Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất qua thực tiễn tại Thành phố Thái Bình

PGS. TS. Doãn Hồng Nhung (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Thu Thảo (Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình)

TÓM TẮT:

Với đặc điểm địa hình đồng bằng tương đối bằng phẳng, tỉnh Thái Bình có nguồn quỹ đất rất lớn, đặc biệt là thành phố Thái Bình. Song đó cũng là thách thức đối với chính quyền địa phương trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các dự án phát triển hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Để đạt được mục tiêu này, thành phố Thái Bình phải tiến hành thu hồi đất, đồng thời cần thực hiện tốt việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, thành phố Thái Bình đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Trong bối cảnh đó, nhóm tác giả lựa chọn việc nghiên cứu các quy định pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên thực tiễn là việc làm cần thiết, nhằm góp phần tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại, thiếu sót và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất của Việt Nam nói chung và thành phố Thái Bình nói riêng.

Từ khóa:  Pháp luật về bồi thường thiệt hại, thu hồi đất, chính sách bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, tái định cư, Thành phố Thái Bình.

I. Đặt vấn đề

Không nằm ngoài sự phát triển chung của đất nước, Thái Bình đang ngày càng đổi mới. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị mới xuất hiện ngày càng nhiều mang lại nhiều đổi mới, cơ hội cũng như thách thức lớn đối với thành phố. Nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch và phát triển quỹ đất ngày càng cao… Đây cũng là vấn đề, phức tạp và “đụng chạm” tực tiếp tới lợi ích thiết thực của nhiều chủ thể trong xã hội khi Nhà nước thu hồi đất và triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân... Để đem lại lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, tạo được tiếng nói đồng thuận giữa các bên cần có sự đánh giá toàn diện về cả hai phương diện lý luận và thi hành pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để đưa ra các giải pháp hoàn thiện.

II. Đánh giá thực trạng, những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Thái Bình

Là một đô thị mới, cùng với các đặc điểm tự nhiên thuận lợi, Thái Bình đang trên đà phát triển kinh tế nhanh chóng. Một số vấn đề cấp Ủy, chính quyền thành phố quan tâm trước tác động mạnh mẽ của việc thu hồi đất và bồi thường bao gồm: Quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố; quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng thành phố… đặc biệt là về quản lý đất đai. Theo đó, các vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác đất, trong đó có việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và pháp luật về đất đai. Việc kết hợp các quy định của pháp luật đất đai hiện hành và những quy định do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành là việc làm cần thiết. Trên cơ sở Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về ban hành quy định phân cấp quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; quản lý cấp giấy phép xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Bình; Quyết định số 08/2014/QĐ-UBND ngày 30/6/2014 của UBND tỉnh Thái Bình về ban hành Quy định một số chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình; và các kế hoạch, chỉ thị... Theo đó, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất không chỉ bảo đảm lợi ích phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Thái Bình, mà còn nâng cao mức sống và phúc lợi cho người dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất cũng như các doanh nghiệp. Nhận thức được vấn đề này, khi thực thi pháp luật về bồi thường, các cơ quan có thẩm quyền luôn chú ý điều chỉnh theo hướng bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa Nhà nước - người bị thu hồi đất - nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc kết hợp giữa các quy định từ Trung ương tới địa phương để vận dụng linh hoạt việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trong thực tế là điều không dễ dàng nhất là đối với các dự án lớn. Việc cần làm là vạch ra kế hoạch cụ thể và lộ trình thực hiện, nhằm bảo đảm tối đa việc đáp ứng những yêu cầu về quy hoạch, kế hoạch dự án, đồng thời cũng cần quan tâm, chú ý giải quyết hợp lý, hài hòa với người bị thu hồi đất. Đây là việc không đơn giản, tốn nhiều công sức, thời gian và ngân sách nhà nước.

Áp dụng pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Thái Bình còn gặp một số khó khăn như: Việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất chưa được quan tâm thực hiện triệt để, việc giao đất, cho thuê đất một số vị trí còn chưa đúng thẩm quyền và sai mục đích gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án còn bị kéo dài, không được giải quyết dứt điểm nhất là vướng mắc trong vấn đề tính giá bồi thường và giải quyết bồi thường. Bên cạnh đó, chính sách quản lý đất đai nói chung và bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nói riêng có nhiều thay đổi, thiếu đồng bộ, không ổn định, cũng đã góp phần gây nên tình trạng khiếu nại căng thẳng vượt cấp, biểu tình tập trung đông người của người bị thu hồi đất.

Để hoàn thành tốt chỉ tiêu, Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình đã thi hành kịp thời các văn bản pháp luật đất đai từ Trung ương tới địa phương; yêu cầu đẩy nhanh công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm của thành phố theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình. Trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả và dứt điểm việc giao đất dịch vụ cho người dân sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp được giao theo nghị định của Chính phủ; rà soát chuẩn bị đầy đủ quỹ tái định cư với phương châm đa dạng hóa loại hình, đa dạng hóa các chủ đầu tư. Tiếp tục tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung trong cơ chế chính sách như: Xác định giá đất, tái định cư, thu hồi đất, quy trình giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất theo hướng tối đa hóa bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, các khiếu nại, tố cáo liên qua đến bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất chiếm phần lớn, khoảng trên 70% các loại khiếu kiện về đất đai.

Thứ nhất, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chính quyền các cấp còn buông lỏng trong quản lý, hồ sơ không cập nhật thường xuyên dẫn đến nhiều trường hợp phải mặc nhiên công nhận quyền sử dụng đất cho các chủ sử dụng đất không có giấy tờ gốc, không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay bỏ sót cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ đủ điều kiện. Việc hoàn thiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân còn chậm trễ và không mang tính đồng bộ gây nhiều khó khăn trong công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng.

Thứ hai, việc xác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ còn chưa phù hợp với giá chuyển quyền sử dụng đất trên thị trường trong điều kiện bình thường. Đặc biệt là giá đất nông nghiệp tính bồi thường còn quá thấp, lợi ích của người dân trực tiếp bị xâm hại. Bởi giá đất do Nhà nước ban hành được xác định bằng phương pháp hàng loạt, còn giá đất trên thị trường được định giá theo phương pháp định giá đặc biệt, chịu tác động của các yếu tố tâm lý, nhu cầu, thị hiếu, sở thích, phong thủy… Giá đất trên thị trường không phải một giá mà là một biên độ giá, còn giá đất hằng năm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố chỉ đơn thuần là những con số - kết quả của những sao chép và sửa chữa số liệu năm trước, không phản ánh được tình hình thực tế. Nguyên nhân từ cơ chế giám sát thực thi, trình độ nguồn nhân lực còn yếu kém, chưa được đào tạo chính quy, bài bản và khi thực hiện cần nguồn kinh phí rất lớn mà địa bàn tỉnh chưa đảm trách được.

Thứ ba, vấn đề liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức bồi thường chưa tuân thủ đúng pháp luật, tồn tại nhiều sai phạm. Trong quá trình lập quy hoạch đô thị lẫn quy hoạch sử dụng đất đa phần chỉ đứng từ một phía của cơ quan có thẩm quyền mà không công bố rộng rãi, lấy ý kiến của nhân dân. Điều này dẫn tới việc người dân không hiểu, không được phổ biến và đóng góp quan điểm vào việc xây dựng những dự án trên - những dự án ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Phương án quy hoạch như thế nào, việc bồi thường giải phóng mặt bằng bao nhiêu... chính quyền không công khai, chưa rõ ràng, khiến cho người dân khó có thể theo dõi. Nếu được biết đến các quy hoạch, kế hoạch này, người dân sẽ có thể so sánh để biết phương án nào là tốt cho cả dự án lẫn người dân hơn. Vấn đề lấy ý kiến của của người dân đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, luật không có quy định cụ thể về giá trị của các ý kiến đóng góp. Việc lấy ý kiến của người dân còn mang tính hình thức.

