Cơ quan Thống kê New Zealand vừa công bố dữ liệu chính thức cho thấy tăng trưởng GDP của nước này trong quý 1/2023 là âm 0,1%. Trước đó, trong quý 4/2022, nước này cũng ghi nhận mức tăng trưởng GDP là âm 0,7%. Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế New Zealand chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật với 2 quý tăng trưởng GDP âm liên tiếp.
Bộ trưởng Tài chính New Zealand Grant Robertson cũng lên tiếng xác nhận quốc gia Nam Thái Bình Dương này đang bước vào thời kỳ suy thoái. Đây là cuộc suy thoái đầu tiên của New Zealand kể từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 khiến chính phủ nước này phải đóng cửa biên giới, khiến nguồn thu từ du lịch và xuất khẩu sụt giảm mạnh.
Ông Grant Robertson cho biết việc New Zealand rơi vào suy thoái là điều “không có gì ngạc nhiên” trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, lạm phát duy trì ở mức cao và có dấu hiệu kéo dài. Bên cạnh đó, nền kinh tế New Zealand còn chịu tác động tiêu cực từ các đợt thiên tai gần đây.
Vào tháng 1/2023, lũ lụt đã diễn ra trên diện rộng tại vùng Auckland, khu vực đông dân nhất của New Zealand; tiếp sau đó là cơn bão Gabrielle vào tháng 2/2023 đã gây thiệt hại nặng nề tại nhiều nơi, tạo ra gánh nặng đối với nền kinh tế New Zealand.
New Zealand được nhận định khó có thể tránh khỏi suy thoái khi Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) đang thực hiện một trong những đợt tăng lãi suất mạnh nhất trên thế giới nhằm kiềm chế lạm phát. Quốc gia này cũng là một trong những nước đầu tiên trên thế giới nâng lãi suất trrong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ lần này.
Kể từ tháng 10/2021 đến nay, quốc gia này đã 12 lần liên tiếp tăng lãi suất, đưa lãi suất điều hành lên mức 5,5% - mức cao nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào năm 2008.
Mặc dù đã mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ nhưng lạm phát tại New Zealand đang có dấu hiệu neo cao, đạt 6,7% trong tháng 5/2023; trong tháng 6/2022, lạm phát tại nước này đã lập đỉnh, đạt 7,3%. Mức lạm phát hiện tại cao hơn rất nhiều so với mức mục tiêu 2% của RBNZ. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức thấp 3,4%, khiến nền kinh tế New Zealand đứng trước nguy cơ rơi vào vòng xoáy tăng tiền lương - lạm phát cao kéo dài.
Một số nhà kinh tế học cho rằng nền kinh tế New Zealand rơi vào suy thoái sớm hơn nhận định, nguyên nhân một phần là do chính sách cứng rắn của RBNZ. RBNZ hiện cho biết việc giảm lãi suất sẽ được thực hiện sớm nhất là trong năm sau. Đồng thời, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo New Zealand không nên vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc cần phải nhanh chóng tìm kiếm giải pháp thúc đẩy nền kinh tế nước này. Dự kiến, ông Chris Hipkins sẽ có chuyến thăm Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand, vào cuối tháng này, nhằm mục đích cải thiện quan hệ thương mại song phương giữa hai quốc gia.