Quá trình phát triển, các làng nghề đã góp phần bảo tồn và gìn giữ ngành nghề truyền thống của địa phương, tạo việc làm cho người lao động, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất trong làng nghề phần lớn nằm trong các khu dân cư dẫn đến trong quá trình sản xuất đã gây ra ảnh hưởng tới môi trường.
Do đó, để bảo tồn và phát huy được các nghề truyền thống tại các địa phương và giải quyết được vấn đề ô nhiễm trong khu dân cư, UBND tỉnh Nam Định đã quyết định thành lập các cụm công nghiệp(CCN) để di dời các cơ sở trên vào sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.
Nhằm tiếp tục tạo quỹ đất cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trên địa bàn, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 04/4/2017 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 có 56 CCN, với tổng diện tích 1.588,07 ha.
Thực tế triển khai, tỉnh Nam Định đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế với tổng số cụm công nghiệp được quy hoạch là 59 CCN, với tổng diện tích các CCN được quy hoạch trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 1.773,77 ha .
Sau 5 năm thực hiện Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 và 2 năm thực hiện Nghị định 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ về Quản lý , phát triển cụm công nghiệp đã tạo hành lang pháp lý, công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp được thống nhất từ công tác quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; làm cơ sở cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp chấp hành chủ trương, chính sách, quy định nhà nước về phát triển cụm công nghiệp,... Do đó, trong 5 năm công tác quản lý và phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định có những chuyển biến tích cực.
Đến nay, tỉnh Nam Định có 26 CCN được thành lập (Trong đó có 19 CCN được thành lập trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp của Chính phủ và 07 CCN được thành lập theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ về Quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68/2017/NĐ-CP ) với tổng diện tích 596,27 ha; trong đó 20 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích 393,67 ha; tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đạt khoảng 90%.
Đối với 20 CCN đã đi vào hoạt động, hạ tầng kĩ thuật như hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống cung cấp điện, hệ thống cấp thoát nước tương đối hoàn chỉnh; đã có 547 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký là 6.429.350 triệu đồng, đã thực hiện 5.006.229 triệu đồng; thu hút 21.545 lao động.
Các cụm công nghiệp đều có hồ sơ pháp lý về môi trường được phê duyệt. Đã có 04/20 CCN được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó 03 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung được đưa vào hoạt động ổn định là CCN An Xá, CCN Xuân Tiến và CCN Yên Dương.
Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, việc hình thành các cụm công nghiệp theo quy hoạch là thực hiện chủ trương “ly nông bất ly hương” của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương và tạo tiền đề xây dựng Nông thôn mới.
Cũng theo ông Trần Anh Dũng, thông qua hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp đã thúc đẩy nhanh chóng việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn; đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tại các làng nghề bảo tồn được các ngành nghề truyền thống, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.