TÓM TẮT:
Trong thời gian vừa qua, mặc dù hoạt động logistics tại Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đã được chú trọng và có những bước tiến chuyển đáng khích lệ, nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Trong khuôn khổ của bài viết này, tác giả hệ thống hóa những nội dung cơ bản của hoạt động logistics và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời phân tích các nhân tố ảnh hưởng của hoạt động logistics đến hiệu quả kinh doanh. Trên cơ sở những phân tích đó, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm chi phí hợp lý, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Từ khóa: Hoạt động logistics, hiệu quả kinh doanh, doanh nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Khi thị trường toàn cầu phát triển với các tiến bộ công nghệ, đặc biệt là việc mở cửa thị trường ở các nước đang phát triển như Việt Nam, logistics được các nhà quản lý coi như là một công cụ, phương tiện để thực hiện các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Hoạt động logistics ngày nay không chỉ gắn liền với hoạt động kho vận, giao nhận vận tải, mà còn lên kế hoạch, sắp xếp dòng chảy nguyên, vật liệu từ nhà cung ứng đến nhà sản xuất, sau đó luân chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng, tạo nên sự liên thông trong toàn xã hội theo những phương án tối ưu hóa, giảm chi phí luân chuyển và lưu kho. Chuỗi logistics thực hiện tốt sẽ giúp giải quyết cả đầu vào lẫn đầu ra cho doanh nghiệp một cách hiệu quả, đưa sản phẩm, dịch vụ đến đúng nơi cần đến, vào thời điểm thích hợp với chi phí được giảm thiểu tối đa trong khi vẫn thỏa mãn được các yêu cầu của xã hội, của người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đã đạt được thành công lớn nhờ có chiến lược và hoạt động logistics đúng đắn. Nhưng cũng không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí thất bại vì có những quyết định sai lầm trong hoạt động logistics, như: chọn sai địa điểm, dự trữ không phù hợp, tổ chức vận chuyển không hiệu quả…
Theo kết quả điều tra của các nhà nghiên cứu thì chi phí logistics có thể vượt quá 25% chi phí sản xuất. Bất luận một công ty nào, dù ngành nghề kinh doanh là sản xuất sản phẩm hay cung ứng dịch vụ, mục tiêu hoạt động của họ vẫn là nâng cao hiệu quả kinh doanh, tối ưu hóa lợi nhuận trong khi vẫn đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp phải lựa chọn: hoặc tăng giá vốn hàng bán hoặc cắt giảm chi phí sản xuất. Trong tình hình cạnh tranh hết sức gay gắt trên thị trường như hiện nay, giải pháp cắt giảm chi phí bằng việc quản lý tốt các hoạt động logistics đang được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn.
2. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan trước đây
Mỗi một quốc gia hay doanh nghiệp đều phải thực hiện các hoạt động logistics dưới nhiều hình thức khác nhau. Trên thế giới và trong nước đã có nhiều các công trình nghiên cứu khoa học về logistics, tuy nhiên nghiên cứu tác động của logisitcs với hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì còn khá hạn chế.
- Mô hình tại Đại học Ohio Sate thể hiện mối quan hệ giữa các đặc trưng của chuỗi cung ứng, logistics và chiến lược sản xuất, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thông qua 4 nhân tố thành phần trong mô hình: chất lượng, phân phối, yếu tố linh hoạt và giá dịch vụ logistics; các nhân tố thành phần thể hiện hiệu quả kinh doanh, bao gồm: ROI, ROA, ROS, ROI Growth, ROA Growth và ROS Growth.
- Tác giả Kent Goudrin trong “Quản lý logisitcs toàn cầu - Một lợi thế cạnh tranh trong thế kỉ 21” (2006) đã đề cập đến các phân đoạn thị trường của logistics và các đặc trưng của từng phân đoạn thị trường đó, đưa ra các phương pháp thích hợp để quản lý tốt các hoạt động logistics, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh của doanh nghiệp nhờ vào việc kiểm soát hoạt động chuỗi cung ứng nhằm có thể tiết kiệm thời gian phục vụ khách hàng một cách tối ưu, thông qua đó làm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Tại Việt Nam, đã có một số các công trình nghiên cứu liên quan đến logistics và vai trò của nó đối với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp:
- Tác giả Nguyễn Quốc Luật và Nguyễn Thị Bích Ngọc (2013) đã tập trung phân tích những tiềm năng về thị trường logistics trong thời gian gần đây tại nước ta, coi logictics như một công cụ sắc bén trong việc tạo lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp; tuy nhiên, hoạt động logistics vẫn đang bị xem nhẹ, do vậy các doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị tốt về nhân lực, tài lực, vật lực để khai thác tối ưu các hoạt động này trong doanh nghiệp làm chi phí kinh doanh của doanh nghiệp nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất đang bị đẩy lên quá cao, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
- “Giải pháp phát triển dịch vụ logistics của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội” (2009) của GS.TS. Đặng Đình Đào nghiên cứu khá chi tiết về các dịch vụ logistics của doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là các dịch vụ logistics đi và logistics đến nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao hiệu quả cho các doanh nghiệp.
