Công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá
Nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, 7 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 ước tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng tháng năm 2020.
Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng so với cùng kỳ năm trước: sợi các loại tăng 13%, khăn các loại tăng 12,1%, vải các loại tăng 16,2%, quần áo may sẵn tăng 12,9%, giày dép tăng 14,4%; cửa sổ bằng sắt, thép tăng 20,7%, máy trộn bê tông tăng 14,2%, phụ tùng xe có động cơ tăng 10,7%, phụ tùng xe đạp tăng 18,5%; nước mắm tăng 15,3%, rượu trắng tăng 13,4%, nước uống tăng 16,9%...
Trong 7 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 0,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,3%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 9,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,4%.Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng so với cùng kỳ năm trước: sợi các loại tăng 10,8%, khăn các loại tăng 14,5%, quần áo may sẵn tăng 12,6%, giày dép tăng 15,2%; cửa sổ bằng sắt, thép tăng 17,2%, phụ tùng xe có động cơ tăng 12,3%, phụ tùng xe đạp tăng 12%; bánh kẹo các loại tăng 11,2%, nước uống tăng 14,5%...
Thương mại chuyển biến tích cực
Do bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đã tác động đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp..., tuy nhiên giá trị hàng xuất khẩu tháng 7 ước đạt 235,6 triệu USD, tăng 21% so cùng kỳ; Giá trị hàng nhập khẩu ước đạt 126,6 triệu USD, tăng 16,4% so cùng kỳ.
Về hoạt động thương mại có nhiều chuyển biến tích cực, vì trong tháng 7, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Nam Định được kiểm soát tốt, tuy vậy các ngành dịch vụ vẫn gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tình, thành phố trong cả nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.297,5 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 3.853,9 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.
7 tháng đầu năm giá trị hàng xuất khẩu ước đạt 1.418,7 triệu USD, tăng 30% so cùng kỳ; trong đó: Các doanh nghiệp Trung ương ước đạt 32,6 triệu USD, tăng 61,8%; Các doanh nghiệp địa phương ước đạt 370,3 triệu USD, giảm 8,6%; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.015,9 triệu USD, tăng 52,5% so cùng kỳ.
Giá trị hàng nhập khẩu ước đạt 805,1 triệu USD, tăng 21,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Các doanh nghiệp Trung ương đạt 25,9 triệu USD, tăng 40,1%; Các doanh nghiệp địa phương đạt 214,2 triệu USD, giảm 15,9%; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 565 triệu USD, tăng 45,8% so cùng kỳ.Chỉ số giá tiêu dùng bình quân giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ theo giá thực tế ước đạt 29.972,5 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động thương mại, dịch vụ trong thời gian tới, Ngành Công Thương Nam Định đã đề ra một số các giải pháp để triển khai thực hiện như: bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong tình hình dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp; tăng cường chỉ đạo, kiểm soát việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tiếp tục gỡ khó và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn…