Mỳ ăn liền của Việt Nam không còn bị kiểm soát an toàn thực phẩm tại EU

Ủy ban Châu Âu vừa đưa mỳ ăn liền của Việt Nam ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm tại EU vì đáp ứng các quy định của EU. Quy định này có hiệu lực từ ngày 02/7/2024.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, ngày 12/6/2024, Ủy ban Châu Âu đã đăng Công báo Quy định số 2024/1662 ký ngày 11/6/2024 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào Liên minh Châu Âu (EU) theo quy định 2019/1973.

Mỳ ăn liền không còn bị kiểm soát an toàn thực phẩm, nhiều loại nông sản khác vẫn bị kiểm soát

Theo Quy định mới, EU đưa mỳ ăn liền của Việt Nam ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm tại EU vì đáp ứng các quy định của EU.

mỳ ăn liền
Mỳ ăn liền của Việt Nam được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm tại EU vì đáp ứng các quy định của EU. (Ảnh minh họa)

Cũng tại Quy định số 2024/1662, EU áp dụng tăng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với Thanh long từ 20% lên 30%, đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm (Thanh long vẫn nằm trong phụ lục II của Quy định và tăng tần suất kiểm tra từ 20% lên 30%).

Mặt hàng ớt đang bị EU áp dụng tại Phụ lục I (tần suất kiểm tra là 50%) chuyển sang Phụ lục II của Quy định 2019/1973 tần suất kiểm tra 50% đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm.

Đối với mặt hàng đậu bắp, EU vẫn áp dụng tại Phụ lục II của Quy định 2019/1973 tần suất kiểm tra 50% đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm.

Mặt hàng sầu riêng giữ nguyên so với lần rà soát trước đây tại quy định 2024/286 ngày 6/2/2024, tần suất kiểm tra là 10% theo quy định tại Phụ lục I.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 02 tháng 7 năm 2024.

Riêng mặt hàng ớt có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, các lô hàng được xuất khẩu đã rời cảng từ Việt Nam hoặc từ nước thứ ba trước ngày Quy định 2024/1662 này có hiệu lực thì vẫn áp dụng theo Quy định 2024/286 ngày 6/2/2024 chưa phải kèm theo Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm. Các lô hàng mới xuất khẩu sau thời hiệu trên sang EU sẽ có hiệu lực từ ngày 2 tháng 9 năm 2024.

Doanh nghiệp cần tiếp tục quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của EU

Với những nỗ lực của Bộ Công Thương và Lãnh đạo Bộ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, những cố gắng rất lớn của ngành Công Thương trong công tác quản lý chất lượng, và hướng dẫn doanh nghiệp, trao đổi với phía bạn, cùng quyết tâm của doanh nghiệp liên quan, mỳ ăn liền từ Việt Nam đã được dỡ bỏ kiểm soát an toàn thực phẩm tại cửa khẩu của EU.

Đây là ghi nhận rất lớn của EU với khả năng kiểm soát an toàn thực phẩm trong ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam với tiến trình vụ việc được xử lý rất nhanh.

Trước đó, vào tháng 1/2022, EU đưa các loại bún, miến, mỳ của Việt Nam vào phụ lục II về kiểm soát an toàn thực phẩm.

Sáu tháng sau, tháng 7/2022, Việt Nam thành công thuyết phục EU đưa các loại bún, miến, mỳ làm từ gạo ra khỏi kiểm soát an toàn thực phẩm với lý do các nội dung kiểm soát của EU vượt quá nhu cầu cần thiết theo thông lệ SPS.

Một năm tiếp theo, vào tháng 6/2023, với nỗ lực kiểm soát chất lượng sản phẩm rất tốt của Bộ Công Thương, Việt Nam đã thuyết phục thành công EU đưa mỳ ăn liền từ kiểm soát ở Phụ lục II sang Phụ lục I với tần suất kiểm tra là 20%.

Tháng 6/2024 (một năm sau chuyển từ Phụ lục II sang Phụ lục I), mỳ ăn liền Việt Nam đã được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm.

"Để tiếp tục xuất khẩu ổn định vào EU cũng như bảo vệ uy tín hàng xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản, lương thực thực phẩm cần nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của EU", Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU khuyến nghị.

Thông tin chi tiết về Quy định số 2024/1662 ngày 11/6/2024 của Ủy ban Châu Âu, tham khảo tại đây.

Việt Hằng