Ngành thép bận rộn với đơn hàng xuất khẩu

Ngay những ngày đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp ngành thép đã có được hợp đồng xuất khẩu. Đây là tín hiệu vui, giúp doanh nghiệp lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong năm nay.

Tấp nập đơn hàng

 

Bất chấp hàng loạt vụ phòng vệ thương mại đổ lên các sản phẩm sắt thép xuất khẩu của Việt Nam, kết thúc năm 2018, ngành thép vẫn có một năm xuất khẩu bội thu, khi giá trị xuất khẩu, chỉ tính riêng sắt thép các loại, đã tăng thêm gần 1,5 tỷ USD so với năm 2017.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu 6,282 triệu tấn sắt thép, đạt kim ngạch 4,558 tỷ USD, tăng 33,5% về sản lượng và tăng 49% về kim ngạch. Nếu tính xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép trong năm 2018 đạt 3,024 tỷ USD, thì tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép và sản phẩm từ sắt thép đạt gần 7,6 tỷ USD.

Tiếp đà tăng của năm 2018, những hợp đồng xuất khẩu lớn vẫn được các doanh nghiệp xuất đi trong những tháng đầu năm 2019, kể cả thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, báo hiệu một năm xuất khẩu bận rộn của ngành này.

Cụ thể, Tập đoàn Hoa Sen đã ký được đồng xuất khẩu 4.300 tấn tôn, trị giá 3,7 triệu USD đi thị trường một số nước châu Mỹ, cùng với đó là lô hàng 17.000 tấn tôn, trị giá hơn 14 triệu USD được xuất thành công từ Cảng quốc tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) sang Hoa Kỳ.

Ông Trần Ngọc Chu, Phó chủ tịch HĐQT Thường trực điều hành Tập đoàn Hoa Sen cho biết, suốt dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, các hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, các dây chuyền trọng yếu ở các nhà máy trên cả nước vẫn hoạt động, các bộ phận bán hàng, kinh doanh xuất khẩu vẫn đảm bảo liên tục phục vụ cho nhu cầu khách hàng trong nước và xuất khẩu.

Đến nay, hoạt động xuất khẩu đóng vai trò chủ lực, chiếm khoảng 40% doanh thu của Tập đoàn Hoa Sen. Trong hai năm 2017 - 2018, doanh thu xuất khẩu của Hoa Sen vượt 538 triệu USD, tăng 27%. Riêng năm 2018, sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Hoa Sen chiếm 37% sản lượng xuất khẩu ngành thép Việt Nam.

“Ông lớn” khác trong ngành thép là Hòa Phát vừa công bố đã chốt được đơn hàng xuất khẩu gần 1.000 tấn ống thép tôn mạ sang Ấn Độ, trị giá trên 600.000 USD.

Ngoài thị trường Ấn Độ, trong tháng 1, Hòa Phát cũng mở hàng đầu năm với nhiều đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Canada.

Theo Bộ Công thương, trong tháng 1/2019, Việt Nam đã xuất khẩu 650.000 tấn sắt thép các loại, với giá trị khoảng 405 triệu USD, tăng 46,6% về lượng và 27,1% giá trị so với cùng kỳ 2018.

Lường trước những khó khăn

 

Bộ Công thương cho biết, sự tăng trưởng của ngành thép trong năm 2018 chủ yếu là do kinh tế trong nước tiếp tục duy trì ổn định, nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản được triển khai. Đặc biệt, việc giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ chú trọng, triển khai sớm, tạo tiền đề tốt cho tăng trưởng của ngành.

Bước sang 2 tháng đầu năm 2019, tình hình ngành thép vẫn diễn biến tốt. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng cảnh báo, các doanh nghiệp phải lường trước những khó khăn. Theo đó, khó khăn đến từ xu hướng bảo hộ trên thế giới vẫn gia tăng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, giá nguyên liệu tiếp tục bất ổn sẽ có tác động đến ngành thép.

Báo cáo triển vọng ngành thép năm 2019 mới được Công ty Chứng khoánVietcombank (VCBS) công bố cho biết, đến nửa cuối năm 2018, mặt bằng giá thép xây dựng tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức trên 13 triệu đồng/tấn. Nhưng tình hình đã thay đổi kể từ quý IV/2018, khi giá thép tại Trung Quốc bắt đầu giảm mạnh do các động thái nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế này bắt đầu chậm lại, cũng như nguồn cung thép tại quốc gia này bắt đầu dư thừa.

Trong năm 2019, nhiều khả năng giá thép giảm xuống dưới 12 triệu đồng/tấn. Trong kịch bản giá nguyên liệu đi ngang ở thời điểm hiện tại, VCBS ước tính điểm hòa vốn các doanh nghiệp thép sẽ ở mức khoảng 12,035 triệu đồng/tấn.

Với tôn mạ, xu hướng bảo hộ trên thế giới, đặc biệt tại thị trường ASEAN, châu Âu và Mỹ đã khiến các doanh nghiệp tôn mạ gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, công suất toàn ngành lại tăng khá nhanh trong năm 2018. Toàn ngành đã sản xuất thêm tới 1,9 triệu tấn tôn mạ từ hàng loạt dự án của các công ty thép lớn như Nam Kim, Hoa Sen, Tôn Phương Nam và Hòa Phát được triển khai, khiến mức độ cạnh tranh trên thị trường nội địa rất gay gắt.

Bộ Công thương khuyến nghị, các doanh nghiệp ngành thép cần liên tục cập nhật, phân tích, nắm bắt thị trường để cân đối sản xuất, kinh doanh, chú ý vấn đề cung - cầu của thị trường. Cùng với đó, doanh nghiệp thép cần đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới đầu tư cũng như quản trị nâng cao năng suất lao động.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ giúp tiêu thụ thép khởi sắc

Các doanh nghiệp ngành thép kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách, giải pháp để kiểm soát và ngăn chặn việc nhập khẩu tràn lan các mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được, ngăn chặn sự nhập khẩu ồ ạt thép giá rẻ từ Trung Quốc, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện biện pháp phù hợp để kích cầu và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung các công trình trọng điểm, kích cầu thị trường bất động sản để giúp tiêu thụ thép khởi sắc.