PV: Xin ông cho biết Nam Định có những ngành, nghề nào được coi là lợi thế? Và đó là những lợi thế gì?
Ông Nguyễn Văn Vinh: Dệt may được cho là ngành có nhiều lợi thế, chiếm khoảng 60 nghìn lao động và hiện có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu công nghiệp của Tỉnh. Với những chính sách linh hoạt của cơ quan chức năng và sự năng động, đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong Tỉnh , ngành Dệt may Nam Định đang giữ vị trí trung tâm dệt may của Vùng đồng bằng sông Hồng. Tiếp đến là ngành Cơ khí điện, chiếm khoảng 20 nghìn lao động và là nhóm ngành có tố độ phát triển rất nhanh. Trong đó, ngành sản xuất, sửa chữa các phương tiện vận tải có tốc độ tăng trưởng cao.
Lợi thế của 2 ngành này là có truyền thống từ lâu đời, nguồn nhân lực dồi dào và tay nghề cao; đặc biệt là được sự quan tâm của các cơ quan chức năng trong Tỉnh đã xác định đây là 2 ngành mũi nhọn nhất để tập trung đầu tư phát triển.
PV: Xin ông cho biết định hướng và mục tiêu trong chủ trương về đào tạo nghề cho LĐNT là gì? Tác động của chủ trương này đến đời sống nhân dân và KTXH ở các địa phương như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Vinh: Ngày 24/6/2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1220/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Nam Định đến năm 2020” với một số nhiệm vụ và tiêu chí cơ bản như sau:
Mở rộng và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập của LĐNT; đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã đủ tiêu chuẩn chức danh cán bộ…; mỗi năm dạy nghề cho khoảng 31 ngàn lao động (trong đó 25 ngàn là LĐNT) và bồi dưỡng khoảng 2,5 ngàn cán bộ công chức xã; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có việc làm khoảng 95% và tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với nghề đào tạo 85%. Đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 42% và đạt 60% vào năm 2020; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề công lập thuộc tỉnh quản lý; đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên cho các trường dạy nghề công lập đảm bảo tỷ lệ 01giáo viên/20 học sinh; mỗi trung tâm dạy nghề cấp huyện có ít nhất 03 giáo viên, mỗi nghề có tối thiểu 01 giáo viên cơ hữu.
Sau hơn 4 năm thực hiện, tỉnh Nam Định đã đạt được một số kết quả: Đã đào tạo nghề cho 24.443 người, với tổng số kinh phí thực hiện là 49.570 triệu đồng (TW: 47.570 triệu đồng). Trong đó các nhóm nghề: Phi nông nghiệp 15.506 người; nông nghiệp 5.188 người; tiểu thủ công nghiệp 3.755 người. Tính theo các diện đối tượng: Lao động mất đất nông nghiệp 540 người; lao động thuộc hộ nghèo 3.409 người; lao động là người tàn tật 195 người; lao động được hưởng chính sách người có công với cách mạng 430 người; lao động nữ thành thị 488 người; LĐNT 19.381 người. Tổng số các nghề ngắn hạn đã đào tạo là 59 nghề. Tỷ lệ người lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 85%, với mức thu nhập từ 1,8 triệu đồng đến 4 triệu đồng/người/tháng.
PV: Trong quá trình triển khai các chủ trương, tỉnh đã gặp những thuận lợi, khó khăn gì? Các khó khăn cần được khắc phục thế nào?
Ông Nguyễn Văn Vinh: Là 1/11 tỉnh thực hiện thí điểm Đề án, những năm đầu thực hiện gặp không ít khó khăn. Nhưng dưới sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng và các đoàn thể, tổ chức… quá trình triển khai được thực hiện đúng kế hoạch, và thu được những kết quả bước đầu.
Về thuận lợi: Tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề cho LĐNT; Xác định được quy trình tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT có hiệu quả theo mục tiêu của Đề án; Tăng cường các điều kiện để nâng cao năng lực đào tạo nghề cho LĐNT; Duy trì và phát triển được một số nghề truyền thống; Thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác dạy nghề cho LĐNT; Được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dạy nghề đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu về công tác triển khai Đề án 1956.
Về khó khăn: Một số ít cán bộ còn chưa thấy trách nhiệm của mình trong việc tổ chức dạy nghề cho người lao động; Có sự chồng chéo trong quá trình triển khai giữa đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ với các chương trình khác như chương trình khuyến nông, công, ngư; một số xã chưa xác định được nghề đào tạo, chưa tư vấn được cho người dân học nghề gì; nhiều cơ sở dạy nghề còn khó khăn về cơ sở vật chất, lực lượng giáo viên còn thiếu và yếu; ý thức của người học nghề chưa tốt.
Đề xuất, kiến nghị: Cho phép tỉnh Nam Định thành lập thí điểm Chi cục Quản lý dạy nghề trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; nâng mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề lên khoảng 5 triệu đồng/nghề đối với nghề phi nông nghiệp và 3,5 triệu đồng/nghề đối với nghề nông nghiệp; sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm dạy nghề ở các địa phương; đầu tư dứt điểm về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của một số trường trung cấp, cao đẳng nghề.
PV: Xin ông cho biết cần có giải pháp gì để Nam Định trở thành trung tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Vùng Nam Đồng bằng sông Hồng?
Ông Nguyễn Văn Vinh: Trước hết, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về mục tiêu của Tỉnh đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, từ đó hiểu rõ về vai trò nguồn nhân lực trong tương lai. Từng cấp, ngành phải có kế hoạch cụ thể để phát triển nhân lực; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển nhân lực; Xây dựng tốt hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động và bộ phận dự báo cung cầu lao động của tỉnh; Tạo điều kiện tốt nhất cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhân lực có chất lượng và hiệu quả. Xây dựng từ 2-3 trường đạt chuẩn trong khu vực và từ 4-5 trường, trung tâm đạt chuẩn quốc gia về đào tạo nhân lực.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích phát triển nhân lực như: Đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tài chính và sử dụng ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực; việc làm, bảo hiểm, bảo trợ xã hội; huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển nguồn nhân lực; đãi ngộ và thu hút nhân tài; phát triển thị trường lao động; tăng cường hợp tác giữa các tỉnh trong vùng và quốc tế để phát triển nhân lực.
PV: Xin cảm ơn ông!