Một số bất cập của pháp luật Việt Nam về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp và hướng hoàn thiện

TS. Nguyễn Lan Hương (Giảng viên Khoa Luật, Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:
Chế định đất đai an toàn có vai trò quan trọng đối với việc tăng năng suất đất nông nghiệp vì giúp tạo động lực cho nông dân đầu tư lâu dài vào đất, đặc biệt khi nền kinh tế chuyển dịch sang hướng công nghiệp. Việc sửa đổi pháp luật đất đai qua các giai đoạn ở nước ta đã giúp tăng tính an toàn của quyền đất đai của nông dân. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn còn một số hạn chế về thời hạn và thủ tục gia hạn đối với quyền sử dụng đất nông nghiệp được giao cho nông dân. Bài viết phân  tích một số bất cập của pháp luật hiện hành về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp và đề xuất hướng hoàn thiện.
Từ khóa: Thời hạn, quyền sử dụng đất nông nghiệp, nông dân, chế định đất đai an toàn.

1. Đặt vấn đề
Chế định đất đai an toàn được xem có ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào đất, đặc biệt đối với đất nông nghiệp. Khi quyền đối với đất đai có tính an toàn cao, người có đất nông nghiệp sẽ yên tâm đầu tư lâu dài vào đất, đặc biệt khi nền kinh tế chuyển dịch sang hướng công nghiệp và sản xuất nông nghiệp gặp nhiều thách thức. Qua bốn lần ban hành Luật Đất đai, pháp luật đất đai nước ta đã có những bước tiến nhất định trong việc đảm bảo quyền sử dụng đất cho cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp (sau đây gọi chung là nông dân), góp phần nâng cao tính an toàn của chế định đất nông nghiệp và từ đó tạo động lực cho việc đầu tư dài lâu vào tăng năng suất đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đó, pháp luật hiện hành vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc tăng tính an toàn của quyền sử dụng đất của nông dân. Đặc biệt, hạn chế quan trọng nhất là quy định thời hạn còn ngắn (50 năm cho đất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình, cá nhân). Ngoài ra, tuy pháp luật có quy định gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng chưa chặt chẽ và công bằng cho các chủ thể sử dụng đất nông nghiệp. Với thời hạn sử dụng đất càng dài, càng an toàn thì người nông dân sẽ càng có cơ hội thu lại thành quả đầu tư vào đất của mình nhiều hơn, lâu hơn và ổn định hơn. Do đó, những hạn chế này có thể ảnh hưởng đến tính an toàn của quyền đất đai và có thể làm suy giảm động lực đầu tư lớn và lâu dài vào đất nông nghiệp của nông dân. Trong khi đó, với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại của thế giới nói chung và nước ta nói riêng là tập trung đất cho công nghiệp hóa và đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp giảm nhiều, chất lượng đất suy giảm và hậu quả của biến đổi khí hậu, đầu tư vào đất là một yêu cầu hàng đầu và tất yếu để nâng cao năng suất cũng nhưhiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, để tiếp tục tạo động lực cho người nông dân đầu tư vào đất nông nghiệp, Nhà nước cần có những điều chỉnh hơn nữa về pháp luật, đặc biệt về thời hạn sử dụng đất bên cạnh những điều chỉnh khác.
Bài viết trình bày khái quát quan niệm trên thế giới về chế định đất đai an toàn và mối quan hệ giữa thời hạn của quyền đất đai với chế định đất đai an toàn. Tiếp đến, một số hạn chế của pháp luật hiện hành về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được giao cho nông dân sẽ được trình bày và phân tích. Cuối cùng, người viết đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được giao cho nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa đất nước.
