Thị trường ngày 28/1/2020 (tức mùng 4 Tết) đã sôi động hơn rất nhiều so với ngày mùng 3. Các chợ, Siêu thị, cửa hàng tiện ích, Trung tâm thương mại tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã kinh doanh trở lại bình thường.
Ngày mùng 4 Tết, nguồn cung các mặt hàng thực phẩm tuy chưa nhiều nhưng vẫn đáp ứng tốt được nhu cầu của người tiêu dùng. Giá cả các hàng hóa tại hệ thống siêu thị ổn định, không tăng so với thời điểm trước Tết.
Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng ổn định so với những ngày giáp Tết và ở mức cao so với ngày thường. Nhìn chung, thị trường diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, gây bất ổn thị trường.
Giá cả một số hàng hoá thiết yếu trong ngày mùng 4 Tết như: mặt hàng lương thực giá ổn định, giá các loại gạo tẻ thường từ 12.000-13.000đ/kg; gạo chất lượng cao (tám xoan, tám Hải Hậu) từ 18.000-25.000 đ/kg, gạo nếp 25.000-33.000đ/kg.
Với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá cả ổn định tại các siêu thị. Tại một số chợ lẻ, giá cả ổn định hơn so với ngày mùng 3 Tết nhưng vẫn cao hơn so với ngày 30 Tết.
Cụ thể, giá thịt mông sấn 170.000-200.000đ/kg (miền Bắc), 130.000-140.000đ/kg (miền Nam), giá thịt lợn thăn 150.000-170.000đ/kg (miền Nam) 200.000-250.000 đ/kg (miền Bắc); thịt bò thăn loại I từ 280.000-350.000đ/kg; giá gà ta lông 120.000-150.000đ/kg; giá tôm sú (loại 26-30 con/kg): 500.000 - 600.000đ/kg, cá trắm: 100.000-120.000đ/kg.
Giá các loại rau xanh, củ, quả đã được ổn định, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với ngày thường do thời tiết mưa rét tại các tỉnh phía Bắc. Các tỉnh phía Nam, giá rau củ tương đối ổn định. Cụ thể: bắp cải 10.000 - 15.000 đ/kg, su hào: 8.000-10.000 đ/củ, xà lách: 15.000 - 20.000 đ/kg, cà chua: 15.000 - 20.000 đ/kg (tùy địa phương), khoai tây: 12.000 - 20.000 đ/kg, súp lơ: 12.000 - 20.000 đ/cây...
Giá các loại trái cây tăng nhẹ do nhu cầu đi lễ đầu năm: thanh long 50.000-65.000 đ/kg; cam canh 50.000-70.000 đ/kg; bưởi da xanh 70.000-90.000 đ/kg; xoài cát chu 50.000-65.000 đ/kg; dưa hấu 20.000-25.000đ/kg…
Trong ngày mùng 4 Tết, giá cả hàng hóa ổn định, đáp ứng yêu cầu của người dân, riêng giá dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống ở các điểm danh lam thắng cảnh, đình, chùa, các điểm vui chơi có cao hơn so với ngày thường.
Tại một số địa phương hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí tại các địa điểm, trung tâm giải trí, khu du lịch bắt đầu diễn ra, thu hút được nhiều người dân tới tham quan vui chơi, giải trí, Bộ Công Thương thông tin.
Dự báo thị trường một số hàng hoá thiết yếu trong ngày mùng 5 Tết, Bộ Công Thương cho biết, các địa phương sẽ có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa hoạt động trở lại, lượng hàng sẽ nhiều hơn, các mặt hàng cũng sẽ đa dạng hơn.
Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa cao, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản, giá các mặt hàng này sẽ ở mức tương đương với trước Tết, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến.
Sau kỳ nghỉ, việc cung ứng sẽ đầy đủ, chủ động hơn khi tất cả các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn nước ngoài) sản xuất vận hành trở lại, nhu cầu tăng và giá cả sẽ được chủ động điều chỉnh, tăng doanh thu của các doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, trong ngày mùng 4 Tết, công tác kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường của lực lượng quản lý thị trường cả nước luôn được túc trực 24/24. Các lực lượng chức năng chưa phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; chưa phát hiện, xử lý vụ việc vi phạm về vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép.
Đặc biệt, trong những ngày gần đây, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các Phòng, Đội Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ quan có liên quan trong công tác tuyên truyền phòng chống và kiểm soát bệnh dịch Corona.