Phát biểu tại Lễ khởi động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, những năm vừa qua, nhu cầu phụ tải điện của Việt Nam đang tăng nhanh. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến năm 2019 (trước khi xảy ra đại dịch Covid-19), nhu cầu điện tăng bình quân trên 10,5%/năm.
Trong điều kiện như vậy, Việt Nam đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Đến cuối năm 2021, quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN, thứ 22 trên thế giới với 76.620 MW công suất lắp đặt nguồn điện cả nước. 100% số xã, 99,65% số hộ dân trong đó có 99,45% số hộ dân nông thôn đã được cấp điện...
Nhờ các chính sách khuyến khích gần đây, Việt Nam cũng nằm trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới trong phát điện gió và điện mặt trời.
“Dù vậy, Việt Nam ý thức rất rõ rằng ngành Năng lượng đang đứng trước nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm cung cấp đủ điện phục vụ mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã vạch rõ”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh.
Bên cạnh mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đang xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021.
Chính phủ Việt Nam đang vạch ra lộ trình, giải pháp thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Kế thừa sự phát triển mạnh gần đây về phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ Việt Nam chỉ đạo sẽ tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối), các loại hình năng lượng mới (trong đó có hydro xanh, amoniac xanh, v.v... khi công nghệ được chứng thực) trong cơ cấu nguồn điện quốc gia đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế.
Trong các năm 2015-2020, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng USAID triển khai thành công Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP I), nhằm hỗ trợ củng cố nền tảng về cơ chế chính sách, tăng cường năng lực cho phát triển năng lượng phát thải thấp ở Việt Nam, góp phần tích cực thúc đẩy các mục tiêu sử dụng hiệu quả năng lượng quốc gia của Việt Nam.
Chương trình đã hỗ trợ công cụ lập quy hoạch điện, cung cấp tư vấn kỹ thuật nâng cao năng lực trong việc lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), đề xuất chương trình thí điểm Cơ chế Mua bán điện trực tiếp (DPPA), cung cấp các nghiên cứu đầu vào để xây dựng và ban hành các quy định về Định mức tiêu hao năng lượng trong một số ngành, lĩnh vực.
Đồng thời, V-LEEP I, thông qua các hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực cho khu vực tư nhân, đã góp phần huy động 311 triệu USD để phát triển thành công gần 300 MW điện gió và điện mặt trời. Theo tính toán, các kết quả này đã góp phần giảm phát thải khoảng 730 nghìn tấn khí nhà kính CO2, đóng góp vào nỗ lực thực hiện cam kết quốc gia của Việt Nam theo Thỏa thuận Paris.
Phát huy các kết quả của V-LEEP I, Bộ Công Thương và USAID tiếp tục triển khai Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam giai đoạn II (V-LEEP II).
Bằng cách mở rộng quy mô và phạm vi hỗ trợ kỹ thuật, V-LEEP II sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành năng lượng của Việt Nam theo hướng sạch, bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và dựa trên các nguyên tắc thị trường thông qua việc tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành năng lượng và thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng.
V-LEEP II được kỳ vọng sẽ tiếp tục và tăng cường các hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để hiện thực hóa các mục tiêu tham vọng về chuyển đổi năng lượng bền vững. Chương trình dự kiến sẽ cung cấp các hoạt động hợp tác, đào tạo, nâng cao năng lực, công cụ hỗ trợ quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch, kết nối chuyển giao công nghệ sản xuất và quản lý điện/năng lượng tiên tiến hiện đại cho Việt Nam.
Đồng thời, V-LEEP II dự kiến sẽ hỗ trợ huy động tài chính cho 2.000MW năng lượng tái tạo và 1.000MW từ các nhà máy nhiệt điện khí chu trình hỗn hợp và hiệu quả các dự án đầu tư sẽ giúp giảm 59 triệu tấn CO2 tương đương trong toàn bộ vòng đời dự án đầu tư, góp phần đáng kể vào việc thực thi các cam kết về mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam.
“Tôi hy vọng rằng các kết quả của Chương trình sẽ cung cấp đầu vào hữu ích phục vụ quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển năng lượng tại Việt Nam, thúc đẩy hợp tác công - tư, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế vào phát triển năng lượng, thúc đẩy sự hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng bền vững và giảm nhẹ tác động tới biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An bày tỏ.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Marc Knapper nhấn mạnh, Chính phủ Hoa Kỳ tự hào là đối tác của Việt Nam trên hành trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Chúng tôi hoan nghênh cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, với hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
“Dự án V-LEEP II do USAID tài trợ sẽ là một nền tảng quan trọng trong hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam để đạt được các cam kết về chống biến đổi khí hậu”, Đại sứ Marc Knapper cho hay.
Cũng tại sự kiện, Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock cho biết, thông qua dự án V-LEEP II, USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng sạch, đảm bảo và dựa vào thị trường. Năng lượng tái tạo sẽ không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng bền vững nhu cầu năng lượng đang ngày càng gia tăng mà còn tăng cường an ninh năng lượng, đồng thời thúc đẩy các cam kết của Việt Nam tại COP26.