- Tác giả Nguyễn Xuân Hảo năm 2015 đưa ra mô hình các nhân tố tác động dịch vụ logistics đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Mô hình gồm có 6 biến độc lập: Chất lượng dịch vụ của các nhà cung cấp nguyên vật liệu, chất lượng dịch vụ của các nhà phân phối, chất lượng dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ logistics khác, mức độ tin dùng dịch vụ logisitcs thuê ngoài, mức độ sử dụng dịch vụ logistics cơ bản, mức độ sử dụng dịch vụ logistics gia tăng và 2 biến phụ thuộc đo lường hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp ROS, ROC.
3. Một số khái niệm cơ bản
“Logistics là quá trình tối ưu hóa về vị trí, chu chuyển hàng hóa và nguồn tài nguyên từ điểm đầu tiên của chuỗi cung ứng cho đến tay người tiêu dùng cuối cùng, thông qua hàng loạt các hoạt động kinh tế”. Chi phí logisitcs được hình thành từ chi phí của các hoạt động trong chuỗi cung ứng, bao gồm: Chi phí phục vụ khách hàng; chi phí vận tải; chi phí kho bãi; chi phí hệ thống thông tin; chi phí sản xuất, thu mua và chi phí dự trữ. Trong đó, thông thường chi phí vận tải và chi phí kho bãi chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng chi phí logisitics của doanh nghiệp.
“Hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh là một phạm trù kinh tế phản ánh trình độ sử dụng các nguồn lực (lao động, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, tiền vốn) nhằm đạt được mục tiêu doanh nghiệp đã xác định”.
Kết quả đầu ra: Doanh thu, lợi nhuận,…
Yếu tố đầu vào: Vốn, nhân công, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu...
Các chỉ tiêu thường được sử dụng để đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp là ROS (tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần); ROC (tỷ suất lợi nhuận trên chi phí); ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tài sản);...
Hiệu quả kinh doanh là tiêu chuẩn cao nhất của mọi sự lựa chọn kinh tế ở mọi doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh là một đòi hỏi tất yếu khách quan của toàn bộ nền kinh tế cũng như mỗi doanh nghiệp.
4. Phân tích và đề xuất mô hình các nhân tố ảnh hưởng của hoạt động logistics đối với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
Qua nghiên cứu, có thể thấy ảnh hưởng của hoạt động logicstics đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đến từ 6 yếu tố sau:
- Hoạt động logistics đầu vào
Hoạt động logistics đầu vào của doanh nghiệp chính là hoạt động cung cấp các nguồn tài nguyên, yếu tố đầu vào cho doanh nghiệp, trong đó vật tư chiếm tỉ trọng cao nhất và thường được nhắc đến nhất trong các yếu tố đầu vào. Vật tư bao gồm nguyên, nhiên vật liệu; máy móc, thiết bị; bán thành phẩm,... Chất lượng của quản trị vật tư sẽ có ảnh hưởng đến quyết định chất lượng của dịch vụ khách hàng và qua đó tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng cuối cùng. Hiện nay, tại các doanh nghiệp Việt Nam, giá trị của vật tư trong sản xuất thường chiếm từ 70% - 80% giá trị của sản phẩm, do đó khi ta tiết kiệm được dù chỉ là một lượng rất nhỏ vật tư sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm thì tổng lượng vật tư tiết kiệm được rất lớn, khi đó giá cả của sản phẩm sẽ giảm đi rất nhiều từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
- Hoạt động logistics đầu ra
Trong quá trình hoạt động logistics dịch vụ khách hàng chính là đầu ra, là thước đo chất lượng của toàn bộ hệ thống. Theo quan điểm mới thì dịch vụ khách hàng là các biện pháp trong hệ thống logistics được thực hiện sao cho giá trị gia tăng được cộng vào sản phẩm đạt mức cao nhất với tổng chi phí thấp nhất. Dịch vụ khách hàng có ảnh hưởng rất lớn đến thị phần, đến tổng chi phí bỏ ra và cuối cùng là đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Ở Mỹ, hoạt động dịch vụ khách hàng phát triển ngay từ đầu những năm của thập niên 70. Nhận thức được tầm quan trọng của khách hàng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng đã đầu tư và quan tâm đến hoạt động này trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp mình.