2. Khái quát về chế định đất đai an toàn trên thế giới
2.1. Quan niệm về chế định đất đai an toàn
Chế định đất đai an toàn có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội. Một chế định đất đai dù ở hình thức nào đều mong muốn mang lại sự an toàn cho người có đất để họ yên tâm đầu tư và sử dụng đất đai hiệu quả. Về nguyên tắc, chế định đất đai an toàn mang lại ba lợi ích giúp tăng năng suất đất nông nghiệp: (i) tạo động lực cho nông dân đầu tư vào đất đai; (ii) cải thiện khả năng tài chính của nông dân để có thể đầu tư vào đất thông qua việc thế chấp quyền đất đai để vay vốn; và (iii) tạo thuận lợi cho việc phát triển thị trường đất đai (Feder, 1987). Trong ba lợi ích nêu trên, hai lợi ích đầu trực tiếp tác động đến năng suất nông nghiệp, trong khi lợi ích thứ ba giúp phân phối lại đất đai giữa các nông dân thông qua thị trường đất đai để đất đai được sử dụng hiệu quả hơn. Các lợi ích này làm cho chế định đất đai an toàn trở nên ngày càng quan trọng đối với việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nền nông nghiệp ngày nay gặp nhiều khó khăn như suy giảm diện tích và suy thoái chất lượng đất nông nghiệp bên cạnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chế định đất đai an toàn không phải là một vấn đề mới trên thế giới. Theo Ubink (2009) vấn đề này đã được quan tâm từ những năm 1970 và có nhiều nghiên cứu cả lý thuyết và thực nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một khái niệm thống nhất về chế định đất đai an toàn. Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự đảm bảo của chế định đất đai là một thành tố cấu tạo nên chế định đất đai an toàn và sự an toàn của chế định đất đai là sự cảm nhận của một người về sự đảm bảo của các quyền mà người đó có đối với một mảnh đất. Ví dụ, một nông dân sẽ cảm thấy an tâm về các quyền đất đai của mình nếu người này tin tưởng rằng các quyền đất đai của anh ta không bị tước đoạt trái với ý muốn của anh ta. Với cách lập luận này, Place và cộng sự (1994) đã xây dựng một khái niệm về chế định đất đai an toàn khá đầy đủ và toàn diện và được nhiều nhà nghiên cứu khác đồng ý. Theo các tác giả này, chế định đất đai an toàn cần bao gồm ba nội dung: phạm vi, thời hạn và sự đảm bảo. Phạm vi của chế định đất đai liên quan đến số lượng và chất lượng của các quyền mà một người có được đối với một mảnh đất. Thời hạn liên quan đến khoảng thời gian người đó thụ hưởng các quyền đối với đất đai và sự đảm bảo liên quan đến việc bảo vệ các quyền đất đai này khỏi sự vi phạm của người khác.
2.2. Mối quan hệ giữa chế định đất đai an toàn và thời hạn của quyền đất đai
Chế định đất đai an toàn được tạo thành từ ba yếu tố nêu trên. Do đó, chúng có mối quan hệ với nhau và việc tăng sự an toàn của một thành tố sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn chung của cả chế định đất đai. Thời hạn thụ hưởng các quyền đối với đất đai là một thành tố của chế định đất đai an toàn nên về thời hạn nắm giữ quyền có ảnh hưởng đến sự an toàn của chế định đất đai. Thời hạn quyết định khoảng thời gian bao lâu người nắm giữ quyền đất đai có thể thu lợi từ đất; thời hạn càng dài thì lợi ích thu được càng nhiều. Chính vì vậy, thời hạn sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư và thời gian đầu tư vào đất (Gebremedhin and Swinton, 2003). Thời hạn của quyền đất đai càng dài thì chế định đất đai đó được xem là càng an toàn (Hansted et al., 2009), nhất là một khi các thành tố còn lại không thay đổi. Nói một cách khác đi, nếu phạm vi và sự đảm bảo của chế định đất đai không thể cải thiện hơn được nữa thì việc kéo dài thời gian nắm giữ quyền đất đai sẽ giúp tăng sự an toàn của chế định đất đai.