Thứ tư, nhiều trong số các dự án là giải tỏa khu đất có mồ mả của người dân địa phương chôn cất từ rất lâu đời. Đây là vấn đề tế nhị, liên quan đến, phong tục, tín ngưỡng, văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam. Mà thu hồi đất để thực hiện dự án không chỉ là động chạm mà còn là “đào xới” để di dời đi nơi khác. Do vậy, việc di chuyển mồ mả gặp khó khăn không ít đối với công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng tại thành phố Thái Bình.

III. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất qua thực tiễn thi hành tại thành phố Thái Bình

Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận và đánh giá thực trạng pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Thái Bình, việc hoàn thiện pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, căn cứ vào quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đảm bảo định hướng này, pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất tại địa bàn thành phố Thái Bình cần chú trọng những vấn đề sau:

Một là, thành phố Thái Bình cần chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được xét duyệt. Kế hoạch được phê duyệt cần được công bố công khai và thông báo rộng khắp, phổ biến. Quy định rõ ràng và cụ thể hơn các trường hợp Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế, xã hội đối với từng trường hợp cụ thể tại địa phương. Vấn đề này trong Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ những trường hợp thật cần thiết mà Nhà nước phải vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên cơ sở tại Điều 54, Hiến pháp năm 2013 và tại Điều 61, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 quy định dựa trên tiêu chí: phải vì lợi ích của quốc gia, lợi ích chung của cộng đồng… Dự án mà cơ quan Nhà nước thu hồi đất để thực hiện căn cứ vào ý nghĩa, tính chất quan trọng của dự án với việc phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, lợi ích chung của cộng đồng dân cư ở thành phố Thái Bình. Tiếp đến cần làm rõ mức độ quan trọng, cụ thể hơn mức độ ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án căn cứ thu hồi đất một cách minh bạch.

Hai là, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa xác định: “Công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng đất công; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất giao cho các cộng đồng và doanh nghiệp nhà nước”. Các quy định của pháp luật nếu thiếu công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện phát sinh tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ Nhà nước, hơn nữa sẽ phát sinh các xung đột trong quá trình áp dụng. Trên địa bàn thành phố Thái Bình hiện nay, thông tin về các dự án còn chưa được phổ biến rộng khắp, thông tin chỉ mới được dán tại một vài điểm như tại sở Tư pháp, Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện, Ủy ban nhân dân phường. Đối tượng được tiếp cận thông tin này còn khá hẹp, nên chăng thông tin cần được công bố ở các khu nhà sinh hoạt chung của tổ dân phố, thông báo trên các phương tiện thông tin, truyền thông sẽ dễ được tiếp cận hơn. Vì vậy, pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cần dân chủ, minh bạch, công khai, khách quan công bằng. Tạo điều kiện cho cơ chế dân chủ tôn trọng trong quá trình thi hành sẽ tạo sự đồng thuận cao với người bị thu hồi đất và hạn chế phát sinh tranh chấp khiếu nại kéo dài.

Ba là, hoàn thiện các quy định trong địa bàn thành phố Thái Bình về vấn đề bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, dựa trên nguyên tắc giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người bị thu hồi đất. Sự xung đột về lợi ích giữa các bên là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể sự thiệt hại hay ảnh hưởng tiêu cực thường rơi vào phía người có đất bị thu hồi song tác động tích cực hay lợi ích lại nằm ở phía đối tượng được tiếp cận đất đai như chủ doanh nghiệp, chủ đầu tư. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền thành phố nên thay sử dụng sức mạnh cưỡng chế để giải quyết bằng các phương án đối thoại, tham vấn, để xem xét điều chỉnh. Đây là thái độ coi trọng quyền của người sử dụng đất, có điều này thì việc thu hồi đất bớt tùy tiện và bồi thường cho người mất đất một cách thỏa đáng hơn. Có như vậy thì sự phát triển của đất nước mới mang tính bền vững và đảm bảo sự công bằng xã hội.