- Hoạt động logistics khác
Các hoạt động logistics khác bao gồm hệ thống thông tin, hoạt động kho bãi và vận tải, dự trữ vật tư cũng là những nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Hệ thống thông tin logistics là một cấu trúc tương tác giữa con người, thiết bị, các phương pháp và quy trình nhằm cung cấp các thông tin thích hợp cho các nhà quản trị logistics với mục tiêu lập kế hoạch, thực thi và kiểm soát logistics hiệu quả. Trong chuỗi cung ứng, nếu thông tin được trao đổi nhanh chóng, chính xác thì hoạt động logistics sẽ tiến hành hiệu quả. Ngược lại, nếu trao đổi thông tin chậm chạp, sai sót sẽ làm tăng các khoản chi phí lưu kho, bến bãi, vận tải làm cho việc giao hàng bị chậm trễ và việc mất khách hàng là điều không tránh khỏi. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều ý thức trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh của mình, nhưng nếu chỉ xét về khía cạnh xây dựng website, phần lớn website của doanh nghiệp Việt Nam chỉ đơn thuần giới thiệu về mình, về dịch vụ của mình, thiếu hẳn các tiện ích mà khách hàng cần như công cụ track and trace (theo dõi đơn hàng), lịch tàu, e-booking, theo dõi chứng từ…
Kho bãi là một bộ phận không thể thiếu trong chuỗi cung ứng cũng như dịch vụ logistics, là nơi cất giữ nguyên vật liệu, thành phẩm,… trong suốt quá trình chu chuyển từ điểm đầu đến điểm cuối của dây chuyền cung ứng, đồng thời cung cấp các thông tin về tình trạng, điều kiện lưu giữ và vị trí các hàng hóa được lưu. Quản trị kho bãi trong logistics tốt sẽ giúp doanh nghiệp góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất, vận chuyển, phân phối hàng hóa. Nhờ đó, kho có thể chủ động tạo ra các lô hàng với quy mô kinh tế trong quá trình sản xuất và phân phối, giảm chi phí bình quân trên một đơn vị. Một số loại kho bãi trong logistics có thể kể đến, là: Cross docking, kho bảo thuế, kho ngoại quan, kho CFS (điểm thu gom hàng lẻ).
Để chuyên chở nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, doanh nghiệp có thể chọn một trong các phương thức vận tải sau: Đường biển, đường hàng không, đường sông, đường bộ, đường sắt hoặc kết hợp hai hay nhiều phương thức lại với nhau - vận tải đa phương thức. Trong thực tế, dòng lưu chuyển của vật chất phục vụ quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rất phức tạp, vì nguồn cung ứng vật liệu cho quá trình sản xuất có thể từ nhiều nơi, các địa điểm sản xuất, hệ thống kho, các điểm buôn bán lẻ cũng được đặt rải rác tại nhiều địa điểm khác nhau. Đó là lý do làm chi phí vận tải chiếm phần chính trong chi phí logistics, việc cắt giảm chi phí vận tải có tầm quan trọng trong việc cắt giảm chi phí logistics. Hiện nay, cơ sở hạ tầng của Việt Nam bao gồm trên 17.000 km đường nhựa, hơn 3.200 km đường sắt, 42.000 km đường thủy, 266 cảng biển và 22 sân bay. Tuy nhiên, chất lượng của hệ thống này là không đồng đều, có những chỗ chưa đảm bảo về mặt kỹ thuật.
- Dịch vụ logistics thuê ngoài
Thuê ngoài logistics làviệc sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ logistics bên ngoài (2PL, 3PL, 4PL) thay mặt doanh nghiệp để tổ chức và triển khai hoạt động logistics. Khi nhà sản xuất sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài sẽ làm hài lòng khách hàng từ việc vận hành chuỗi cung ứng chuyên nghiệp đến việc đảm bảo đúng cam kết về chất lượng hàng hóa và thời gian. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không cần thiết phải đầu tư chi phí vào xây dựng kho bãi, các trang thiết bị vận tải, trong khi vẫn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Khi sử dụng dịch vụ logistics thuê ngoài sẽ cho phép doanh nghiệp tập trung vào khả năng cốt lõi. Tuy nhiên, việc thuê ngoài hoạt động logistics cũng có những rủi ro như khả năng mất kiểm soát đối với hoạt động logistics do quy trình nghiệp vụ bị gián đoạn, chi phí hợp tác cao...
