Một số vấn đề về tổ chức đấu thầu tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam

NGUYỄN ANH CHUNG (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) - TRẦN THỊ HƯƠNG (Đại học Mỏ Địa chất)

TÓM TẮT:

Tại Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) hiện nay, công tác tổ chức đấu thầu có một số ưu điểm, là: thời gian lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu khá nhanh, giải phóng mặt bằng linh hoạt,… Tuy nhiên, hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu còn hạn chế. Bài viết đã nêu thực trạng công tác đấu thầu, cũng như đưa ra một số giải pháp góp phần giúp Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng ngành BHXH Việt Nam tăng hiệu quả trong quản lý vốn đầu tư công và quản lý, hoàn thành dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ đã được phê duyệt. 

Từ khóa: Tổ chức đấu thầu, bảo hiểm xã hội, đầu tư xây dựng.

1. Đặt vấn đề

Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế (Luật Đấu thầu 2013).

Đấu thầu là cách thức giúp bên mời thầu lựa chọn được nhà thầu. Nếu như không bị ràng buộc bởi các điều kiện khác, chủ đầu tư sẽ tìm những nhà cung cấp đầu vào tốt nhất cũng như  khai thác tốt nhất kết quả đầu tư. Bên cạnh đó đấu thầu nghiêm túc và công bằng còn giúp bên mời thầu tạo sự tin tưởng, đồng thời tạo được sự nghiêm túc trong việc thực hiện đấu thầu của các nhà thầu.

Ngoài ra việc đấu thầu còn giúp bên nhà thầu có thể nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa giá thành. Để có thể trúng thầu đòi hỏi tính cạnh tranh trong chất lượng và giá sản phẩm của nhà thầu là tương đối cao.

Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng ngành BHXH (Ban QLDA) đã được thành lập với mục đính là hình thành một ban quản lý dự án chuyên ngành, thực hiện nhiệm vụ do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao, thực hiện trách nhiệm Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của Ngành BHXH trên phạm vi toàn quốc. Trong quá trình triển khai thực hiện đấu thầu, còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, cơ cấu tổ chức và nhân sự còn nhiều hạn chế, các văn bản pháp luật liên quan đến xây dựng và đấu thầu thường xuyên được bổ sung, điều chỉnh. Điều này đòi hỏi Ban QLDA cần phải có biện pháp hoàn thiện công tác đấu thầu các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tại đơn vị để tăng cường hiệu quả quản lý nguồn đầu tư xây dựng cơ bản của Ngành BHXH, đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ của Ngành giao và yêu cầu ngày càng chặt chẽ của các quy định pháp luật.

2. Thực trạng tổ chức đấu thầu tại Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng ngành BHXH

2.1. Công tác lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu

Công tác lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu tại Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng ngành BHXH hiện nay có đầy đủ căn cứ, đấu thầu tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.

- Về  việc  phân  chia  gói  thầu,  số  lượng  gói  thầu  được  chia  trong các dự  án tương đối lớn, các gói thầu tư vấn (nói chung) áp dụng hình thức chỉ  định thầu  vẫn  chiếm  tỷ  lệ  không  nhỏ,  hình thức  đấu  thầu rộng rãi được áp dụng chủ yếu với các gói và xây lắp, các gói thầu Tư vấn thiết kế, Kiểm toán,…

- Các gói thầu đa phần đã được xác định chính xác khối lượng công việc và được áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói. Đối với các gói thầu không thể xác định chính xác khối lượng công việc được áp dụng hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Thời gian thẩm định và trình duyệt kết quả đấu thầu khá nhanh và được thể hiện qua Bảng 1:

  Bảng 1. Thời gian thẩm định và trình duyệt kết quả đấu thầu

       

Bảng

Loại hồ sơ

ĐVT

Thời gian thẩm định

Thời gian phê duyệt

Tổng cộng

1- Kế hoạch đấu thầu

 

 

 

 

Dự án nhóm B, C

Ngày

7

7

14

2- Hồ sơ mời thầu

 

Thời gian thẩm định và phê duyệt

 

Hồ sơ mời thầu các gói thầu

Ngày

7

5

12

2.2. Về hình thức lựa chọn nhà đấu thầu

Giai đoạn 2017-2019, Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng ngành BHXH đang sử dụng hai hình thức đấu thầu là đấu thấu rộng rãi và chỉ định thầu.

