Ngành da giầy Việt Nam - đón đầu cơ hội CPTPP và EVFTA

Sáng 13/12, Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ (DĐ CNHT) Việt Nam với chủ đề “Ngành da giầy Việt Nam – đón đầu cơ hội CPTPP và EVFTA” đã được chính thức khai mạc tại TPHCM.

Chương trình do Bộ Công Thương giao cho Cục Công nghiệp phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức. Mục đích của diễn đàn nhằm phân tích bức tranh tổng quan về tình hình phát triển của ngành công nghiệp Da Giầy và công nghiệp hỗ trợ cho ngành Da Giầy Việt Nam, đồng thời, đề ra những chính sách, giải pháp chiến lược nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam “bước” vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc Diễn đàn

Theo số liệu của Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương Việt Nam bắt đầu quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới từ khi gia nhập ASEAN năm 1996, đến nay Việt Nam đã ký kết 14 hiệp định tự do thương mại đa phương và song phương, trong đó có Hiệp định CPTPP, EVFTA là yếu tố thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước đầu tư vào ngành da giầy tại Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng được cắt giảm thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. 

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Da giầy Việt Nam là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng qua các năm, mức tăng bình quân trên 10%/năm. Ngành da giầy đã và đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD trong năm 2018, và đạt trên 10 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2019, tạo ra 1,5 triệu việc làm, đảm bảo ổn định an sinh xã hội, và chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Nhờ những bước chuyển mình như vậy, ngành da giầy Việt Nam luôn duy trì được vị thế trên thị trường thế giới, đứng thứ hai sau Trung Quốc cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng giầy dép. Tuy nhiên, những kết quả đạt được chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia, tuy chiếm tỉ trọng nhỏ về số lượng doanh nghiệp (trên 10%) nhưng đóng góp lớn về kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành (70-80%).”

Diễn đàn CNHT VN 2019 "Ngành Da Giầy Việt Nam - đón đầu cơ hội CPTPP và EVFTA" đã thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đến tham dự.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẽ thêm, năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giầy dép sang hơn 100 nước, trong đó trên 50 nước có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 triệu USD. Riêng thị trường nội địa, Việt Nam là thị trường tiềm năng của ngành da - giầy với dân số 95 triệu người. Ước tính nhu cầu tiêu thụ giầy dép tại Việt Nam năm 2018 khoảng 190 triệu đôi (bình quân 1,9 đôi/người/năm) và tiếp tục tăng do người dân có thu nhập ngày càng cao. Hiện nay, với mức thuế nhập khẩu 0% đối với hàng hóa lưu thông nội khối và giữa ASEAN với Trung Quốc, các nước ASEAN và Trung Quốc đã đẩy mạnh bán hàng sang Việt Nam, tăng sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước. Một số thương hiệu giầy dép, túi xách cao cấp nhập khẩu từ Italia, Pháp...

Theo Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam (Lefaso) dự báo, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm da giầy tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam những tháng cuối năm vẫn tăng trưởng ổn định. Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu da giầy đạt khoảng 21,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018. 6 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giầy đạt trên 10,33 tỷ USD. Trong đó, giầy dép đạt 8,53 tỷ USD, túi xách đạt 1,8 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu giầy dép lớn nhất trong 6 tháng đầu năm là Mỹ, tiếp đến là EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Riêng sản phẩm giầy dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 100 nước, trong đó 50 nước có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 triệu USD. Hiện ngành da giầy Việt Nam giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu trên thế giới và là một trong những ngành có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.

Ông Diệp Thành Kiệt - PCT Lefaso phát biểu tại Diễn đàn.

Theo chia sẻ tại Diễn đàn, ông Diệp Thành Kiệt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da Giầy – Túi xách Việt Nam cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước đã mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, tăng cường thiết kế mẫu, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nhiều thương hiệu giầy Việt: VINA Giầy, T&T, Biti’s, Bita’s, Asia Shoes, giầy Hồng Thạnh… đã được người tiêu dùng biết đến.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành da giầy Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA)… Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Lefaso cho biết để tận dụng được những cơ hội lớn thì Hiệp hội Da-Giầy-Túi xách Việt Nam (Lefaso) cũng như các doanh nghiệp cần giải quyết các điểm nghẽn mà ngành đang gặp phải cụ thể Công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước tránh phụ thuộc nhập khẩu (>80%); tích cực đẩy mạnh chính sách khuyến khích phát triển Công nghiệp hỗ trợ; các quy hoạch phát triển ngành theo cụm liên kết và chuỗi giá trị; phát triển được thương hiệu mạnh và đội ngũ thiết kế trong nước; tăng cường phát triển nguồn nhân lực trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và R&D cho ngành.

Các cơ quan QLNN, Hiệp hội, Doanh nghiệp cùng trao đổi tại buổi tọa đàm

 

Hồng Lực