Theo báo cáo thực trạng thuê ngoài hoạt động logicstics Việt Nam của Công ty SCM năm 2008, hiện nay ở nước ta, các hoạt động logistics truyền thống gồm vận tải, kho bãi, khai quan và giao nhận vẫn là những hoạt động được thuê ngoài nhiều nhất. Trong số các công ty hiện chưa thuê ngoài, 50% cho biết sẽ thuê ngoài trong tương lai, 38% sẽ cân nhắc khả năng thuê ngoài trong khi 12% lại không muốn thuê ngoài vì sợ không giảm được chi phí và vì logistics là hoạt động cốt lõi. Các công ty thuê ngoài tiết lộ rằng thuê ngoài giúp giảm chi phí logistics bình quân 13%/năm.
- Mức độ sử dụng dịch vụ gia tăng trong logistics
Một trong số những dịch vụ gia tăng trong logisitcs mà doanh nghiệp thường sử dụng như lựa chọn phương thức vận tải, chọn đơn vị vận tải trong từng phương thức sao cho thỏa mãn được khách hàng và giá cả hợp lý, cắt giảm chi phí vận tải bằng việc kết hợp các khách hàng trong việc đàm phán hợp đồng vận chuyển. Bên cạnh đó, việc đàm phán giá cả, xử lý đơn hàng, lắp ráp hay lắp đặt hàng hóa, trả lại hàng... cũng là một trong những hoạt động gia tăng của logistics giúp doanh nghiệp ký kết được hợp đồng, mua bán với giá phù hợp, giúp kết nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, hiểu rõ bản chất vấn đề.
- Khả năng thay đổi để thích ứng trong hoạt động logistics của DN
Đẩy nhanh sự thay đổi để thích ứng trong hoạt động logistics, cố gắng tăng khả năng phản ứng với các dấu hiệu của thị trường. Cách tiếp cận này giúp tăng khả năng linh hoạt của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics để đưa ra các quyết định xây dựng thuộc tính của sản phẩm gần hơn với tốc độ thay đổi của cầu trên thị trường.
Không thể phủ nhận vai trò của logistics với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động logistics đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo yếu tố đúng thời gian, đúng địa điểm (Just in time - JIT), nhờ đó đảm bảo cho quá trình sản xuất - kinh doanh diễn ra theo đúng nhịp độ đã định, góp phần nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, sử dụng hiệu quả vốn kinh doanh của doanh nghiệp.
Kế thừa các kết quả trước đó và từ nghiên cứu, tác giả đề xuất mô hình ảnh hưởng của các hoạt động logisitcs đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp như sau:
Trong mô hình này, tác giả đưa ra giả thiết, cả 6 nhân tố trên đều ảnh hưởng tỉ lệ thuận đến chỉ tiêu đo lường hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp (ROS), nghĩa là ROS sẽ tăng khi các nhân tố này tác động tích cực và ngược lại.
