hiện được. Khi tháo ra thì cũng gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên bị đứt bạc lót hoặc vỡ cả vòng bi.
Giải pháp “Thiết kế kéo dài 1 đầu trục phía người vận hành đối với các lô sơn và lô hóa chất” của Nguyễn Đức Hùng đã hóa giải các vấn đề khó khăn này.
Để hạn chế tối đa việc phải tháo vòng vi ra khỏi lô sơn và lô hóa chất trong qua trình mài lại bề mặt. Giải pháp đưa ra là cải tiến kéo dài 1 đầu trục lô thêm 50mm, tính từ mép ngoài của vòng bi bên phía người vận hành.
Phần kéo dài này sẽ là vị trí để cặp, gá lô lên máy tiện mà không cần phải tháo vòng bi gối đỡ ra như trước đây mà vẫn có thể gia công mài lô bình thường. Việc tháo lắp lô vào máy sơn và máy hóa chất cũng không ảnh hưởng gì đên quá trình vận hành bình thường của dây chuyền.
Sáng kiến của Nguyễn Đức Hùng đã đạt được tiêu chí “3 trong 1”, đó là đảm bảo công tác an toàn lao động; Cấu tạo đơn giản, gọn nhẹ dễ dàng vận hành; Giảm số lần phải tháo vòng bi và bạc lót, tăng tuổi thọ lô sơn, lô hóa chất.
Chờ một “cú hích”
Bạn bè đồng nghiệp ai cũng quý mến người đồng nghiệp có lối nói chuyện “chậm nhưng chắc” này cũng như rất thích những đường bóng mà anh đã cùng đồng đội mình kiến tạo nên những trận bóng đá tưng bừng, náo nhiệt được tổ chức trong nội bộ Công ty. Quý mến anh bao nhiêu mọi người càng bất ngờ về anh bởi anh luôn là tác giả của những những sáng kiến, giải pháp cải tiến công việc.
Nhìn nhận thấy năng lực và nhiệt huyệt của Nguyễn Đức Hùng, lãnh đạo phân xưởng Sản xuất cũng như lãnh đạo Công ty luôn có những những phần thưởng xứng đáng để động viên, khích lệ. Đó là lý do mà nhiều năm, đặc biệt 5 năm gần đây, năm nào Hùng cũng đc bằng khen Lao động suất sắc, được công đoàn bộ phận khen thưởng và đi kèm với nó là những món quà có giá trị cả tinh thần lẫn vật chất.
Đặc biệt, hồi đầu năm 2021, Nguyễn Đức Hùng đã được bằng khen của Công đoàn Công Thương Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh năm 2020.
Tất cả những điều này, dù không biểu hiện ra bên ngoài, nhưng thực sự khiến Hùng rất vui và tự hào. Đối với một người công nhân lành nghề, một người thợ yêu nghề, không có niềm hạnh phúc nào bằng những việc làm hướng tới lợi ích chung của mình được tập thể ghi nhận và trân trọng!
Tôi gặp Hùng đúng vào thời điểm Công ty CP Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long vừa kết thúc giãn cách, mọi người còn vẹn nguyên cảm xúc “thở phào” khi vừa phải trải qua những ngày tháng đặc biệt không thể nào quên.
Nguyễn Đức Hùng cũng vậy, phải xa vợ và cô con gái học lớp 2 để vào Công ty làm việc 3 tại chỗ, nhớ nhung da diết, nhưng chàng công nhân của dây chuyền sơn lại cho rằng đây cũng là cơ hội để ai cũng trưởng thành lên, nhất là anh bởi vì do đặc thù công việc anh cũng ít phải xa nhà.
Chính vì thế, ở Công ty, tiếng là không được về nhà, nhưng thực tế lại được chăm sóc, ăn uống, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ đầy đủ, trong sâu xa tâm sự thì Hùng lại thấy vợ con ở nhà thiệt thòi, vắng vẻ. Vậy nên ngày Hà Nội hết giãn cách là ngày anh rất vui, chả khác gì vừa trở về từ một chuyến công tác đặc biệt!
Giải pháp “Thiết kế kéo dài 1 đầu trục phía người vận hành đối với các lô sơn và lô hóa chất” là sáng kiến gần đây nhất của Hùng, còn trước đó, chàng công nhân “củ mì cù mì” này cũng đã đóng góp một số giải pháp tối ưu hóa công nghệ khác như: thay đổi vị trí lắp quạt hút phoi máy mài lô để khử hiện tượng rung máy khi mài, cải tạo máng thu hồi sơn từ khay về phuy sơn, sáng kiến chế tạo xe gắp và di chuyển phuy sơn 4 bánh…
Những sáng kiến tuy nhỏ nhưng Nguyễn Đức Hùng vẫn rất tâm đắc. Đơn giản những gì anh làm chính là những gì anh gặp “vướng” trong công việc chuyên môn, việc sắp xếp lại để làm sao cho công việc hợp lý hơn là điều ai cũng sẽ làm nếu có óc quan sát và khả năng. Tuy nhiên, người ta vẫn nói “tích tiểu thành đại”, với năng lực còn tiềm ẩn này, chắc hẳn sẽ còn rất nhiều thành công đang đợi chàng công nhân dây chuyền sơn của Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long ở phía trước.