Bốn là, dứt điểm hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hiện đại hóa hệ thống bản đồ địa chính, sơ đồ địa chính. Quyền sử dụng đất được pháp luật thừa nhận là một loại tài sản đặc biệt được phép trao đổi trên thị trường do tính chất đặc thù của chế độ sở hữu đất đai. Vì vậy, quyền sử dụng đất “cần được đóng gói để dễ dàng cầm nắm, trao đổi, nghĩa là chúng cần được đo đạc, lập hồ sơ vô thường, đánh số, cấp giấy chứng nhận để dễ dàng lưu chuyển. Chứng thư đó càng ổn định, càng đáng tin cậy, thì đất đai mới sống tự do có cuộc đời riêng của nó…”. Nên khi người sử dụng đất được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, họ sẽ được pháp luật bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp trong sử dụng đất đai. Điều này giúp thuận lợi trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai cũng như minh bạch vì quyền lợi kinh tế của người đang sử dụng đất. Khi người sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc tính toán bồi thường khi nhà nước thu hồi đất sẽ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Để công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai được thuận lợi thì chính quyền thành phố cần hướng tới việc hoàn thành dứt điểm công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố là đi đôi với hiện đại hóa hệ thống bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính.

Năm là, sớm thành lập Trung tâm thông tin về kế hoạch, dự án thu hồi đất đồng bộ từ tỉnh tới các huyện, thành phố. Hiện nay, tỉnh Thái Bình đã có cổng thông tin điện tử và mạng văn phòng, người dân có thể truy cập được các thủ tục hành chính qua trang website dịch vụ công, song về thông tin đất đai, các dự án thu hồi đất… còn chưa có hoặc có rất ít. Vì vậy, cần có cổng thông tin về đất đai chuyên biệt, cập nhật liên tục để phục vụ người dân truy cứu thông tin thuận tiện, tránh tình trạng mù mờ dẫn đến khiếu kiện đáng tiếc như hiện nay.

IV. Kết luận

Áp dụng pháp luật về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất là việc làm cần thiết có ý nghĩa và tầm chiến lược quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xử lý vi phạm hiệu quả và hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp... Vấn đề bồi thường thiệt hại của nhân dân, Nhà nước cần tiếp cận tổng thể về kinh tế, xã hội, môi trường để quốc gia ổn định và phát triển bền vững. Phát triển bền vững không chỉ là một chiến lược, một phong cách sống vì tương lai mà là một quá trình hòa nhập sự phát triển mọi mặt của con người, của xã hội với thiên nhiên. Những đánh giá cũng như giải pháp hoàn thiện pháp luật để có thể áp dụng vào thực tiễn sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2017), Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Quốc hội, (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013.

3. Quốc hội, (2013), Luật Đất đai số 45/2013/QH13, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29/11/2013.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, (2014), Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về ban hành quy định phân cấp quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; quản lý cấp giấy phép xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

5. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, (2014), Quyết định số 08/2014/QĐ-UBND ngày 30/6/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về ban hành Quy định một số chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình;

6. Doãn Hồng Nhung, (chủ biên), (2013), pháp luật về định giá đất trong bồi thường, giải phóng mặt bằng ở Việt Nam, NXB Tư Pháp.

7. Phạm Duy Nghĩa (2004), "Một số bình luận về Luật Đất đai năm 2003 dưới khía cạnh chính sách pháp luật", Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, (số 6).

Improving the effectiveness of law enforcement on compensation when the state recovers land in Thai Binh City

Assoc. Prof. PhD. Doan Hong Nhung

School of Law - Vietnam National University, Hanoi (VNU)

Nguyen Thu Thao

People's Committee of Thai Binh City

ABSTRACT:

With relatively flat terrain, Thai Binh province has a very large land fund, especially in Thai Binh city. However, it is also a challenge for local authorities to meet the needs of land-usage for economic, social, technical infrastructure development projects. In order to achieve this objective, Thai Binh city must carry out land recovery and while making good compensation. However, in the recent time, Thai Binh city has been facing many challenges in the implementation of legal provisions on compensation when the State recovers land. In that context, we choose to study the legal provisions on compensation when the State of land recovery is applied in practice as necessary to help find solutions to the shortcomings and improve the effectiveness of the application of the law on compensation when the State recovers land in Vietnam in general and Thai Binh city in particular.

Keywords: Law on compensation for damages, land recovery, compensation policy, support, resettlement, Thai Binh City.