Tuy nhiên, mặc dù có sự công nhận về sự ảnh hưởng của thời hạn vào sự an toàn của chế định đất đai nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là thời hạn bao lâu sẽ mang lại sự đảm bảo nhất cho quyền đất đai. Điều này thật khó xác định nhưng nguyên tắc chung là thời gian nắm giữ quyền đất đai càng dài thì sự đảm bảo càng cao. Thời hạn nên đủ dài để người có đất đủ thời gian thu nhận được đầy đủ thành quả của việc đầu tư từ công sức, vốn và kỹ thuật vào đất. Như vậy, thời hạn nên được kéo dài nhiều để có thể tăng sự an toàn của chế định đất đai và từ đó khuyến khích nông dân đầu tư nhiều và dài lâu vào đất đai.
3. Một số hạn chế của quy định pháp luật về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được giao cho nông dân
3.1. Hạn chế về cơ sở của quy định pháp luật
Pháp luật được ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo các mục đích nhất định của nhà nước. Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra đối với các quy định của pháp luật về thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân ở nước ta là để đạt được mục đích gì. Các tài liệu mang tính pháp lý để lý giải cho câu hỏi này hầu như không có. Tuy nhiên, chúng ta có thể căn cứ vào tài liệu liên quan đến việc soạn thảo pháp luật đất đai trước đây và sách báo ở Việt Nam để có thể phần nào lý giải mong muốn của nhà làm luật khi ban hành pháp luật về thời hạn.
Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật về Dự án Luật Đất đai năm 1993, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân, hộ gia đình phải được giao có xác định thời hạn để phân biệt và không mâu thuẫn với chế định sở hữu đất đai toàn dân mà Hiến pháp đã quy định, nhất là khi quyền sử dụng đất được cho phép chuyển nhượng trong Dự luật mới. Như vậy, có thể thấy rằng nhà làm luật khi ban hành Luật Đất đai năm 1993 cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nên mục đích của việc xác định thời hạn giao đất nông nghiệp là nhằm phân biệt giữa quyền sở hữu đất đai toàn dân và quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, việc phân biệt này thực chất là không cần thiết vì xét về bản chất, quyền sở hữu đất đai có thể có nhiều cách hiểu, quyền sở hữu đất đai không nhất thiết phải bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.
Ngoài ra, việc lý giải về thời hạn tuy ít nhưng có thể tìm thấy trong một số sách ở nước ta. Trong một giáo trình về Luật Đất đai, các tác giả của tài liệu này cũng đồng quan điểm với Ủy ban Pháp luật khi cho rằng việc xác định thời hạn giao đất nông nghiệp là cần thiết để phân biệt với quyền sở hữu đất đai. Tuy nhiên, nhóm tác giả lý giải thêm một mục đích khác của việc quy định thời hạn xác định của quyền sử dụng đất nông nghiệp khi cho rằng quy định giao đất có thời hạn xác định giúp cho người nông dân yên tâm và chủ động trong việc lập kế hoạch sử dụng và đầu tư vào đất đai hay thế chấp quyền sử dụng đất vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, các lý giải nêu trên cho việc quy định thời hạn giao đất nông nghiệp không còn cần thiết trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của nước ta.
Thứ nhất, quyền sử dụng đất hiện nay ở Việt Nam đã được pháp luật quy định theo hướng mở rộng và có thể xem không khác biệt mấy với quyền sở hữu đất đai được hiểu chung trên thế giới, đặc biệt khi được phép chuyển quyền sử dụng đất và thu hồi đất được bồi thường theo giá thị trường. Quyền sử dụng đất hiện nay ở nước ta được nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài và trong nước xem là quyền sở hữu thực tế (Nguyễn, 2014).
