Nỗ lực giải cứu
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu là do lượng nông sản, trái cây khi vào chính vụ thu hoạch để xuất khẩu được đưa lên khu vực cửa khẩu tăng đột biến tại cùng một thời điểm, trong khi phía Trung Quốc cũng trùng thời điểm chính vụ thu hoạch với Việt Nam.
Bên cạnh đó, năng lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu hai nước Việt Nam - Trung Quốc, mặc dù đã được cải thiện so với giai đoạn trước, nhưng còn rất hạn chế so với nhu cầu xuất khẩu, dẫn đến việc không thể đáp ứng được lưu lượng xe đưa lên quá lớn tại cùng một thời điểm như hiện nay.
Với bối cảnh nêu trên, trước khi vào chính vụ thu hoạch các loại trái cây chủ lực hoặc trước khi bước vào thời gian cao điểm lễ tết, Bộ Công Thương đều chủ động thông tin, khuyến cáo về tình hình thị trường, về diễn biến thông quan tại cửa khẩu… đến các địa phương vùng trồng trọng điểm, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân liên quan để có phương án điều tiết giao nhận hiệu quả, tránh gây thiệt hại, bị ép cấp, ép giá.
Đồng thời, thường xuyên phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới (Lạng Sơn, Lào Cai…) triển khai các giải pháp điều tiết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu như phân luồng giao thông; ưu tiên thông quan xe chở nông sản, trái cây.
Bên cạnh đó, huy động lực lượng chức năng thực hiện thủ tục hải quan, kiểm dịch thực vật, cấp C/O giúp nông sản, trái cây được thông quan nhanh nhất, thậm chí làm thêm giờ; chủ động trực tiếp làm việc, trao đổi với phía Trung Quốc để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định được thông quan thuận lợi, an toàn.
Bộ Công Thương cũng đưa các vấn đề vướng mắc trong quan hệ thương mại song phương nói chung và thương mại song phương về nông, thủy sản nói riêng trao đổi, vận động phía Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hoặc dành thời gian để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp thu, thực hiện các chính sách mới; vận động các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phía Trung Quốc mở thêm các cửa khẩu chỉ định nhập khẩu nông sản, trái cây tại khu vực biên giới.
Bộ Công Thương đã và đang thường xuyên phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải tổ chức phân luồng ở khu vực biên giới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạ tầng logistics như kho lạnh ở Trà Lĩnh (Cao Bằng), khu trung chuyển ở Lạng Sơn, trung tâm logistics ở Bắc Giang.
Cùng với đó, chỉ đạo các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc tăng số lượng và đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại hàng năm tại Trung Quốc theo hướng tập trung trọng tâm, trọng điểm với từng chủng loại sản phẩm.
Ngày 13/9/2019 vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã chủ trì tổ chức Hội nghị “Phát triển xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc” để cùng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp định hướng tổ chức lại sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu của Trung Quốc, tận dụng tốt các lợi thế từ Hiệp định ACFTA.
Bộ Công Thương cũng đã biên soạn, phát hành “Sổ tay hướng dẫn xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc” gửi tới các địa phương nuôi trồng, xuất khẩu trọng điểm, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan truyền thông báo chí để nắm bắt và có kế hoạch xuất khẩu phù hợp.
Quyết liệt, đồng bộ, lâu dài
Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù đã có những nỗ lực giải quyết của Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng tại chỗ, song vấn đề này sẽ không thể giải quyết căn cơ nếu không có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, mang tính lâu dài.
Do đó, để giải quyết tình trạng trên một cách triệt để, góp phần ổn định hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới trong thời gian tới, cần sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, đánh giá tình hình, thống nhất công tác tổ chức sản xuất đáp ứng với nhu cầu, yêu cầu của phía Trung Quốc nhằm điều tiết lượng hàng hóa lưu thông qua các tỉnh biên giới phù hợp với điều kiện, năng lực thông quan thực tế tại các cửa khẩu.
Đặc biệt là thời gian cao điểm chính vụ; đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa thị trường với phía Trung Quốc, mở rộng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch; tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, có quy mô, chất lượng đồng đều và đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.
Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc cần thường xuyên, liên tục cập nhật tình hình xuất khẩu tại các cửa khẩu trọng điểm, nhất là vào dịp cao điểm; kịp thời phối hợp với các địa phương sản xuất trọng điểm cảnh báo thông tin và điều phối hàng hóa đưa lên biên giới
Đồng thời phổ biến, định hướng và hướng dẫn các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tái cơ cấu sản xuất đáp ứng yêu cầu của phía bạn, đồng thời thay đổi nhận thức, quan điểm về cách thức xuất khẩu thành “chính ngạch”, theo thông lệ quốc tế một cách quyết liệt.
Đối với các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, để duy trì thị phần và mở rộng thị trường Trung Quốc, trong thời gian tới, cần phải nâng cao nhận thức về tính đoàn kết, điều phối, hài hòa lợi ích doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ giải quyết có hiệu quả tình trạng ép giá, ép cấp trong thương mại nông, thủy sản qua biên giới với doanh nghiệp Trung Quốc.