Từ EU...
Ngày 8/8/2024, Ủy ban Châu Âu (EC) đã ban hành Thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh Châu Âu (EU).
Theo đó, quyết định khởi xướng điều tra được đưa ra trên cơ sở xem xét hồ sơ yêu cầu mà EC nhận được từ Hiệp hội Thép Châu Âu ngày 24/6/2024 đối với sản phẩm thép cán nóng.
Tuy nhiên, có một số hàng hóa được loại trừ là (1) Thép không gỉ hoặc thép điện silicon định hướng hạt; (2) Thép công cụ và thép công cụ có độ cứng lớn chuyên dụng; (3) Thép không ở dạng cuộn, không có hoa văn nổi, có độ dày lớn hơn 10 mm và khổ rộng từ 600 mm trở lên; và (4) Thép không ở dạng cuộn, không có hoa văn nổi, có độ dày từ 4,75 mm trở lên nhưng không quá 10 mm và có khổ rộng từ 2050 mm trở lên.
Giai đoạn điều tra bán phá giá là ngày 1/4/2023 - 31/3/2024. Giai đoạn điều tra thiệt hại là 1/1/2021 - 31/3/2024.
Đến Ấn Độ
Chỉ sau đó vài ngày, ngay trong tháng 8, thép cuộn cán nóng tiếp tục nhận tin không vui khi ngày 14/8/2024, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã thông báo khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam.
Theo thông báo của Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, quyết định điều tra được đưa ra dựa trên đề nghị của Hiệp hội Thép Ấn Độ.
Thời kỳ điều tra bán phá giá là 01/01/2023 - 31/3/2024 (15 tháng); thời kỳ điều tra thiệt hại là 01/4/2020 - 31/3/2021, 01/4/2021 - 31/3/2022, 01/4/2022 - 31/3/2023 và 01/01/2023 - 31/3/2024.
Nguyên đơn là JSW Steel Limited and ArcelorMittal Nippon Steel India Limited đề xuất sử dụng các mã kiểm soát sản phẩm làm cơ sở so sánh giá. DGTR đề nghị các bên liên quan bình luận về phạm vi sản phẩm cũng như các mã kiểm soát sản phẩm được đề xuất trong vòng 15 ngày kể từ ngày khởi xướng.
Các nhà sản xuất thép Ấn Độ cáo buộc rằng sản phẩm thép Việt Nam được nhập khẩu với giá bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước; đồng thời cho rằng không có sự khác biệt đáng kể nào giữa sản phẩm do họ sản xuất và sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam và yêu cầu áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Các sản phẩm thép cuộn cán nóng trong diện điều tra của Ấn Độ lần này thường được sử dụng trong công nghiệp ô tô, đường ống dẫn dầu và khí đốt/thăm dò, sản phẩm thép cán nguội, sản xuất ống, kỹ thuật và chế tạo nói chung, thiết bị xử lý xi măng, phân bón, nhà máy lọc dầu, chuyển động trái đất,...
Kịp thời bảo vệ ngành sản xuất nội địa
Đáng chú ý, 2 vụ việc này xảy ra trong bối cảnh sản phẩm thép cán nóng sản xuất trong nước cũng đang phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khầu từ nước ngoài nghi bán phá giá trên thị trường Việt Nam. Trước đó, ngày 26/7/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Quyết định điều tra dựa trên hồ sơ yêu cầu do 2 doanh nghiệp trong nước là Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất và Công ty TNHH Gang thép Hung nghiệp Formosa nộp theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, cáo buộc các nhà sản xuất thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc đang bán phá giá sản phẩm này sang Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Biên độ bán phá giá đề xuất là 22,27% đối với Ấn Độ và 27,83% đối với Trung Quốc.
Sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu, Cơ quan điều tra (Cục Phòng vệ thương mại) đã tiến hành xem xét, đề nghị bên yêu cầu bổ sung thông tin, làm rõ một số nội dung cáo buộc trong hồ sơ và tiến hành thẩm định theo quy định.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ yêu cầu, Cục Phòng vệ thương mại đã tiến hành lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Bên cạnh thông tin do các cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp, Cục Phòng vệ thương mại cũng cho biết đã nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp sản xuất thép mạ và ống thép đang sử dụng thép cán nóng làm nguyên liệu.
Căn cứ quyết định điều tra, thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá hành vi bán phá giá là 1/7/2023 - 30/6/2024, thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước là 01/7/2021 - 30/6/2024 (3 năm).
“Thống kê sơ bộ cho thấy, Cục đã nhận về hơn 20 bản trả lời của các doanh nghiệp liên quan. Đây là một lượng dữ liệu tương đối khổng lồ trong quy trình điều tra, thậm chí có doanh nghiệp gửi về lượng dữ liệu lên đến 500 MB”, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết.
Những thông tin này sẽ là căn cứ quan trọng để cơ quan điều tra xác định liệu ngành sản xuất trong nước có thiệt hại hay không và nguyên nhân của thiệt hại (nếu có) đến từ đâu. Trong trường hợp có đủ bằng chứng để sơ bộ xác định ngành sản xuất trong nước chịu thiệt hại đáng kể từ hàng nhập khẩu bị bán phá giá, Cục Phòng vệ thương mại sẽ kiến nghị Bộ Công Thương xem xét việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước.
Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, việc điều tra sẽ kết thúc trong vòng 12 tháng kể từ khi có quyết định điều tra. Trong trường hợp đặc biệt, thời gian này có thể được gia hạn nhưng tổng thời gian điều tra không quá 18 tháng.
Thép cuộn cán nóng (thép HRC) là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác.
Hiện nay, ngành sản xuất thép cuộn cán nóng cả nước có 2 doanh nghiệp là Hòa Phát và Formosa, với tổng công suất thiết kế đạt 8,2 triệu tấn/năm. Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, có một phần được xuất khẩu sang các thị trường khác, tỉ lệ là 50:50.
Trong khi đó, EU là thị trường xuất khẩu thép các loại lớn thứ hai của Việt Nam (sau ASEAN), chiếm tỷ trọng khoảng 25%; Ấn Độ đứng thứ 5 với 4%.
Được biết, sản lượng thép cuộn cán nóng quý II/2024 giảm 10% so với quý I/2024 đến từ những khó khăn trong tiêu thụ tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Trong bối cảnh này, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp tham gia, hợp tác đầy đủ trong suốt quá trình Bộ Công Thương điều tra để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, cũng như theo dõi sát thông tin, hợp tác đầy đủ, toàn diện với phía EC và Ấn Độ trong toàn bộ quá trình các vụ việc (bao gồm trả lời các bản câu hỏi điều tra, thẩm tra tại chỗ, tham vấn…). Bên cạnh đó, thường xuyên giữ liên lạc, phối hợp, cung cấp thông tin với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.