Đối với đấu thầu rộng rãi, các gói thầu tại Ban QLDA đều được đăng tải thông tin và kết quả trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Một số gói thầu được áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng.

Đối với các gói thầu sử dụng hình thức đấu thầu là chỉ định thầu, đây là gói thầu có giá trị nằm trong hạn mức chỉ định thầu quy định tại Điều 54, Nghị định 63/NĐ-CP hoặc các gói thầu Tư vấn áp dụng hình thức chỉ định nhà thầu Tư vấn thiết kế đối với các công trình tuyển chọn phương án kiến trúc theo quy định tại Điều 12, Thông tư 13/2016/TT-BXD. Thông tin kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu được Ban QLDA đăng tải đầy đủ trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Cụ thể kết quả đấu thầu theo hình thức lựa chọn nhà thầu giai đoạn 2017-2019 được thể hiện qua Bảng 2:

 Bảng 2. Tổng hợp kết quả đấu thầu theo hình thức lựa chọn nhà thầu

         

ĐVT: Gói thầu

STT

Hình thức lựa chọn nhà thầu

2017

2018

2019

Tổng

Số lượng

Tỷ trọng (%)

Số lượng

Tỷ trọng (%)

Số lượng

Tỷ trọng (%)

1

Đấu thầu rộng rãi

25

34

42

57

46

62

113

2

Chỉ định thầu

49

66

66

89

81

109

196

2.1

Chỉ định thầu 1 giai đoạn 1 túi HS

0

0

0

0

5

7

5

2.2

Chỉ định thầu rút gọn

49

66

66

89

76

103

191

Tổng

74

100

108

146

127

172

309

Xét trên toàn hệ thống BHXH, hình thức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi chiếm tỷ trọng lớn, tuy nhiên nếu xét riêng tại Ban QLDA đầu tư và Xây dựng ngành BHXH thì hình thức chỉ định thầu đang chiếm tỉ trọng lớn. Tuy nhiên, các gói thầu mà Ban QLDA tổ chức lựa chọn nhà thầu dưới hình thức chỉ định thầu đều là các gói thầu có quy mô tính chất, giá trị nằm trong hạn mức chỉ định thầu được pháp luật quy định.

2.3. Phương pháp lập và đánh giá hồ sơ mời thầu

Các gói thầu được tổ chức đấu thầu tại Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng ngành BHXH chủ yếu là các gói thầu tuyển chọn Tư vấn thiết kế và gói thầu xây lắp. Việc lập hồ sơ mời thầu đã thực hiện theo quyết định phê duyệt dự án, tuân thủ theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định, chính sách của Nhà nước.

Khi xây dựng Hồ sơ mời thầu, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành BHXH căn cứ theo hướng dẫn tại Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT để xây dựng hồ sơ mời thầu cho gói thầu xây lắp và Thông tư 01/2015/TT-BKHĐT để xây dựng hồ sơ mời thầu cho gói thầu tư vấn. Đơn vị đã xây dựng một thang bảng điểm trong hồ sơ mời thầu làm căn cứ đánh giá Hồ sơ dự thầu. Hồ sơ dự thầu được đánh giá ở các mặt từ kinh nghiệm của nhà thầu, phương pháp luận đến nhân sự.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện gói thầu, Ban QLDA cần sát sao trong việc kiểm tra các điều kiện đã được đưa ra trong hồ sơ dự thầu. Đảm bảo nhà thầu thực hiện đúng theo cam kết trong hồ sơ dự thầu.

