Ông Trương Văn Cẩm cho biết, ngành dệt may là một ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn (năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 44 tỉ USD). Bên cạnh đó, đây là ngành giải quyết số lượng lớn việc làm cho người lao động (khoảng 2 triệu người lao động làm việc trong các nhà máy, khoảng 1 triệu người lao động tham gia kinh doanh thương mại và dịch vụ liên quan). Đây là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.
Đối với ngành dệt may, hàng Việt Nam không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn đẩy mạnh xuất khẩu, chinh phục người tiêu dùng nước ngoài. Trên thế giới, trong đó có nhiều nước phát triển, có rất nhiều sản phẩm made in Việt Nam, đa dạng từ may mặc, da giày, thuỷ hải sản, … đến nhiều sản phẩm công nghiệp khác. Đây cũng là niềm tự hào hàng Việt Nam.
Tuy nhiên có một câu hỏi ngành dệt may nhận được rất nhiều, đó là tại sao ngành tập trung vào xuất khẩu mà quên đi thị trường nội địa. Thực ra ngành dệt may không quên đi thị trường nội địa. Đúng hơn là năng lực sản xuất của ngành hiện nay vào khoảng 50 tỉ USD, trong đó khoảng 85 - 87% là xuất khẩu, còn lại là phục vụ thị trường trong nước.
Nếu chỉ tập trung vào thị trường trong nước thì dung lượng thị trường quá nhỏ so với năng lực sản xuất. Vì vậy ngành dệt may vừa khai thác các thị trường xuất khẩu có tiềm năng, vừa tập trung vào phục vụ thị trường trong nước. Đại diện Hiệp hội Dệt may khẳng định, ngành dệt may Việt Nam phải đi bằng hai chân, không chỉ tập trung vào một trong hai thị trường.
Về thị trường trong nước, nền kinh tế hiện đang trên đà phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng khá nhanh. Dự kiến năm 2024, con số này là 4700 USD/người/năm. Ước tính, nếu khoảng 15 % thu nhập của người dân dành cho tiêu dùng thì dung lượng của thị trường nội địa sẽ đạt khoảng 7 tỉ USD vào năm sau.
Bên cạnh đó, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và nhiều hoạt động khác đã thay nhận thức của người tiêu dùng. Nếu như trước đây người dân lựa chọn sản phẩm nước ngoài thì giờ đây, hàng hoá Việt Nam được tin dùng. Doanh nghiệp cũng thay đổi tư duy sản xuất, từ thiết kế mẫu mã, sử dụng đa dạng nguyên phụ liệu để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, có sự thay đổi để phù hợp với từng vùng miền, lứa tuổi, thu nhập, ...
Tuy nhiên thị trường nội địa không chỉ toàn là cơ hội, các doanh nghiệp dệt may cũng gặp nhiều thách thức khi phát triển trong nước. Hàng may mặc Việt Nam phải cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu,… Những hàng hoá này khi thâm nhập vào Việt Nam thậm chí còn có thể được thay đổi nhãn mác, đánh lừa người tiêu dùng.
Ngoài ra, trong ngành dệt may, chuỗi cung ứng rất dài, từ sợi vải đến sản phẩm may mặc. Không chỉ người tiêu dùng cuối cùng sử dụng sản phẩm mới là ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà ngay từ khâu lựa chọn nguyên phụ liệu cũng cần có những chính sách khuyến khích, động viên sử dụng sản phẩm của Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng chia sẻ Hiệp hội và các doanh nghiệp rất ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng Bộ Công Thương trong các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, các hoạt động tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu, khẳng định chất lượng sản phẩm Việt.