Thứ hai, tuy quyền sử dụng đất cho phép cá nhân, tổ chức tự quản lý việc sử dụng đất của mình nhưng Nhà nước vẫn giữ vai trò là chủ thể quản lý xã hội, trong đó bao gồm cả việc quản lý việc sử dụng đất của cá nhân, tổ chức theo các mục đích Nhà nước mong muốn để đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả. Quyền quản lý đất đai của Nhà nước không thể mất đi cho dù sở hữu đất đai thuộc hình thức sở hữu tư nhân hay nhà nước.
Thứ ba, trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa và đô thị hóa đất nước hiện nay, nông nghiệp ngày càng đối mặt với nhiều thách thức, năng suất đất ngày càng giảm. Nhà nước đặt mục tiêu phát triển công nghiệp, song nông nghiệp phải tăng trưởng để phục vụ cho việc phát triển công nghiệp và yêu cầu của xã hội với dân số ngày càng tăng. Các yêu cầu và thách thức đó đòi hỏi cần có sự đầu tư lớn và lâu dài vào đất để phát triển nông nghiệp. Chính vì vậy, nhiều chính quyền địa phương trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 đã đề nghị tăng thời hạn giao đất nông nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình và thậm chí đề xuất nên bỏ thời hạn giao đất để khuyến khích nông dân đầu tư lâu dài vào đất nông nghiệp.
Thứ tư, mục đích của việc quy định pháp luật về thời hạn giao đất nông nghiệp là để Nhà nước thu hồi đất khi hết hạn nhằm phân chia lại đất đai nông nghiệp dường như không khả thi trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Việc đảm bảo “người cày có ruộng” là cần thiết. Tuy nhiên, khi nền kinh tế của nước ta hiện nay không chỉ có lao động nông nghiệp; lao động nông nghiệp hiện nay chỉ chiếm khoảng 40% trong tổng lao động. Ngoài ra, việc phân chia lại đất nông nghiệp không nhất thiết chỉ bằng con đường hành chính nhà nước. Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế đất nước đã thay đổi, thị trường lao động phi nông nghiệp phát triển, việc phân phối lại đất đai đã chuyển sang cơ chế thị trường và cơ chế này có nhiều ưu điểm và phù hợp hơn cơ chế hành chính. Cơ chế thị trường đảm bảo người có đất yên tâm đầu tư vào đất và một khi không sử dụng đất có thể chuyển dịch đất cho người khác mà vẫn thu lại được vốn đã đầu tư vào đất. Đồng thời, đất đai chuyển dịch từ người có đất sản xuất kém hiệu quả sang người sản xuất hiệu quả hơn.
3.2. Hạn chế về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được giao
Hiện nay, Luật Đất đai năm 2013 đã kéo dài thời hạn giao đất trồng cây hàng năm lên 50 năm, bằng thời hạn giao đất trồng cây lâu năm và quy định gia hạn thời hạn giao đất. Tuy nhiên, thời hạn này vẫn chưa đủ dài để nông dân yên tâm và khuyến khích họ đầu tư dài lâu và vốn lớn vào đất nông nghiệp.
Thứ nhất, ngành Nông nghiệp hiện nay phải đối mặt với nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, thoái hóa đất làm ảnh hưởng đến năng suất đất. Ngoài ra, lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp thường thấp hơn các ngành khác, trong khi đó, đầu tư cho nông nghiệp đòi hỏi lâu dài, nhiều vốn cho phát triển nông nghiệp hàng hóa nhưng khả năng thu hồi vốn chậm.
Thứ hai, đa số nông dân ở nước ta là hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ với nhiều hạn chế về vốn và diện tích đất. Họ cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn và ổn định hơn từ Nhà nước so với các doanh nghiệp, công ty nông nghiệp. Một trong những hỗ trợ đó là việc giao đất với thời hạn dài hơn bởi vì như đã nêu ở trên, thời hạn sử dụng đất ảnh hưởng đến sự an toàn của quyền đất đai. Ngoài ra, do tính chất nhỏ lẻ nên hộ gia đình nông dân đầu tư vào đất không chỉ một lần mà nhiều lần, tích tụ từ đời này sang đời khác, cha truyền con nối và như vậy không thể dùng thời hạn 50 năm để giao cho hộ gia đình hay cá nhân đối với đất nông nghiệp nếu Nhà nước mong muốn người nông dân yên tâm đầu tư lớn, dài lâu và sử dụng đất hiệu quả, bền vững.
