Ngàn năm mây trắng bay theo...

Khi được nghe bài hát Mẹ tôi của Trần Tiến, tôi đã khóc thật nhiều. Tôi may mắn còn mẹ nên tôi cảm thấy không có mất mát nào lớn bằng mất mẹ, kể cả khi người con đó bao nhiêu tuổi.

 

me
Nhớ mẹ...

Nghe bài hát, tôi nghĩ đến mẹ tôi, nhưng người tôi nghĩ nhiều hơn và ám ảnh đến dai dẳng lại là bà ngoại. Sắp sửa đến ngày sang cát cho bà, càng nghe bài hát, tôi càng nhớ về những ngày cuối cùng của bà – những ngày buồn khó quên đến mức bây giờ tôi vẫn nhớ như in…

Buổi sáng hôm đó, nghe tin bà bị tai biến ở nhà bác Vọng, tôi vội chạy sang lòng nghi hoặc vì gần đây bà rất hay ốm đau vặt vãnh, thật cũng có nhưng làm nũng con cháu cũng có. Sang đến nơi thì bà đã rơi vào trạng thái hôn mê, nhưng bên chân trái của bà tại sao lại đóng nẹp tre băng bó thế kia? Nghe mọi người nói thì hóa ra bà bị ngã gẫy chân. Tôi sửng sốt vì không hiểu tại sao lại có thể vừa tai biến lại vừa bị gẫy chân. Vậy thì bà bị cái gì trước? Và tại sao lại gẫy chân? Mọi người hối hả đưa bà đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức. Cuốn theo dòng người ồn ào, đông đảo con cháu, chúng tôi đi theo như mê sảng. Bệnh viện này lúc nào chẳng đông, bác sĩ xem qua bệnh tình của bà rồi đưa vào phòng cấp cứu. Rồi họ đưa một ống tuýp gì đó rất to, nó to đến mức khi đưa vào miệng bà tôi nó khiến bà tôi thở hồng hộc như một người sắp hết hơi, nhìn rớt nước mắt… Rồi bà cứ thở như thế, dẫy dụa, đạp lung tung loạn xạ… trong trạng thái hoảng lọan của một con người dường như đang trong những phút cuối. Bác sĩ tư vấn nên đưa bà vào A9 Bệnh viện Bạch Mai cho đúng với chuyên môn của bệnh viện – một tiên lượng xấu. Như mộng du, cả nhà lại lục tục đưa bà vào A9. Nhìn bà nằm trên cáng với một bên chân trái đổ gập chằng chịt nẹp và dây thương ứa nước mắt…

me 3
Côi cút, cô đơn...

Bà vào A9 rồi không bao giờ trở về nhà nữa!

Đến tối hôm đó, bác sĩ ở A9 bảo đưa bà về nhà lo hậu sự rồi kèm theo những cái lắc đầu ái ngại. Trước đó, trong khi thăm khám cho bà, họ đã rút ra trong miệng bà một lượng chất lỏng mầu nâu sền sệt. Đó chính là thuốc An cung ngưu hoàng hoàn mà mọi người đã cho bà uống. Hỡi ôi, thuốc nào cứu được bà tôi!

Bà được đưa về nhà miệng vẫn ngậm ống thở nối một đầu với bình ô xi. Bọn chúng tôi thay phiên nhau bóp bóng, mỏi tay rã rời vẫn cố gắng bóp với hy vọng sẽ có điều kỳ diệu xảy ra. Nhưng chẳng có điều kỳ diệu nào xảy ra. Mọi người đi xem thầy để chọn giờ đẹp rồi rút bình ôxi cho bà. Lúc đó cảm giác của tôi giống hệt như hồi bà nội tôi mất, đó là trống rỗng. Tôi không tin. Tôi dứt khoát không tin rằng, một con người, mới vừa cười vừa nói, vừa chuyện trò vui vẻ, vừa ăn vừa nói, tư duy, hoạt bát… đến thế, tại sao, cái gì đã khiến mọi hoạt động này dừng lại? Không thể!

Bà tôi có tới 9 người con cả trai lẫn gái, mẹ tôi là con thứ 5 theo thứ tự, còn con gái thì là thứ ba. Vì đông con nên bà nhiều cháu, hơn 20 người cháu cả trai lẫn gái. Mỗi người thương mẹ, thương bà theo một cách khác nhau, nhưng tôi luôn nghĩ, mẹ tôi thương bà lắm và tình thương đó vẫn còn cho đến tận giờ phút này khi mà bà đã đi xa mấy năm rồi. Mỗi độ tết về, mẹ lại nhớ bà thích ăn bánh chưng. Kho một nồi cá ngon mẹ lại lẩm bẩm “Ngày xưa bà thích ăn cá nhừ nhai được cả xương như thế này lắm”. Rồi nhìn thấy cái áo len, cái quần đen đẹp, miếng vải lụa mềm mát, mẹ lại mân mê sờ và mắt chợt buồn xa xăm, tôi biết mẹ nhớ bà lắm. Trong nỗi nhớ da diết đó có một niềm an ủi rất lớn, đó là khi bà còn sống, mẹ đã báo hiếu vẹn toàn, nhưng cũng không tránh khỏi đôi khi có những lời nói to, những cao giọng, những bắt bẻ, nói năng khiến bà không vui. Tôi biết, lòng mẹ luôn thầm ao ước: Giá mà…

me 2
Khóc như trẻ con

Còn tôi, đến tận khi bà mất, tôi mới cảm thấy tình cảm của mình đối với bà không phải là thứ tình cảm nhẹ bẫng của một đứa cháu ngoại không ở cùng, ít gắn bó như tôi vẫn nghĩ. Sự ra đi không nhẹ nhàng của bà khiến tôi luôn trào nước mắt mỗi khi nhớ lại. Và thước phim đó vẫn quay mãi trong trí nhớ của tôi khôn nguôi…

Nên khi nghe bài hát Mẹ tôi của Trần Tiến, nỗi lòng của những người con chợt rung lên. Với tôi, hai câu mở đầu phiên bản Trần Thu Hà xin phép chú Trần Tiến sửa “con đã già rồi” thành “con lấy chồng rồi” thích hợp hơn vì có dịp nhớ lại cảm giác cách đây gần 10 năm khi bước chân về nhà chồng. Nhưng dù ở tuổi nào, trước nỗi đau mất mẹ ai cũng đau lòng như ai.

Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con

Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa

Ngày xưa cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo ngoài hiên, mùa đông cây bàng lá đổ….

….Biển sóng thét gào một ngày nhớ mẹ sóng trào khơi xa

Trời gió mây ngàn một ngày khóc mẹ trăng tàn sao rơi

Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình.

Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ.

Trèo lên dãy núi thiên thai ối a mẹ tôi về đâu?

Ngàn năm mây trắng bay theo ối a mẹ ơi mẹ về đâu?

Hoàng Quân