Chỉ có 4 mặt hàng tăng giá trị xuất khẩu
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của nước ta ra thế giới. Trong đó, có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch lớn như rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản.
Số liệu của Hải quan Việt Nam cho biết, sau khi giảm 5,5% trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản trong 11 tháng năm 2019 sang Trung Quốc tiếp tục giảm 5,86% so với cùng kỳ, chỉ đạt đạt 6,31 tỷ USD.
Trong đó, ngoài 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng gồm: cao su tăng 9,77%; thủy sản tăng 19,75%; hạt điều tăng 32,55%; chè tăng 24,89% thì cũng có 4 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm gồm gạo giảm 66,37%; rau quả giảm 14,02%; cà phê giảm 8,94% và sắn, sản phẩm từ sắn giảm 1,05%.
Lý giải về sự tăng giảm liên tục của các mặt hàng nông sản, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi hệ thống các cơ quan kiểm nghiệm-kiểm dịch được sáp nhập vào Tổng cục Hải quan Trung Quốc, phía bạn đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm thực thi nghiêm túc và đầy đủ các quy định đã ban hành từ lâu về kiểm nghiệm-kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác...
Đây là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị chững lại và giảm trong 2 năm trở lại đây sau nhiều năm tăng trưởng khá, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, ông Hải cho rằng, các quy định của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, bao bì, tem nhãn hàng hóa... đối với nông sản, thủy sản nhập khẩu đều là những yêu cầu cơ bản và được phép áp dụng theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đều đã và đang áp dụng các biện pháp tương tự để kiểm soát chất lượng nông thủy sản nhập khẩu, qua đó bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Cũng theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, việc Trung Quốc thực thi đầy đủ và nghiêm túc các quy định này trước mắt có thể ảnh hưởng tới một số nông thủy sản của Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức "trao đổi cư dân biên giới".
Nhưng về lâu dài sẽ góp phần tạo động lực để các địa phương và người nông dân nước ta tổ chức lại sản xuất theo hướng coi trọng tối đa các quyền cơ bản của người tiêu dùng Việt Nam cũng như quốc tế, trong đó có quyền được an toàn và quyền được thông tin đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa mà họ mua.
Thay đổi quan điểm ứng xử với thị trường Trung Quốc
Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với quy mô dân số 1,4 tỷ, trong đó số người thuộc tầng lớp trung lưu đã và đang tăng nhanh, dự kiến đạt 550 triệu người vào năm 2022.
Nhu cầu tiêu dùng nông thủy sản tại thị trường tỷ dân này rất lớn nhưng yêu cầu đặt ra về chất lượng cũng sẽ ngày càng cao. Để giữ được thị trường xuất khẩu sát cạnh nước ta, có nhiều thuận lợi về giao thương, năm 2018-2019, để gìn giữ và phát triển thị trường xuất khẩu nông thủy sản, trong đó có thị trường Trung Quốc, Liên Bộ Công Thương - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương biên giới phía Bắc liên tiếp tổ chức các chương trình giao thương, hỗ trợ các ngành hàng nhằm khai thác thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, kêu gọi các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu chủ động nắm bắt thông tin về yêu cầu của thị trường, từ đó hướng dẫn người nông dân tổ chức sản xuất theo đúng yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm.
Cùng với đó, liên Bộ cũng đề nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu, người dân cần chấm dứt xuất khẩu theo hình thức "trao đổi cư dân", chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch, chính quy, bài bản theo thông lệ quốc tế qua các cửa khẩu chính thức.
Song song với đó, các Bộ, ngành của Việt Nam, dưới sự chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng đã và đang nỗ lực đàm phán với Trung Quốc về an toàn thực phẩm để chính thức mở cửa thị trường cho các sản phẩm như sầu riêng, khoai lang tím, tổ yến, thạch đen, nghêu, cá rô phi, cua, cá ngừ, ngao, sứa, rươi...
Đây đều là những sản phẩm mà Trung Quốc đã giảm thuế nhập khẩu cho ta theo kênh đàm phán thương mại nên nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể đàm phán thành công về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thì tiềm năng xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là rất lớn.
Đối với các Bộ, ngành, đại diện Cục Xuất nhập khẩu đề nghị, các Bộ, ngành Trung ương sẽ tiếp tục những nỗ lực của mình để đàm phán mở cửa thị trường ở tầm vĩ mô đi đôi với việc cung cấp đầy đủ thông tin về yêu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, các nỗ lực đó sẽ không thể phát huy tác dụng nếu thiếu sự hợp tác của chính quyền địa phương các cấp, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu chủ động nắm bắt thông tin về yêu cầu của thị trường, từ đó hướng dẫn người nông dân tổ chức sản xuất theo đúng yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm.
Nhất là việc thay đổi quan điểm ứng xử với thị trường Trung Quốc theo hướng tôn trọng tối đa các quyền cơ bản của người tiêu dùng; và kiên quyết chuyển nhanh, chuyển mạnh từ xuất khẩu theo hình thức "trao đổi cư dân" sang xuất khẩu chính ngạch theo thông lệ quốc tế qua các cửa khẩu chính thức.
Với chính quyền địa phương, Cục Xuất nhập khẩu yêu cầu cần chủ động hơn trong việc nắm bắt và tổ chức phổ biến các thông tin, khuyến cáo của các Bộ, ngành Trung ương về nhu cầu, diễn biến thị trường, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng đối với nông thủy sản của nước nhập khẩu tới các hộ nông dân tại địa bàn.
“Bộ Công Thương cùng hệ thống các cơ quan Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác mở cửa thị trường, cung cấp thông tin và tháo gỡ khó khăn, rào cản cho nông thủy sản xuất khẩu ra thị trường thế giới nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.