Đón đầu nhu cầu mới của thị trường
Sau thời gian gián đoạn giao thương do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, năm 2023 đánh dấu sự trở lại hoàn toàn của thương mại Trung Quốc với thế giới. Kéo theo đó là nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu, hàng hóa phục vụ các lĩnh vực sản xuất cũng như tiêu dùng của nước này tăng vọt.
Nắm bắt thời cơ, ngay sau khi Trung Quốc chính thức nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 08/01/2023, Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc đã xúc tiến tổ chức nhiều hoạt động kết nối, giao thương cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Trung Quốc. Các hoạt động được tổ chức chuyên đề, tập trung vào các khu vực thị trường trọng điểm của doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam và những khu vực thị trường mới, tiềm năng tại Trung Quốc.
Nhiều hội nghị hợp tác đầu tư - thương mại, hội chợ xúc tiến giao thương với các địa phương Trung Quốc như: Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam, Sơn Đông… đã liên tục được Bộ Công Thương Việt Nam và các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc phối hợp tổ chức trực tiếp tại cả Việt Nam và Trung Quốc. Những hoạt động này thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp hai bên, tập trung vào các lĩnh vực xuất nhập khẩu nông thủy sản, sản xuất máy móc công trình, xây dựng và quản lý khu công nghiệp…
Đặc biệt, nhiều Thỏa thuận hợp tác về xuất nhập khẩu, thương mại qua biên giới, hợp tác đầu tư cơ sở hạ tầng logistics... giữa doanh nghiệp hai bên đã được kí kết, như: 08 thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp tỉnh Quảng Tây; 7 thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông được ký kết, tạo tiền đề mở rộng thêm cơ hội giao thương giữa doanh nghiệp hai bên. Không ít doanh nghiệp Trung Quốc tham gia các hội nghị xúc tiến đánh giá chất lượng nông sản Việt ngon, muốn tìm hiểu và kết nối để thuận tiện trao đổi mua bán.
Cũng tại các sự kiện này, Bộ Công Thương và các địa phương Trung Quốc đã trao đổi các giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa hai bên; đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc cho các loại nông sản, trái cây của Việt Nam; triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối thương mại và đầu tư…
Trung Quốc không còn là thị trường "dễ tính"
Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta, đặc biệt là nông sản như: gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, rau quả tươi… đều ghi nhận kết quả tích cực tại thị trường Trung Quốc.
Đơn cử, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam trong 5 tháng qua với khối lượng đạt 46.169 tấn, chiếm 35% thị phần và tăng mạnh tới 1.668,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong top 5 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc dẫn đầu với gần 63,5% tổng giá trị xuất khẩu (đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái). Đặc biệt, xuất khẩu quả sầu riêng sang Trung Quốc lên tới 477 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước trong 5 tháng đầu năm.
Với mặt hàng gạo, xuất khẩu sang Trung Quốc trong 5 tháng đạt 632 triệu tấn, tăng 62,8% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cao su Việt Nam với kim ngạch trong tháng 5/2023 đạt 87,28 nghìn tấn, trị giá 116,27 triệu USD, chiếm 74,55% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước và là tháng thứ 4 liên tiếp lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc tăng so với cùng kỳ năm 2022.…
Hiện nay, dù đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại so với những tháng đầu năm, tuy nhiên với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc, lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng của nước này được dự báo tiếp tục phục hồi và phát triển trong thời gian tới. Nhiều mặt hàng của Việt Nam có thể duy trì đà tăng trưởng tích cực tại thị trường này.