Thứ ba, như đã nêu ở trên, nông dân thường hạn chế về vốn nên thường sử dụng đất đai để bảo đảm cho các khoản tín dụng. Trong khi đó, thời hạn sử dụng đất có thể cản trở việc thế chấp quyền sử dụng đất, nhất là một khi quyền sử dụng đất sắp hoặc hết thời hạn. Luật Đất đai hiện hành cho phép gia hạn đất đai tự động; khi hết hạn sử dụng, người sử dụng đất nông nghiệp được giao không cần thực hiện thủ tục gì mà quyền sử dụng đất vẫn được tiếp tục nếu đáp ứng các yêu cầu của pháp luật. Tuy nhiên, về nguyên tắc, Nhà nước còn quy định thời hạn sử dụng đất thì tất nhiên nếu Nhà nước cần thu hồi đất, việc đất hết thời hạn sử dụng sẽ là điều kiện để Nhà nước thu hồi đất không bồi thường. Điều này vẫn treo lơ lửng trên đầu người nông dân một nguy cơ đất được giao cho họ có thể bị thu hồi khi hết hạn sử dụng và quyền đất đai trở nên kém an toàn.
3.3. Hạn chế về thủ tục gia hạn
Tuy Luật Đất đai năm 2013 đã có những cải thiện nhất định về thủ tục gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp được giao cho nông dân nhưng vẫn còn một số hạn chế. Thứ nhất, theo Điều 126 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 74 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), cơ chế gia hạn tự động chỉ áp dụng cho cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Khoản 30 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 có giải thích cụm từ cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có thu nhập ổn định từ việc sản xuất nông nghiệp trên đất đó. Tuy nhiên pháp luật chưa quy định cơ quan có thẩm quyền cũng như tiêu chí xác định cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, việc xác định ai là cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì chỉ người đáp ứng điều kiện đó mới được hưởng quyền gia hạn tự động đối với đất nông nghiệp được giao. Quy định không đầy đủ vừa là kẻ hở cho sự lạm quyền, tham nhũng vừa làm giảm tính an toàn của quyền đất đai.
4. Kết luận và đề xuất
Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều cải tiến, giúp gia tăng sự an toàn của quyền sử dụng đất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình, cá nhân, trong đó có cả quy định gia tăng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và quy định cụ thể hơn về thủ tục và điều kiện gia hạn. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn còn một số hạn chế về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được giao cho nông dân. Các hạn chế này có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của quyền sử dụng đất của nông dân, làm cho người nông dân chưa thực sự yên tâm đầu tư lớn, lâu dài và sử dụng đất bền vững cho phát triển nông nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa đất nước.
Để không ngừng củng cố niềm tin cho người nông dân vào đất nông nghiệp và khuyến khích họ đầu tư dài lâu, lớn và sử dụng đất hiệu quả, bền vững trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, Nhà nước cần tiếp tục xem xét sửa đổi pháp luật về đất đai để gia tăng tính an toàn của quyền sử dụng đất.
Thứ nhất, nhà làm luật cần xem xét lại cơ sở lý luận và thực tiễn của việc quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được giao cho cá nhân, hộ nông dân, nhất là cần đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước. Việc phân định sự khác nhau giữa sở hữu đất đai nông nghiệp với quyền sử dụng đất có còn cần thiết nữa không khi Nhà nước không ngừng xây dựng nhà nước pháp quyền và pháp luật đất đai đã quy định khá đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Thêm vào đó, việc thu hồi đất khi hết hạn để phân chia lại bằng biện pháp hành chính liệu có khả thi và hiệu quả trong điều kiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.