5. Kết luận và thảo luận
Lĩnh vực logistics có vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong khi đó gánh nặng chi phí logistics đang là một rào cản lớn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Trong những năm qua, hoạt động logistics đã được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư khá lớn, tuy nhiên kết quả còn nhiều hạn chế. Điều này đã làm cho giá và chi phí sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp nhìn chung còn cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo nghiên cứu của McKinsey về logistics ở các thị trường mới nổi, ở tầm vĩ mô, việc giảm 10% chi phí logistics sẽ có thể dẫn đến tiết kiệm nguồn lực quốc gia tương đương 1.5% - 2% GDP. Ở bình diện doanh nghiệp, việc giảm được chi phí logistics sẽ góp phần nâng cao được năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, doanh nghiệp cần quan tâm giải quyết những vấn đề sau:
(1) Tập trung hóa các hoạt động logistics bằng cách xây dựng hội đồng logistics hoặc bộ phận logistics. Để quản lý toàn bộ hoạt động logistics, các công ty sẽ thiết lập một bộ phận riêng về logistics nhằm tìm kiếm cơ hội giảm chi phí và điều phối toàn bộ hoạt động logistics. Bộ phận này đảm bảo rằng công ty đạt hiệu quả tốt nhất có thể bằng cách xác định và chia sẻ những kinh nghiệm hay về logistics cho tất cả các đơn vị kinh doanh của công ty. Cần tập trung vào một số hoạt động chiếm tỉ trọng chi phí cao trong toàn bộ chi phí logistics của doanh nghiệp như hoạt động kho bãi và vận chuyển. Cụ thể, đối với hoạt động kho bãi, doanh nghiệp có thể tận dụng kỹ thuật “di chuyển hàng liên tục thông qua kho” (cross - docking) để giảm những chi phí liên quan đến tồn kho và nâng cao hiệu quả giao hàng. Đối với hoạt động vận tải, doanh nghiệp nên tính toán và cân nhắc hình thức vận chuyển nào là phù hợp với từng loại hàng hóa, thời gian giao hàng và chi phí doanh nghiệp sẵn sàng chi trả cho việc chuyển chở loại sản phẩm, hàng hóa đó. Ngoài việc sử dụng phương tiện vận tải có sẵn, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ vận chuyển của nhiều công ty khác nhau hay ký hợp đồng dài hạn với các công ty vận tải, nhờ đó doanh nghiệp được hưởng mức chiết khấu cao hơn và thêm nhiều ưu đãi kèm theo. Thực tế cho thấy, thông qua hoạt động “tiêu chuẩn hóa” này các doanh nghiệp đã cắt giảm chi phí và dịch vụ khách hàng tăng lên đáng kể.
(2) Phát triển quan hệ chiến lược với các nhà cung cấp dịch vụ logistics (3PL). Các doanh nghiệp có thể phát triển quan hệ đối tác với các 3PL để cắt giảm chi phí hoặc tập trung vào năng lực cốt lõi. Các 3PL sẽ tận dụng tính hiệu quả cùng với tính chuyên gia của mình để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Việc sử dụng những nhân viên hợp đồng có trình độ cao từ các nhà cung cấp chuyên nghiệp giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đáng kể so với việc tái thiết một hệ thống vận hành riêng cho công ty. Ngoài ra, các 3PL sẽ giúp doanh nghiệp không cần đầu tư vốn vào các tài sản lớn, nguồn lực được phân bổ và chi phí được tái cơ cấu một cách hiệu quả hơn, do đó doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều vào các lĩnh vực trọng yếu và chiếm ưu thế, nâng cao hiệu suất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Logistics được ghi nhận như một chức năng kinh tế chủ yếu, một công cụ hữu hiệu mang lại thành công cho các doanh nghiệp cả trong khu vực sản xuất lẫn trong khu vực dịch vụ. Việc giảm chi phí logistics luôn được các nhà quản trị trên thế giới đặt lên hàng đầu trong chương trình giảm tổng chi phí cho doanh nghiệp, từ đó nâng tầm vị thế cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, đồng thời hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp được nâng cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đặng Đình Đào. Giải pháp phát triển dịch vụ logistics của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Báo cáo đề tài khoa học cấp Bộ, 2009.
2. Đoàn Thị Hồng Vân. Logistics những vấn đề cơ bản, NXB Lao động - Xã hội, 2010.
3. Nguyễn Xuân Hào. Tác động dịch vụ logistics đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Luận án Tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, 2015.
4. Nguyễn Quốc Luật, Nguyễn Thị Bích Ngọc. Logistics - Một hình thức dịch vụ cần được đẩy mạnh ở Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 197, 2013.
5. Angelisa Elisabeth Gillyrard, M.S, M.A, 2003. The Relationships among Supply chain characteristics, logistics and manufacturing strategies, and performance, dissertation. The Ohio State University.
6. Kent Gourdin. Global Logistics Management: A Competitive Advantage for the 21st Century. Journal of Commerce, 2006.
RESEARCH ON THE IMPACT OF LOGISTICS ACTIVITIES
TO BUSINESS EFFICIENCY OF ENTERPRISES
● NGUYEN THI VIET NGOC
Faculty of Business Administration - Electric Power University
ABSTRACT:
In the past time, although logistics activities in Vietnam in general and enterprises in particular have been paid attention and have made promising progress, there are still some limitations. Within the scope of this article, the author systematized the basic content of logistics and business efficiency of enterprises, and analyzes the factors influencing logistics to business performance. On the basis of these analyzes, the study proposed some solutions to help enterprises savee cost savings and optimize the business efficiency of enterprises.
Keywords: Logistics, business efficiency, business.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 11 tháng 10/2017 tại đây