Một số quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đề xuất và kiến nghị

Xung quanh vấn đề lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam, Chúng tôi nhân được các nhóm câu hỏi, đề xuất của bạn đọc : (I) Đối tượng nào được sử dụng? (II).Lao động phải đáp ứng điều kiện gì? (III) Th
Bạn đọc hỏi và đề xuất : Xung quanh vấn đề lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam, chúng tôi nhân được các nhóm câu hỏi, đề xuất của bạn đọc : (I) Đối tượng nào được sử dụng? (II).Lao động phải đáp ứng điều kiện gì? (III) Thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài ? (IV) Quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động đối với người lao động  nước ngoài? (V). Đề xuất, kiến nghị  khi tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài.

 

Trả lời:  

(I) Đối tượng nào được sử dụng?

 

Khoản 1 Điều 132 Bộ Luật Lao động hiện hành quy định  như sau: “Đối với công việc đòi hỏi kỹ thuật cao hoặc công việc quản lý mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được, thì doanh nghiệp được tuyển một tỷ lệ lao động nước ngoài cho một thời hạn nhất định nhưng phải có chương trình, kế hoạch đào tạo người lao động Việt Nam để sớm làm được công việc đó và thay thế họ theo quy định của Chính phủ.”

 

Mục I, Khoản 1, Thông tư số 08/2008/TT-BLĐTBXH ngày 10/6/2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, quy định:

 

1. Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo các hình thức sau: Thực hiện hợp đồng lao động với doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam; Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp có hiện diện thương mại tại Việt Nam; Thực hiện các loại hợp đồng về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế; Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; Chào bán dịch vụ; Người nước ngoài đại diện cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam theo Luật Quốc tịch Việt Nam, Nghị định giải thích rõ nội hàm của những từ ngữ chỉ công việc, nghề nghiệp, chức danh nêu trên.

 

2. Doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng người nước ngoài, bao gồm: Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư...; Các nhà thầu (thầu chính, thầu phụ) nước ngoài nhận thầu tại Việt Nam;  Văn phòng đại diện, chi nhánh của các tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế;  Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; tổ chức phi chính phủ; Các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; Các cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao (kể cả các cơ sở thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư)...; Văn phòng dự án nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt Nam; Văn phòng điều hành của bên hợp doanh nước ngoài theo hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam; Các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

 

(II).Lao động phải đáp ứng điều kiện gì?

Điều 3, Nghị định 34/2008/NĐ-CP, quy định người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện sau :

1. Đủ 18 tuổi trở lên;

2. Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;

3. Là nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia theo quy định :

a. Nhà quản lý, Giám đốc điều hành là những người nước ngoài trực tiếp quản lý doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, chỉ chịu sự giám sát hoặc chỉ đạo chung từ hội đồng quản trị hoặc các cổ đông của doanh nghiệp hoặc cấp tương đương; quản lý doanh nghiệp bao gồm việc chỉ đạo doanh nghiệp đó hoặc một phòng, ban hoặc một đơn vị trực thuộc của hiện diện thương mại, giám sát và kiểm soát công việc của các nhân viên chuyên môn, nhân viên quản lý hoặc nhân viên giám sát khác, có quyền thuê và sa thải hoặc kiến nghị thuê, sa thải hoặc các hoạt động về nhân sự khác. Các nhà quản lý, giám đốc điều hành này không trực tiếp thực hiện các công việc liên quan đến việc cung cấp dịch vụ của hiện diện thương mại.

 

b. Chuyên gia là người nước ngoài có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao về dịch vụ, thiết bị nghiên cứu, kỹ thuật hay quản lý (bao gồm kỹ sư hoặc người có trình độ tương đương kỹ sư trở lên; nghệ nhân những ngành nghề truyền thống) và người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất, kinh doanh và những công việc quản lý.

 

Đối với người nước ngoài xin vào hành nghề y, dược tư nhân, trực tiếp khám, chữa bệnh tại Việt Nam hoặc làm việc trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề phải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về hành nghề y, dược tư nhân hoặc về giáo dục, dạy nghề.

 

4. Không có tiền án về tội vi phạm an ninh quốc gia; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.

 

5. Có giấy phép lao động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

 

(III) Thủ tục cấp  giấy phép lao động cho người nước ngoài ?

Cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động, cấp lại giấy phép lao động quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Nghị định 34/2008/NĐ-CP và Mục II Thông tư số 08/2008/TT-BLĐTBXH;  Trước thời hạn ít nhất 20 (hai mươi) ngày, kể từ ngày người nước ngoài dự kiến bắt đầu làm phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi người nước ngoài thường xuyên làm việc. Thời hạn gia hạn tối đa cho mỗi lần gia hạn là 36 (ba mươi sáu) tháng...