Tuy nhiên, ở góc độ tiếp cận thị trường, các doanh nghiệp cần hiểu rằng, Trung Quốc không còn là thị trường "dễ tính". Với mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao ở hầu hết các lĩnh vực, những năm gần đây, Trung Quốc đã gia tăng nhiều quy định nghiêm ngặt với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt với hàng nông sản. Khi làm việc, bạn hàng Trung Quốc đều nhấn mạnh vấn đề chất lượng là hàng đầu, là uy tín của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia xúc tiến thương mại, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, các sản phẩm nông sản cần có chất lượng tốt và đáp ứng trúng nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu nhà xuất khẩu Việt Nam thực hiện đúng các quy định của họ, bảo đảm chất lượng nông sản, được bạn hàng đánh giá cao thì hàng hóa sẽ thâm nhập vào thị trường này thuận lợi. Đơn cử, với quả sầu riêng nhiều tiềm năng, trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng nhiều nguồn cung với các phương thức vận chuyển khác nhau thì các nhà xuất khẩu Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng, giảm giá thành và giữ uy tín sản phẩm để có thể chiếm lĩnh thị trường.
Có thể thấy, Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục xu thế sản xuất xanh – tiêu dùng xanh nói chung của thế giới, theo đó đặt ra các yêu cầu, tiêu chuẩn cao hơn với hàng hóa xuất, nhập khẩu, đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa phải thay đổi và thích ứng.
Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập và thúc đẩy giao thương với thị trường Trung Quốc cần bám sát diễn biến thị trường này, lưu ý đến nhu cầu trong từng giai đoạn đối với mỗi loại sản phẩm. Bên cạnh đó cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm; đảm bảo hoàn tất thủ tục đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo quy định. Ðồng thời phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa tuyến xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định; tận dụng tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam-Trung Quốc, hạn chế thấp nhất nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm.
Xuất khẩu chính ngạch - xu thế tất yếu mang lại nhiều lợi thế
Về lâu dài, để khai thác hiệu quả và bền vững thị trường Trung Quốc, việc chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch (hình thức trao đổi cư dân biên giới) sang xuất khẩu chính ngạch là tất yếu.
Trong khi giao thương tiểu ngạch tồn tại nhiều bất cập như: lo ngại ùn ứ ở cửa khẩu vào mùa cao điểm, tạo lỗ hổng cho các hành vi gian lận về xuất xứ hàng hóa, trốn thuế, buôn bán hàng hóa không đảm bảo chất lượng… thì xuất khẩu chính ngạch đáp ứng những yêu cầu khắt khe liên quan tới thời gian thông quan, thời gian bảo quản hàng hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…, qua đó giúp xây dựng thương hiệu, uy tín của hàng hóa, cũng như tính bài bản, chuyên nghiệp và ổn định cao trong hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Không những vậy, Trung Quốc đang xây dựng lộ trình đóng biên, loại bỏ hoàn toàn xuất khẩu tiểu ngạch vào nước này, đây sẽ là trở ngại lớn với cả thương nhân Việt Nam và Trung Quốc.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.
Để xuất khẩu chính ngạch bền vững vào Trung Quốc, các doanh nghiệp cần có lộ trình chuẩn bị, cần liên kết lại để có vùng trồng đạt tiêu chuẩn để được cấp mã số; đồng thời phải đầu tư thêm về cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc... Bên cạnh đó, các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 về thương mại biên giới.
Theo Dự thảo, từ ngày 01/01/2025, giảm số lần được miễn thuế và số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hoá theo hình thức trao đổi cư dân để hài hòa, đồng bộ với việc thay đổi chính sách đối với xuất khẩu hàng hoá theo hình thức trao đổi cư dân.
Từ ngày 01/01/2025, hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới.
Từ ngày 01/01/2025, chỉ cư dân cư trú tại khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân. Chính thức áp dụng định mức mới đối với mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Ngoài ra, khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân phải có mặt để làm thủ tục xuất cảnh.
Từ ngày 01/01/2026, các mặt hàng đã được xuất khẩu vào Trung Quốc theo hình thức chính ngạch chỉ được phép làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và các cửa khẩu phụ, lối mở đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.
Kể từ ngày 01/01/2027, dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá tại tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới chưa đạt được thoả thuận song phương về việc mở cửa khẩu, lối mở biên giới.
Từ ngày 01/01/2028, tại tất cả các cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.