Nam Định: Đơn hàng khởi sắc, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định chủ động về kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đảm bảo đơn hàng trong dài hạn, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng, đa dạng.

Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Nam Định cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh ước tăng 14,29% so với cùng kỳ năm trước.

Chủ động trong hoạt động sản xuất công nghiệp

Trong mức tăng chung của chỉ số IIP 6 tháng đầu năm của tỉnh Nam Định, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,45%, đóng góp 14,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,38%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,51%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 18,32%, làm giảm 0,06 điểm phần trăm.

Nam Định
(Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Nam Định)

Một số ngành công nghiệp cấp II duy trì sản xuất ổn định và có chỉ số tăng so với cùng kỳ năm trước: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 13,82%; sản xuất trang phục tăng 17,99%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 22,61%; chế biến gỗ và sản xuất sản xuất từ gỗ, tre, nứa, sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 12,90%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 21,56%.

Tuy nhiên, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: sản xuất đồ uống giảm 6,13%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 8,27%.

công nghiệp Nam Định
(Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Nam Định)

Đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: trang phục, giày dép, sản phẩm mây tre đan các loại, khối lượng sản phẩm tăng khá. Vải các loại tăng 3,36%; quần áo may sẵn tăng 24,45%; giày dép tăng 32,27%; sản phẩm mây tre đan các loại tăng 19,57%.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường chủ động về kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đảm bảo đơn hàng trong dài hạn, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng, đa dạng.

Thương mại, dịch vụ tăng trưởng tích cực

Theo Cục Thống kê tỉnh Nam Định, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 2.196 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1.365 triệu, tăng 13,8%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 831 triệu, tăng 23,2%.

Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 xuất siêu 534 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất siêu 158 triệu USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 376 triệu USD.

xuất nhập khẩu Nam Định
(Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Nam Định)

Về hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng năm 2024 đạt 37.990 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa 33.787 tỷ đồng, chiếm 88,9% tổng mức và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số nhóm hàng có tốc độ tăng cao: lương thực, thực phẩm tăng 16,6%; hàng may mặc tăng 11,2%; vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 13,0%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 16,9%; ô tô con (dưới 9 chỗ) tăng 92,8%; hàng hóa khác tăng 13,4%.

bán lẻ Nam Định
(Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Nam Định)

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2.301 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành lưu trú 144 tỷ đồng và 405 nghìn lượt khách, tăng 2,0% doanh thu và 1,5% lượt khách; ngành ăn uống đạt 2.157 tỷ đồng, tăng 20,2%.

Doanh thu du lịch lữ hành 10 tỷ đồng và 16 nghìn lượt khách, tăng 19,1% doanh thu và tăng 11,1% lượt khách. Doanh thu dịch vụ khác 1.892 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại một số nhóm hàng hóa giảm: xăng, dầu các loại giảm 9,3%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) giảm 3,2%.

Tiến Thành