 

Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam không phải có giấy phép lao động quy định tại Khoản 1, Điều 1, Nghị định 34/2008/NĐ-CP : Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc với thời hạn dưới 03 (ba) tháng; Người nước ngoài là thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;  Người nước ngoài là chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Người nước ngoài là thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần; Người nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện chào bán dịch vụ; Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc để xử lý các trường hợp khẩn cấp như: những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được có thời gian trên 03 (ba) tháng thì hết 03 (ba) tháng làm việc tại Việt Nam, người nước ngoài phải làm thủ tục đăng ký cấp giấy phép lao động theo quy định tại Nghị định này; Luật sư nước ngoài đã được Bộ Tư pháp cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

 

(IV) Quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động đối với người lao động  nước ngoài ?

 

Điều 16, Nghị định 113/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính vi phạm những quy định về lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam:

“ 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm sau đây :

a) Người nước ngoài có hành vi đánh đập, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;

b) Người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài không có giấy phép lao động.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi tuyển người lao động nước ngoài quá tỷ lệ quy định; không có kế hoạch đào tạo lao động Việt Nam  thay thế lao động nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 132 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;

3. Xử phạt bằng hình thức trục xuất đối với người lao động nước ngoài khi vi phạm một trong những hành vi sau :

a) Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ đủ 3 tháng trở lên không có giấy phép lao động hoặc sử dụng giấy phép lao động đã hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 133 của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;

b) Vi phạm tới lần thứ hai đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

Việc trục xuất phải tiến hành đúng thẩm quyền và thủ tục theo quy định của pháp luật.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả :

Người sử dụng lao động phải sử dụng lao động là người nước ngoài theo đúng tỷ lệ; xây dựng kế hoạch đào tạo người Việt Nam thay thế lao động nước ngoài đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này”

 

    (V). Đề xuất, kiến nghị  khi tuyển dụng, quản lý lao động nước ngoài?

Theo thống kê mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, có hơn 75.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong đó TP.HCM dẫn đầu về lao động nước ngoài với con số ước tính khoảng trên 50.000 người. Tại thời điểm kiểm tra, khảo sát chỉ chiếm 37,9% lao động nước được cấp giấy phép trong đó:  TP HCM (29,3%), Hà Nội (39,1%), Quảng Ninh (10,3%), Tây Ninh (72,1%), TP Hải Phòng (57,7%), Lâm Đồng (18,7%)… Hơn nửa tổng số lao động nước chưa được cấp phép. (VNN- tháng 6-2009)

 

 Tổng hợp trao đổi, kiến nghị của bạn đọc và người trả lời:

- Trước hết, cơ quan chức năng phối hợp với thanh tra lao động kiểm tra giấy phép lao động ở các nơi sử dụng lao động, xử phạt hành chính: phạt tiền và trục xuất theo pháp luật;

- Bổ sung Nghị định số 34/2008/NĐ-CP : Yêu cầu từng người lao động nước ngoài phải định kỳ xuất trình bản chính giấy phép lao động cho người sử dụng lao động bên Việt Nam để tránh trường hợp đổi người, hướng dẫn gia hạn, cấp lại giấy phép. Tiếp đó, bổ sung Thông tư 08/2008/TT-BLĐTBXH về mẫu biểu khai báo.

- Khi tuyển dụng lao động cần phỏng vấn lao động nhập cư. Cần có những chuyên gia làm việc khách quan, kiểm tra hồ sơ cấp phép.

- Kiểm tra việc thực hiện Khoản 1, Điều 1, Nghị định 34/2008/NĐ-CP để tránh các đối tượng lợi dụng để không phải cấp giấy phép, đối tượng sau ba tháng mới phải cấp giấy phép. Vấn đề là chúng ta vận hành tốt thủ tục hành chính thay cho các ưu đãi dễ để các bên lợi dụng, dẫn đến số lao động không có giấy phép tăng lên.

- Các doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo lao động, không vì sức ép của đối tác hay công việc mà lơi lỏng tuyển dụng.

- Tuyên truyền pháp luật, văn hóa Việt Nam (bản dịch ra tiếng nước ngoài) đến người lao động nước ngoài để tránh những vi phạm. Một số Điều của các Luật cần truyên truyền, giải đáp: Bộ Luật Hình sự, Lao động; Giao thông đường bộ; Các tiêu chí cấp chứng chỉ hành nghề ở Việt Nam; Nghị định 34/2008/NĐ-CP, Thông tư 08/2008/TT-BLĐTBXH; các quy định về an toàn lao động, bảo vệ môi trường; hướng dẫn văn hóa, phong tục tập quán người Việt Nam,...

- Tuyên truyền pháp luật đến với người sử dụng lao động, nhân dân khu vực người lao động nước ngoài tạm trú để có sự hướng dẫn, chia sẻ, giúp người lao động nước ngoài làm việc tốt.

 

Người thực hiện : TS. Nguyễn Mạnh Hùng