Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế công nghiệp - thương mại

Từ đầu năm đến nay, tình hình phát triển kinh tế công nghiệp - thương mại ghi nhận nhiều điểm sáng: Chỉ số sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng; các ngành sản xuất phục hồi nhanh hơn; xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI...

Đây là thông tin được Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn của Bộ Công Thương chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ Quý II/2022 và gặp gỡ, tri ân các nhà báo, phóng viên nhân dịp 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức chiều 16/6/2022.

hop bao
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (giữa) chủ trì buổi họp báo và gặp mặt

Phục hồi sản xuất nhanh hơn và nối lại chuỗi cung ứng

Theo Thứ trưởng, 5 tháng đầu năm nay tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid -19 và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina… tạo lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn. Sự gián đoạn nguồn cung, giá cước vận tải ở mức cao đã làm giảm sức mạnh phục hồi của thương mại hàng hóa. Giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu tiếp tục tăng, một số mặt hàng chạm các mốc kỷ lục đã ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam… đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 và 5 tháng năm 2022 vẫn duy trì tốc độ tăng. Tính chung 5 tháng, chỉ số IIP tăng 8,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,2% (cùng kỳ tăng 12,5%) đóng góp 7,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Các ngành sản xuất đã có sự phục hồi nhanh hơn trong tháng 5, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tăng 3 điểm phần trăm (từ mức 51,7 điểm trong tháng 4 lên mức 54,7 điểm của tháng 5), cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng, tồn kho thành phẩm giảm.

Điều này còn thể hiện ở số lượng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng tháng thứ hai liên tiếp tại thời điểm 01/5/2022 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so với năm trước. 

TT.Hai
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Bên cạnh sự đồng hành hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực to lớn của các doanh nghiệp là điểm sáng cần khẳng định

Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng KNXK tăng 16,7%. 5 tháng 2022 có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn 4 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 21,3% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 15,1%) cho thấy sự phục hồi trở lại nhanh chóng của khu vực các doanh nghiệp trong nước và nối lại được các chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

"Đây là kết quả của sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực to lớn của các doanh nghiệp, là điểm sáng cần khẳng định", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 5 tháng tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao ở nhóm hàng cần nhập khẩu là nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu (tăng 16,5%), nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 4,4%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng tiếp tục xuất siêu, ước tính xuất siêu 434 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 1,24 tỷ USD).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5/2022 tăng 22,6% là tháng thứ hai liên tiếp có tốc độ tăng trưởng ở mức trên hai con số. Tính chung 5 tháng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3% (cùng kỳ giảm 1%).

Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2022 có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh. Cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, phân bón, điện… cơ bản được đảm bảo.

Báo chí đóng góp tích cực vào hoạt động của ngành Công Thương

hop bao 2

Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí - truyền thông.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, thời gian qua, Bộ Công Thương đã luôn nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan báo chí - truyền thông và đặc biệt là sự đồng hành của các nhà báo, phóng viên. Các sự kiện, hoạt động của ngành Công Thương luôn nhận được sự quan tâm, phản ánh kịp thời, đầy đủ, khách quan của các cơ quan thông tấn báo chí. Điều này đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của ngành Công Thương nói riêng. 

"Ngành Công Thương trong suốt những năm qua, đặc biệt trong thời gian chống dịch và 5 tháng đầu năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó một phần có sự góp sức của tất cả các anh chị trong việc phản ánh kịp thời và phối hợp với chúng tôi", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp; Tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính; Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ hàng hóa, nông sản trên môi trường số, TMĐT. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

Đồng thời Bộ tiếp tục rà soát, kiến nghị các giải pháp nhằm giảm các loại thuế, phí một cách phù hợp với điều kiện của Việt Nam; đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp giá đầu vào của một số mặt hàng (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) tiếp tục tăng cao.

Tiếp tục các giải pháp giao thiệp với phía bạn và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết tình trạng thông quan biên giới bền vững. Tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, phân bón, điện…

Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá an toàn đập trước mùa mưa bão, chủ động nắm bắt tình hình diễn biến thời tiết, thực hiện nghiêm ngặt quy trình vận hành hồ chứa, tăng cường quản lý, vận hành khai thác các công trình thủy điện.

Thứ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cung cấp thông tin kịp thời đến báo chí và mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa từ các nhà báo, phóng viên, các cơ quan thông tấn báo chí để ngành Công Thương hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương đã trả lời, làm rõ những vấn đề các nhà báo, phóng viên quan tâm liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Việt Hằng - Thăng Long