Thứ hai, thủ tục gia hạn tự động tuy có lợi thế về kinh tế và xã hội nhưng cần quy định chặt chẽ để hạn chế sự nhũng nhiễu, quan liêu và cửa quyền của cán bộ, công chức trong việc thực hiện pháp luật. Pháp luật cần quy định rõ cơ quan có thẩm quyền cũng như tiêu chí cụ thể để xác định cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, việc kiểm tra, thanh tra về thủ tục gia hạn nên tiến hành định kỳ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm.
Thứ ba, để có thể giải quyết mấu chốt của các hạn chế nêu trên, Nhà nước cần xem xét kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình, cá nhân theo hướng vô thời hạn. Giao đất nông nghiệp cho nông dân cần tính đến yếu tố ổn định và bền vững để gia tăng sự yên tâm cho nông dân đầu tư, phát triển nông nghiệp bền vững. Sản xuất nông nghiệp của cá nhân, hộ gia đình cần có sự duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác và cần có sự đầu tư theo hướng tích lũy dần qua thời gian để bồi bổ cho đất, nhất là khi khả năng tài chính của nông dân hạn chế. Giao đất vô thời hạn sẽ giúp nông dân yên tâm hơn khi đầu tư cho đất nông nghiệp, bởi vì sự an toàn của quyền đất đai được tăng lên khi thời hạn sử dụng đất tăng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Luật Đất đai năm 2013.
2. Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
3. Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
4. Đại học Luật Hà nội (2006), Giáo trình Luật Đất đai, Nxb. Tư Pháp.
5. Feder, G. (1987), Land ownership security and farm productivity: Evidence from Thailand. Journal of Development Studies, Vol. 24, Issue 1.
6. Gebremedhin, B. and S. M. Swinton (2003), Investment in soil conservation in northern Ethiopia: the role of land tenure security and public programs. Agricultural Economics, Vol. 29, Issue 1.
7. Hanstad, T. et al. (2009), Poverty, Law and Land Tenure Reform. In: Prosterman, R. L. et al. (editors), One Billion Rising: Law, Land and the Alleviation of Global Poverty, Leiden University Press.
8. Nguyen Lan Huong (2014), Farmers land tenure security in Vietnam and China: legislative changes and challenges, the University of Groningen. 251 pp.
9. Place, F. et al. (1994), Land tenure security and agricultural performance in Africa: Overview of research methodology. In: Bruce, J. W. and S. E. Migot-Adholla, (editors). Searching for land tenure security in Africa. Kendall/Hunt Publishing Company.
10. Tổng cục Thống kê (2017), Báo cáo điều tra lao động việc làm: Quý 4/2017, Tổng cục Thống kê, Hà Nội.
11. Ubink, J. M. (2009) Legalising Land Rights in Africa, Asia and Latin America: An Introduction. In: Ubink, J. M. et al. (editors). Legalising Land Rights: Local Practices, State Responses and Tenure Security in Africa, Asia and Latin America. Leiden University Press. 618 pp.
12. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong: Văn kiện Quốc hội toàn tập: Tập VIII (1992-1997) - Quyển 1 (1992-1993), Nxb. Chính trị Quốc gia.

LIMITATIONS OF THE VIETNAMESE LAW ON DURATION OF FARMERS LAND USE RIGHTS AND SUGGESTIONS

Dr. Nguyen Lan Huong

Lecturer of Faculty of Law, Can Tho University

ABSTRACT:

Land tenure security is important to enhance farmer’s incentive in land investment and to agricultural development, especially in a transitional economy. The security of farmer’s land use rights has been significantly improved in Vietnam in recent years. However, there remain limits related to the law on duration of farmer’s land use rights and renewal procedures. This article addresses some of the imperfections of the existing Vietnamese law on farmers land use right duration and makes suggestions to improve it.

Keywords: Duration, arable land use rights, farmers, land tenure security.