Theo Bloomberg, Nhật Bản đang rót hàng tỷ USD vào bán dẫn, một cuộc đặt cược lâu dài nhằm vực dậy năng lực sản xuất chip của mình.
Mục tiêu của việc sản xuất chip tiên tiến là tạo nền tảng cho hàng chục công nghệ quan trọng, bao gồm trí tuệ nhân tạo, hệ thống vũ khí và xe điện.
Theo đó, Nhật Bản đang xây dựng nhà máy bán dẫn mới tại nơi nổi tiếng với nông nghiệp, căn cứ quân sự và sân bay Chitose.
Liên doanh mới có tên Rapidus muốn sản xuất hàng loạt chip logic 2nm vào năm 2027 từ con số 0. Theo tiêu chuẩn ngành, đây là thách thức lớn đối với một doanh nghiệp 18 tháng tuổi ở một quốc gia đã tụt hậu xa so với các đối thủ nước ngoài về sản xuất chất bán dẫn.
Dù vậy, chính phủ muốn quay trở lại cuộc chơi mà họ từng thống trị trong bối cảnh Mỹ - Trung cạnh tranh sâu sắc.
Trong vòng chưa đầy ba năm, Nhật Bản đã dành khoảng 4.000 tỷ yên (26,7 tỷ USD) để hồi sinh sức mạnh bán dẫn của mình.
Thủ tướng Fumio Kishida đặt mục tiêu hỗ trợ tài chính 10.000 tỷ yên cho ngành công nghiệp với sự hỗ trợ từ khu vực tư nhân. Một trong số các mục tiêu là tăng gấp ba lần doanh số bán chip sản xuất trong nước lên hơn 15 nghìn tỷ yên vào năm 2030.
Tokyo đã có thể đạt được một số thành công trong phần đầu tiên và phần lớn hơn trong chiến lược của mình. Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), có một nhà máy trị giá 7 tỷ USD đang chuẩn bị đi vào sản xuất ở Kumamoto, miền nam Nhật Bản, và một nhà máy khác sắp khởi công, đồng thời đang đàm phán về nhà máy thứ ba.
Cùng với TSMC, Micron Technology Inc., ASML Holding NV và Samsung cũng đang đầu tư vào cơ sở sản xuất hoặc nghiên cứu tại Nhật Bản khi các công ty tìm kiếm những thỏa thuận tốt nhất để củng cố sản lượng trong tương lai.
Nhật Bản đang nỗ lực lớn để hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn hùng mạnh một thời, cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng để lôi kéo các nhà sản xuất chip toàn cầu. Dù thông qua chính sách muộn hơn Đạo luật CHIPS của Mỹ, đã có một số dự án nhận được hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản.
Theo nhà phân tích bán dẫn kỳ cựu Arisa Liu, hành động nhanh chóng của Chính phủ Nhật Bản khiến nước này trở thành điểm đến hàng đầu cho các nhà sản xuất chip Đài Loan đang tìm cách mở rộng sản xuất ra nước ngoài. Với khả năng làm chủ sản xuất của Đài Loan và chuyên môn về máy móc, vật liệu sản xuất chip của Nhật Bản, có thể mong đợi nhiều hợp tác hơn trong tương lai, ông Liu nhận xét.
Các khoản trợ cấp khổng lồ của Nhật Bản cho thấy quyết tâm mới của chính phủ trong việc tận dụng cơ hội để giành lại một phần sức mạnh chip của quốc gia.