Thông tư quy định rõ về nội dung chi và mức chi hỗ trợ cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.
Trong đó, Điều 14, Thông tư quy định về chi hỗ trợ thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cụ thể:
Hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh
- Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tại hiện trường, nhưng không quá 30 triệu đồng/khóa đào tạo, tối đa 05 khóa/mô hình;
- Hỗ trợ 100% chi phí hợp đồng đặt hàng các cơ sở viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng và tối đa 05 hợp đồng/mô hình;
- Hỗ trợ 75% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tối đa 150 triệu đồng/mô hình.
Hỗ trợ chi phí vận hành các dự án "Trung tâm hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" tại các trường đại học và Văn phòng điều phối Chương trình thuộc Ủy ban Dân tộc gồm:
- Hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử, hệ thống cơ sở dữ liệu, cổng kết nối điện tử hỗ trợ trực tuyến theo dự án hoặc đề cương chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa 01 tỷ đồng/trung tâm;
- Hỗ trợ gian hàng kết nối, giới thiệu sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi và thu hút đầu tư (theo hình thức trực tuyến và trực tiếp), mức hỗ trợ tối đa 400 triệu đồng/trung tâm (không bao gồm kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa);
- Hỗ trợ triển khai các khóa tập huấn khởi sự kinh doanh cho người dân tộc thiểu số, doanh nghiệp, hợp tác xã tại khu vực đặc biệt khó khăn: Tối đa 150 triệu đồng/lớp và không quá 05 lớp/năm;
- Hỗ trợ tổ chức chương trình ngày hội kết nối khởi nghiệp dân tộc thiểu số; các cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh: Mức hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/chương trình và không quá 02 chương trình/năm; tối đa 330 triệu đồng/cuộc thi và không quá 01 cuộc thi/năm;
- Hỗ trợ hoạt động quảng cáo, tuyên truyền theo mức tối đa 300 triệu đồng/năm và không quá 03 năm.
Thông tư này áp dụng đối với:
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng, quyết toán và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thông tư này không áp dụng đối với:
- Các khoản tài trợ, viện trợ thuộc ngân sách nhà nước đã có hướng dẫn riêng của cấp có thẩm quyền về chế độ chi tiêu tài chính;
- Các nội dung hoạt động của các dự án, tiểu dự án, nội dung, nội dung thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia được bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
1. Ngân sách trung ương:
a) Bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương để thực hiện nhiệm vụ được giao của các Chương trình mục tiêu quốc gia;
b) Bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để triển khai các dự án, tiêu dự án, nội dung và nội dung thành phần của các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại các Quyết định: số 39/2021/QĐ-TTg, số 18/2023/QĐ-TTg, số 02/2022/QĐ-TTg, số 07/2022/QĐ-TTg và số 880/QĐ-TTg.
2. Ngân sách địa phương
Các địa phương chủ động bố trí kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án, nội dung, nội dung thành phần của các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn theo quy định tại các Quyết định: số 1719/QĐ-TTg, số 90/QĐ-TTg, số 263/QĐ-TTg, số 39/2021/QĐ-TT& số 18/2023/QĐ-TTg, số Q2/2022/QĐ-TTg, số 07/2022/QĐ-TTg và số 880/QĐ-TTg.