Đó là vấn đề được nhiều đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Bắc trao đổi, thảo luận tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VI - năm 2019. Hội nghị do Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức vào sáng 24/5/2019.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được của ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 và là dịp để Sở Công Thương các tỉnh, thành phố kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trong những tháng cuối năm.
Xuất khẩu qua biên giới phía Bắc gặp khó
Báo cáo kết quả hoạt động của ngành Công Thương khu vực phía Bắc năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng, ông Bùi Quang Hải cho biết, năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại khu vực phía Bắc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của khu vực cũng như của cả nước.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 (giá so sánh năm 2010) toàn khu vực đạt 4.035,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14,9 % so với cùng kỳ năm 2017. Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp vào tăng trưởng chung toàn ngành công nghiệp trong khu vực như: Hà Tĩnh, tăng 86,1%; Thanh Hóa tăng 34,2%; Hải Phòng tăng 27%; Ninh Bình tăng 23,6%...
Đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2019, sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố trong khu vực đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) 4 tháng đầu năm 2019 của khu vực ước đạt 1.324 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 29,09% kế hoạch năm.
Trong lĩnh vực thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ khu vực phía Bắc năm 2018 đạt 1.498,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017, nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của toàn khu vực và cả nước là: Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng...
Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực phía Bắc năm 2018 đạt 127,1 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 51,95% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu toàn khu vực ước đạt 41,2 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ, chiếm 52,26% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (cả nước tăng 5,8%).
Mặc dù hoạt động xuất khẩu đạt được những tín hiệu tích cực, tuy nhiên đại diện Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết,gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh tăng trưởng chậm, thiếu ổn định, khó khăn về cơ chế, chính sách.
4 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn ước đạt 1,5 triệu USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh nói riêng và các tỉnh biên giới nói chung phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Theo đại diện Sở Công Thương Lạng Sơn, hàng năm, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gần 20 loại trái cây và nhiều nông sản khác, trong đó Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định thư về kiểm dịch thực vật, cho phép 8 loại quả nhập khẩu vào thị trường này, còn các loại quả khác chỉ có thể xuất khẩu qua đường tiểu ngạch theo hình thức trao đổi của cư dân biên giới.
Tuy nhiên, từ 1/5/2018, phía Trung Quốc áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản nhập khẩu, siết chặt quản lý nhập khẩu biên mậu nên một số loại trái cây, nông sản Việt Nam như: na, chuối, bưởi, dừa, chanh leo... không được xuất khẩu biên mậu, dẫn đến hàng nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn giảm đáng kể.
Cùng chung vướng mắc, ông Đỗ Trường Giang - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho rằng, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tăng trưởng thiếu tính ổn định và bền vững, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu còn nhiều bất cập. Phía Trung Quốc thường xuyên tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở.
Trong khi đó, sản xuất kinh doanh hàng nông sản của bà con trong tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, các sản phẩm hàng hóa không đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của phía nhà nhập khẩu, do vậy, hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian qua của tỉnh vô cùng khó khăn và có chiều hướng tăng trưởng chậm lại.
Gỡ khó bằng đàm phán để đột phá xuất khẩu
Ghi nhận những kiến nghị, vướng mắc của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đưa ra thêm nhiều nguyên nhân khiến hoạt động xuất nhập khẩu của các tỉnh khu vực này tăng trưởng chậm lại, chưa ổn định.
Theo Thứ trưởng, đó là do nhiều mặt hàng xuất khẩu chưa phong phú, đa dạng, khả năng cạnh tranh thấp, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm chế biến thô, gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều chưa được xây dựng được thương hiệu riêng, vững chắc.
Đặc biệt là công tác xây dựng, quản lý thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu của thị trường còn hạn chế, dẫn đến tình trạng hàng hóa sản xuất bị dư thừa hoặc thiếu hụt so với nhu cầu của thị trường, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng, Thứ trưởng Đặng Hoàng An yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020 định hướng đến năm 2030.
Trong đó, phải tập trung thúc đẩy xuất khẩu các ngành hàng có thế mạnh của khu vực nhằm củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống và khai thác thị trường xuất khẩu mới. Đặc biệt phải theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, phổ biến về các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội mới.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần duy trì liên kết, trao đổi thông tin giữa các Sở. Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu linh hoạt, phù hợp với các cơ chế, chính sách của địa phương và các nước Trung Quốc, Lào.
Các tỉnh, thành phố phải chú trọng hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm thông qua các hội nghị, hội thảo để kết nối đưa hàng hóa vào trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, buôn bán biên giới, duy trì và quản lý tốt hoạt động tại cửa khẩu phụ, lối mở, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Đề xuất thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Lào Cao, ông Đỗ Trường Giang kiến nghị, các Bộ, ngành liên quan cần tăng cường đàm phán vơi phía Trung Quốc về từng loại, chủng loại mặt hàng có thể xuất khẩu được sang thị trường nước bạn và thông tin rõ hơn, cụ thể hơn những yêu cầu về rào cản kỹ thuật từ Trung Quốc để doanh nghiệp Việt Nam chủ động trong kinh doanh, chủ động ứng phó với những rủi ro thương mại để đảm bảo phát triển bền vững.