3. Một số giải pháp

Nhìn chung hiện nay công tác đấu thầu dự án đầu tư xây dựng tại Ban QLDA Đầu tư và Xây ngành BHXH đang thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước. Công tác đấu thầu diễn ra nghiêm túc, đảm bảo yêu cầu minh bạch, công khai trong quá trình đấu thầu. Việc lựa chọn nhà thầu đảm bảo minh bạch, đúng quy định ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tổ chức đấu thầu, Ban QLDA còn gặp phải một số khó khăn vướng mắc về nhân sự, về kỹ thuật thông báo thông tin mời thầu, chất lượng lập hồ sơ mời thầu, chất lượng công trình,…

3.1. Về hồ sơ mời thầu

Ban QLDA phải chi tiết các tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự toán trong hồ sơ mời thầu đến mức cụ thể bao gồm tiêu chí đánh giá, nội dung các tiêu chí, tỉ trọng của từng nội dung. Các tiêu chí không được đưa ra một cách hời hợt, không chú trọng dẫn tới khúc mắc khó hiểu cho nhà thầu. Mặt khác, các tiêu chí, tiêu chuẩn đưa ra trong hồ sơ mời thầu phải đảm bảo được xây dựng để Chủ đầu tư có khả năng lựa chọn được các loại vật tư vật liệu, thiết bị đạt tiêu chuẩn kỹ thuật như hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt nhưng lại không được có tính chất hạn chế nhà thầu.  

Đặc biệt khi có Chỉ thị số 47/CT-TTg 2017 của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn ngân sách nhà nước, không cho phép bên mời thầu yêu cầu nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng BHXH, phải là nhân sự đang ký hợp đồng với nhà thầu, thiết bị thi công phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê, đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể,... hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu… Nội dung trên của Chỉ thị đã khiến nhiều nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực, chây ỳ nợ tiền bảo hiểm tham gia dự thầu mà chủ đầu tư khi đánh giá không đủ điều kiện sẽ yêu cầu làm rõ, hoặc khiếu kiện.

Với đặc thù là đơn vị trực thuộc Chính phủ, được giao nhiệm vụ chính là an sinh xã hội. Công tác yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị đóng đúng, đóng đủ BHXH cũng là một trong những nhiệm vụ của Ngành BHXH. Do vậy, không thể để các nhà thầu chây ỳ nợ đọng BHXH, vi phạm Luật BHXH số 58/2014/QH13 lại thực hiện các dự án của Ngành BHXH nói chung và tiếp tục tham gia hoạt động xây dựng nói riêng khi đã vi phạm quy định pháp luât.

Tuy nhiên cần hiểu rõ nội dung của Chỉ thị, có thể chấp nhận nhà thầu sử dụng nhân công, tài sản đi thuê. Nhưng việc đóng BHXH cho người lao động của nhà thầu là yêu cầu bắt buộc và được quy định tại Luật BHXH.

Vì vậy, Ban QLDA đã chủ động xây dựng trong hồ sơ mời thầu đơn vị tham gia dự thầu phải chứng minh hoàn thành nghĩa vụ BHXH của đơn vị có xác nhận của BHXH địa phương trong thời gian trước khi tham gia dự thầu.

3.2. Đối với công tác quản lý hoạt động của các nhà thầu

Ban QLDA cần tổ chức quản lý chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng của các nhà thầu, không được để cho tình trạng chi phí phát sinh hay tiến độ công việc bị kéo dài, hoặc chất lượng công trình bị giảm sút so với thiết kế. Đặc biệt đây là những công trình sử dụng chủ yếu là vốn ngân sách nhà nước, các công trình phục vụ cho chính ngành BHXH, chất lượng công trình ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của cán bộ công nhân viên của Ngành, ảnh hưởng tới năng lực hoạt động của Ngành, khả năng phục vụ người dân và khả năng đáp ứng được nhiệm vụ chính trị của Ngành BHXH với vai trò là trụ cột an sinh xã hội, là đơn vị cung cấp 01/06 cơ sở dữ liệu quốc gia theo Quyết định số 714/QĐ-TTg.

