Ngân hàng Nhà nước bác bỏ tin đồn về việc thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá

Ngân hàng Nhà nước khẳng định cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay đủ để tỷ giá trên thị trường có dư địa diễn biến linh hoạt và nhấn mạnh sẽ không thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá.

Trả lời báo chí về công tác điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bác bỏ tin đồn thất thiệt về việc thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá.

Ông Phạm Chí Quang khẳng định, với cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỷ giá đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt; một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là không chính xác, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường.

Ngân hàng Nhà nước
Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trả lời báo chí về vấn đề tỷ giá.

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng cho biết, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tỷ giá căng thẳng trong thời gian gần đây.

Thứ nhất, lạm phát duy trì cao tại Mỹ, khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất.

Sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất của Fed, cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số vùng lãnh thổ, khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh.

Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường sức mạnh giữa đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt trên toàn cầu, đã tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.

Thứ hai, từ đầu năm đến giữa tháng 5/2024, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh - ước đạt 132,23 tỷ USD, tăng 19,7 tỷ USD (tăng 17,5%) so với cùng kỳ năm 2023, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu năm phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, từ đó tạo nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, có thể giải tỏa bớt áp lực tỉ giá trong thời gian tới.

Cuối cùng, trong khi Mỹ tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế khiến chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền âm, thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai - chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại.

Áp lực càng tăng khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỉ giá.

Với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đề cập ở trên, từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD, tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực: Đô la Đài Loan (Trung Quốc) (giảm 5,06%), Baht Thái Lan (giám 6,31%), Won Hàn Quốc (giảm 5,66%), Yên Nhật (giảm 10,87%), Rupiah Indonesia (giảm 3,87%), Peso Philippines (giảm 4,82%), Nhân dân tệ (giảm 2,04%).

Sức ép tỷ giá
 Ngân hàng Nhà nước nhận định cân đối cung - cầu ngoại tệ tới đây có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn.

Xem thêm: "Sức ép tỷ giá còn kéo dài, Ngân hàng Nhà nước có thể nâng lãi suất điều hành?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ông Phạm Chí Quang khẳng định, tất cả các khó khăn, thách thức nêu trên của thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn, vì trong thời gian tới với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng.

Còn doanh nghiệp vừa qua tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai, qua đó cân đối cung - cầu ngoại tệ tới đây có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn.

Đồng thời, giới tài chính quốc tế duy trì quan điểm dự báo nhiều khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2024, từ đó giảm bớt áp lực mất giá cho các đồng tiền trên thế giới, trong đó có VND.

“Với cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỷ giá thị trường đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt. Như vậy, một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường. Do đó, doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trước những tin đồn", ông Phạm Chí Quang nói.

Duy Quang