Để làm được điều này đòi hỏi Ban QLDA phải bố trí các chuyên viên của Ban là các chuyên viên của Phòng quản lý dự án để giám sát việc thực hiện theo thiết kế, tiến độ dự án đã được phê duyêt; chuyên viên của Phòng Tài chính kế toán để giám sát việc phân bổ chi phí của từng dự án dù ở bất kỳ địa phương nào.

3.3. Đối với hình thức lựa chọn nhà thầu

Mặc dù đấu thầu rộng rãi có nhiều ưu điểm đối với Ban QLDA trong quá trình thực hiện gói thầu nhưng trong một số trường hợp đặc biệt gói thầu của Ban là những công trình, hạng mục công trình, công việc đặc biệt quan trọng và có cả sự phức tạp trong khâu thi công. Ban QLDA cần mạnh dạn nghiên cứu để trình người quyết định đầu tư vận dụng các quy định của pháp luật sử dụng hình thức lựa chọn nhà thầu hợp lý hơn, đó là hình thức đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu. Đây là hình thức mà Ban QLDA có thể tiết kiệm được thời gian trong việc tiếp nhận, xem xét đánh giá các hồ sơ dự thầu, hồ sơ sơ tuyển để đảm bảo cho dự án được đi vào thực hiện đúng tiến độ, tiết kiệm được thời gian.

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ đấu thầu theo phương thức rộng rãi tại Ban QLDA còn chiếm tỷ lệ nhỏ (dưới 40%). Tuy đó chỉ là các gói thầu có quy mô và hạn mức trong giới hạn chỉ định thầu theo quy định của pháp luật nhưng điều này cũng gây hạn chế cho Ban trong việc tiết kiệm chi phí sử dụng vốn. Do vậy thời gian tới, Ban QLDA cũng cần cân nhắc giữa tiến độ thực hiện của từng dự án, dự kiến thời gian lựa chọn nhà thầu, giá trị tiết kiệm nguồn vốn đầu tư công khi sử dụng phương án đấu thầu rộng rãi để chủ động trình người quyết định đầu tư sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi kể cả đối với các gói thầu trong hạn mức chỉ định thầu. Đảm bảo lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực, có chất lượng và đặc biệt là tiết kiệm được chi phí sử dụng vốn.

4. Kết luận

Tổ chức công tác đấu thầu là công việc hết sức quan trọng, quyết định đến việc chọn ra được một nhà thầu có trình độ, có chuyên môn tốt nhất mà chi phí bỏ ra là thấp nhất. Tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành BHXH hiện nay, công tác tổ chức đấu thầu có một số ưu điểm là thời gian lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu khá nhanh, giải phóng mặt bằng linh hoạt,… Tuy nhiên, hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu còn hạn chế. Cần phát triển hơn nữa hình thức đấu thầu rộng rãi để đảm bảo tính công bằng trong đấu thầu. Bên cạnh đó, căn cứ vào các quy định của pháp luật về đấu thầu việc linh hoạt trong phương án tiến hành lựa chọn nhà thầu căn cứ vào tiến độ cụ thể của từng dự án cũng góp phần giúp Ban QLDA tăng hiệu quả trong quản lý vốn đầu tư công và quản lý, hoàn thành dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ đã được phê duyệt. 

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2014), Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
  2. Quốc hội (2013), Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.
  3. Quốc hội (2014), Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13.
  4. Quốc hội (2014), Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 27/11/2015 Về cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN.
  6. Thủ tướng Chính phủ (2017), Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
  7. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 ban hành danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử.

Some issues concerning the bidding activities of the Management Board of Construction Investment Project of Vietnam Social Insurance

Nguyen Anh Chung

Vietnam Social Insurance

Tran Thi Huong

Hanoi University of Mining and Geology

ABSTRACT:

The bidding activities which are organized by the Management Board of Construction Investment Project of Vietnam Social Insurance have some advantages, such as: fast preparation and approval for bidding plans and flexible site clearance. However, the form and method of contractor selection are limited. This article presents the current situation of the bidding activities and proposes some solutions to help the Management Board of Construction Investment Project enhance the efficiency in public investment management and management in order to ensure the quality and timeline of approved projects.

Keywords: Bidding organization, social insurance, construction investment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]